Xuất khẩu thủy sản vỡ mộng 10 tỷ USD?

Adv thuysan247
Những tháng còn lại của năm, xuất khẩu thủy sản khó đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ năm 2018, do phải chịu cạnh tranh gay gắt cả về giá và chất lượng. Mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu đạt 10 tỷ USD năm nay cũng không hề giản đơn.

Suốt từ đầu năm đến nay, giá cá tra liên tục trong tình trạng bết bát, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Những tháng còn lại của năm, xuất khẩu thủy sản khó đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ năm 2018, do phải chịu cạnh tranh gay gắt cả về giá và chất lượng. Mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu đạt 10 tỷ USD năm nay cũng không hề giản đơn.

thuysan247.com

Giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản 9 tháng đầu năm đạt 1,32 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất trong 8 tháng đầu năm là Na Uy, chiếm 12,2% thị phần, tiếp đến là Ấn Độ và Trung Quốc với thị phần lần lượt là 11,4% và 7,7%. Trong 8 tháng đầu năm, thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2018 là Philippines (gấp 2,67 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản giảm mạnh nhất là Ấn Độ, giảm 45,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Giá cá tra thấp nhất trong 2 năm

Số liệu cập nhật mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy: Tính từ đầu năm đến hết tháng 9, xuất khẩu thủy sản thu về 6,23 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, chiếm 56,8% tổng giá trị xuất khẩu.

Đáng chú ý trong câu chuyện xuất khẩu thủy sản năm nay là những mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, mực ghi nhận sụt giảm đáng kể về mặt giá trị do gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các nước Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan.

Cụ thể, tính hết tháng 8, giá trị xuất khẩu tôm sú đạt 449,76 triệu USD, giảm 15,3%; tôm chân trắng đạt 1.467,17 triệu USD, giảm 6%; cá tra đạt 1.303,96 triệu USD, giảm 7,7%; mực và bạch tuộc đạt 385,58 triệu USD, giảm 7,4%.

Tại thị trường nội địa, trong khi giá tôm ghi nhận sự trồi sụt tùy thời điểm, dần được cải thiện trong quý III và có chiều hướng tăng cao vào dip cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng tăng thì giá cá tra lại không mấy khả quan.

Nhìn lại 9 tháng đầu năm, thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL không thuận lợi đối với cả người nuôi và nhà xuất khẩu. Giá cá tra có xu hướng suy yếu dần sau một năm liên tục tăng nóng.

Hiện, giá cá tra bán buôn dao động trong khoảng 20.500-21.000 đ/kg đối với cá tra loại I (800-900g/con), trong khi giá thu mua tại trang trại chỉ dao động 19.500-20.000 đ/kg, mức giảm khoảng 1.000đ/kg so với tháng trước.

“Sau thời điểm giá cá tra tăng cao kỷ lục trong năm 2018, mức giá hiện tại giảm gần 10.000 đ/kg so với hồi đầu năm nay và đang ở mức thấp nhất trong 2 năm qua. Giá cá tra giảm mạnh chủ yếu do ảnh hưởng bởi đầu ra xuất khẩu có phần chậm so với trước, nhất là xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đang giảm đáng kể từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường Hoa Kỳ cũng giảm mạnh”, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phân tích.

Thực tế cho thấy, thị trường giao dịch trầm lắng, các công ty hiện nay hầu như rất ít bắt cá ngoài mà ưu tiên thu hoạch cá trong vùng nuôi của doanh nghiệp và thu mua theo hợp đồng liên kết với các hộ nuôi cá. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có bước tăng trưởng trong những tháng cuối năm khi vào mùa cao điểm tiêu thụ thủy sản.

Cạnh tranh gay gắt về giá và chất lượng

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo: Xuất khẩu thủy sản 3 tháng cuối năm có thể khó đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ năm 2018 do thủy sản Việt Nam phải chịu cạnh tranh gay gắt cả về giá và chất lượng.

Về mặt con số cụ thể cho 2 mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực nhất là tôm và cá tra, dự báo cả năm 2019, giá trị lần lượt đạt 3,4 tỷ USD và 2,23 tỷ USD, giảm tương ứng 4% và 3% so với năm 2018.

Nguyên nhân sụt giảm được chỉ ra là do công nghệ nuôi trồng thủy sản của các nước phát triển khá mạnh. Trung Quốc, Malaysia bắt đầu nuôi cá tra. Bên cạnh đó, Thái Lan, Ấn Độ ngày càng kiểm soát tốt bệnh trong nuôi tôm và trúng mùa.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp cũng tác động không nhỏ đến giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 3 tháng cuối năm và cả năm 2019.

Xung quanh khó khăn trong xuất khẩu thủy sản, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Trước hết, các xung đột thương mại chưa có dấu hiệu kết thúc sẽ tác động không nhỏ tới các chính sách thương mại, cán cân xuất nhập khẩu. Tiếp đến là các rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu ngày càng nhiều với các quy định chặt chẽ hơn, trong đó yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm…

Ngoài ra, ông Luân thừa nhận, tình trạng nuôi trồng thủy sản vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị; cơ sở hạ tầng (cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão…), bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và chế biến sản phẩm thủy sản khai thác còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu…

Năm 2019, ngành thủy sản được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT giao chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD. Theo ông Luân, đây là con số khá cao.

“Với mục tiêu 10 tỷ USD, mức độ tăng trưởng là 13,7% so với con số thực hiện năm 2018 là 8,7 tỷ USD. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 5 năm vừa qua là 5,5%/năm. Năm 2019, xuất hiện nhiều yếu tố khó lường, tác động đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam như xung đột thương mại, giá cả tăng cao, đặc biệt là sự cạnh tranh giữa các quốc gia cùng xuất khẩu. Vì vậy, để đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra, ngành thủy sản sẽ phải nỗ lực rất nhiều”, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Nguồn: Theo Hải Quan Online
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết