Khánh Hòa hướng tới nuôi biển công nghệ cao bền vững

Adv thuysan247
“Phát triển kinh tế biển, trong đó có nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao (NBCNC).

Mô hình nuôi biển công nghệ cao đã và đang hoạt động hiệu quả tại vịnh Vân Phong.

“Phát triển kinh tế biển, trong đó có nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao (NBCNC).

thuysan247.com

Đó là một trong những nhiệm vụ đã được đề cập trong Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 23/2/2022 của Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng đã khẳng định phát triển kinh tế biển, trong đó có NBCNC”, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa đã chia sẻ với chúng tôi khi nói đến đề án NBCNC ở địa phương này.

Trong tầm nhìn chiến lược bền vững của đề án sẽ giảm thiểu dần diện tích nuôi thủy sản trong lồng bè ven bờ, hình thành và mở rộng những vùng nuôi biển xa bờ theo phương thức công nghiệp, hiện đại với quy mô lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng biến đổi khí hậu…

Theo đó, ngoài việc tập trung nghiên cứu, thực hiện một số mô hình nuôi biển tiên tiến thí điểm tại các vùng biển xa bờ và vùng biển hở để có cơ sở phát triển, nhân rộng mô hình NBCNC ở Khánh Hòa, đề án nêu trên sẽ đề xuất một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và ngư dân đầu tư phát triển; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ gia đình không có đủ khả năng đầu tư nuôi biển xa bờ; hỗ trợ đào tạo nghề và nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ năng lực nghiên cứu, quản lý và tổ chức thực hiện các giải pháp, biện pháp kỹ thuật NBCNC đúng định hướng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Khánh Hòa sẽ có chính sách thu hút, liên kết với các doanh nghiệp tham gia đầu tư nuôi biển, tập trung chế tạo các phương tiện kỹ thuật NBCNC như nuôi bằng lồng nhựa HDPE, phao, lưới vây bằng vật liệu mới, thiết bị giám sát môi trường, cho cá ăn bằng hệ thống tự động; thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất con giống với quy mô lớn, sản xuất thức ăn công nghiệp và tổ chức hoạt động dịch vụ hậu cần.

Tại cuộc hội thảo chủ đề phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp do UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tổ chức cuối tháng 4/2022, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, vùng biển Khánh Hòa rất thích hợp để phát triển NBCNC; địa phương này cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ và dịch vụ hậu cần phục vụ nuôi biển, có điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác quốc tế trong thu hút công nghệ, nguồn vốn và thị trường tiêu thụ để đầu tư, phát triển.

Không ít chuyên gia cho rằng, để phát triển bền vững NBCNC, Khánh Hòa cần sớm quy hoạch sử dụng không gian biển tránh ảnh hưởng không gian biển của các ngành kinh tế khác, đồng thời xác lập cụ thể đề án phát triển NBCNC, giao mặt nước nuôi biển lâu dài để các doanh nghiệp an tâm đầu tư.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Khánh Hòa cần triển khai thực hiện mô hình nuôi biển đa tầng, đa loài tích hợp để tái tạo hệ sinh thái tuần hoàn, tái tạo môi trường biển một cách tự nhiên và phát triển nuôi biển tích hợp đa ngành, trong đó chú trọng nuôi biển tích hợp với phát triển du lịch vốn là thế mạnh từ lâu của địa phương.

Tham tán thương mại Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, ông Arne Kjertil Lian đề xuất, Khánh Hòa có thể học tập kinh nghiệm của Na Uy để đầu tư và khai thác hiệu quả tiềm năng nuôi biển kết hợp du lịch. Thời gian qua, Na Uy đã xây dựng các trang trại trình diễn nuôi cá kết hợp đón khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Na Uy ưu tiên cho các doanh nghiệp có năng lực triển khai đầu tư trang trại nuôi biển, miễn phí cấp giấy phép 10 năm cho các trang trại trình diễn nuôi cá kết hợp du lịch tại những nơi có tiềm năng và thế mạnh về du lịch.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương luôn mở cửa thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển NBCNC bền vững cùng các hoạt động phụ trợ tại những vùng biển hở. Để có đủ điều kiện phát triển nghề NBCNC, Bộ NN & PTNT cần sớm xây dựng, ban hành tiêu chí về tiêu chuẩn trang trại nuôi biển, tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách, cơ chế thông thoáng về giao khu vực biển phù hợp cho doanh nghiệp đầu tư NBCNC.

Đề nghị Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam hỗ trợ chuyên gia phối hợp với địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện đề án phát triển NBCNC theo hướng bền vững; hỗ trợ tìm kiếm nhà đầu tư để triển khai các mô hình NBCNC; đầu tư chế tạo thiết bị phụ trợ phục vụ nuôi biển; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho hoạt động nuôi biển ở Khánh Hòa.

Trên vùng biển Khánh Hòa hiện có 74.500 lồng nuôi tôm hùm, cá chẽm, cá bớp, cá chim vây vàng… với sản lượng mỗi năm khoảng 18.000 tấn, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động, nghề nuôi biển chiếm khoảng 1/5 tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản ở Khánh Hòa.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa xác định: Với chiều dài bờ biển 385km tính theo mép nước và khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng với các vịnh Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang, đầm Nha Phu…, Khánh Hòa có nhiều tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển, trong đó hoạt động NBCNC bền vững kết hợp du lịch là một định hướng đúng, đang được Khánh Hòa tập trung đầu tư bằng nhiều giải pháp khoa học để góp phần đổi mới và phát triển kinh tế biển ở địa phương.

Nguồn: Theo Báo Công An Nhân Dân
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết