Niềm vui sau những lần thả lưới bắt cá hằng ngày của ông Năm Kiện
Xã Phước An nằm ở phía Đông Nam của H.Nhơn Trạch với tổng diện tích tự nhiên hơn 11,3 ngàn ha, chiếm 1/3 diện tích toàn huyện.
Với điều kiện thuận lợi, tiềm năng tài nguyên phong phú và đa dạng, đặc biệt là hệ thống rừng ngập mặn, sông ngòi thuận lợi, nhiều người dân trên địa bàn đã phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản.
Ông Năm Kiện và Hai Canh chèo thuyền nhỏ ra đùng để giăng lưới bắt cá bán cho thương lái hoặc thực khách đến tham quan |
Đã hơn 40 năm gắn bó với nghề nuôi thủy sản, ông Nguyễn Văn Kiện (Năm Kiện, 60 tuổi) và ông Huỳnh Văn Canh (Hai Canh, 58 tuổi) cùng ngụ xã Phước An (H.Nhơn Trạch) đã chứng kiến bao đổi thay của vùng đất và con người nơi đây. Họ cho biết, có được như ngày hôm nay phải nhờ đến sự định hướng của chính quyền và nỗ lực, sáng tạo của người dân.
Bám trụ với nghề
Đang chèo thuyền nhỏ ra đùng nuôi tôm, cá nước lợ, thấy chúng tôi đến thăm, ông Năm Kiện và Hai Canh vội thu lưới rồi cho thuyền vào bờ tiếp khách. Khi thuyền vừa cập bờ, ông Hai Canh cầm mẻ lưới dính đầy cá rô phi, cá đối lên cho chúng tôi xem rồi vui vẻ nói: “Gọi là đùng nuôi tôm, cá nước lợ nhưng đây đều là tôm, cá tự nhiên chứ không phải nuôi công nghiệp. Mùa này tôm, cá vào nhiều, chèo thuyền ra 15 phút mà cá đã đầy lưới”.
Cột chiếc thuyền nhỏ vào trụ cắm ven đùng, ông Năm Kiện và Hai Canh cầm theo lưới cá vừa bắt được treo lên rồi bắt đầu thuần thục gỡ từng con cá ra khỏi lưới. Sau đó, số cá này được 2 ông để vào túi lưới rồi cột lại, thả xuống nước giúp cá sống lâu, chờ khách mối đến mua hoặc dành nấu ăn cho khách đến tham quan đùng.
“Hiện nay, H.Nhơn Trạch đang khảo sát để xây dựng nhà bia tưởng niệm các chiến sĩ đặc công rừng Sác. Nếu công trình này được thực hiện sẽ thu hút khách du lịch tham quan về nguồn kết hợp tham quan các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi hàu… Đặc biệt Phước An có hệ thống sông rạch chằng chịt bao quanh các rừng đước có thủy sản phong phú nhiều chủng loại đa dạng và rất ngon” - Chủ tịch UBND xã Phước An Nguyễn Văn Dũng cho biết.
Theo 2 nông dân này, cá ở đây có thể giăng lưới bắt hằng ngày, nhưng tôm và cua chỉ thu hoạch 2 lần là vào ngày 15 và 30 hằng tháng. Việc bắt tôm, cua khó hơn bắt cá vì phải chờ thủy triều của sông xuống thấp, tháo bớt nước từ đùng ra ngoài mới bắt được. Khi tháo nước, 2 ông sẽ dùng lưới bao lấy ống cống. Lúc nước chảy ra sông thì tôm, cua sẽ vướng vào lưới để thu về một mẻ lớn. Mỗi lần như vậy có thể thu về hàng trăm ký cá, tôm, cua…
Trong căn chòi lợp bằng lá rộng hơn 100m2, vừa nhấp ngụm nước trà, ông Năm Kiện kể lại, từ ngày còn bé ông thường theo cha mẹ lội rừng đước bắt thủy sản rồi gặp được ông Hai Canh. Khi mới khoảng 18 tuổi, 2 ông bắt đầu nghĩ đến việc khai phá để có chỗ làm ăn sinh sống. Sau khi lập gia đình, 2 người đàn ông này vẫn cố bám trụ với nghề và gắn bó làm chung với nhau đã hơn 40 năm. Cho đến hôm nay, đùng của hai ông đã có diện tích khoảng 17ha, thu nhập bình quân hàng tháng từ 50-100 triệu đồng.
“Hồi đó không có đường mà phải lội giữa rừng đước để bắt tôm cá rồi đem đi bán. Nhưng được cái của thiên nhiên ban tặng rất nhiều nên anh em có của ăn của để. Ban đầu chúng tôi chặt cây, dùng tay đắp các bờ đùng để tạo thành nơi cho tôm cá sinh sống. Đến nay, mọi thứ đã đổi thay, có đường bê tông đến tận đùng. Các đùng nuôi hài sản cũng được dọn dẹp sạch sẽ và được đắp bờ cẩn thận, kiên cố nên việc nuôi thủy sản tự nhiên không quá vất vả như trước” - ông Năm Kiện hồ hởi nói.
Ông Hai Canh chia sẻ thêm, việc nuôi thủy sản tự nhiên không tốn quá nhiều chi phí. Giữa đùng ông đắp thành vuông rồi mua tôm và cua giống, khi đủ lớn sẽ cho ra đùng tự kiếm thức ăn, còn cá thì theo dòng nước từ ngoài sông vào đùng sinh sống. Thức ăn của tôm, cua, cá trong đùng hoàn toàn từ tự nhiên, ông không cần tốn tiền mua thức ăn cho chúng. Một vài năm, ông chỉ tốn tiền thuê máy vào nạo vét và đắp lại bờ một lần để đảm bảo điều kiện cho thủy sản sinh sống.
Nhờ đó, thời gian qua, nhiều người dân từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, nhất là ở TP.HCM và TP.Biên Hòa thường xuống xã Phước An để mua hải sản hoặc tham quan các đùng tôm, thưởng thức hải sản tự nhiên, hưởng không khí trong lành vùng sông nước.
Phát triển nuôi thủy sản kết hợp du lịch
Giữa tháng 4, trong căn chòi nhỏ của ông Năm Kiện có gần 20 khách từ TP.HCM đến du lịch trải nghiệm và thưởng thức thủy sản nước lợ. Mọi người tỏ vẻ thích thú với không khí thoáng mát, cá, tôm tươi sống ở đùng tôm của ông Năm Kiện.
Hải sản sống trong đùng của ông Năm Kiện, Hai Canh đều từ thiên nhiên |
Trong khi đó, tại căn chòi nhỏ dựng sát đùng tôm của nhà bà Nguyễn Thị Lanh (ngụ xã Phước An) cũng có 2 ô tô chở khách xuống tham quan, ăn uống. Theo bà Lanh, cứ cuối tuần sẽ có một số khách quen gọi đặt mua tôm, cua, cá trước và nhờ chủ đùng hấp hoặc chế biến các món ăn đơn giản giúp họ. Riêng nước uống hoặc các loại bánh trái sẽ gọi quán chở đến tận đùng để có thể thoải mái ăn uống cả ngày. Khách không phải trả chi phí dịch vụ gì mà chỉ cần trả tiền thức ăn họ đặt mua là được. Nếu đùng không đủ tôm cua thì sẽ gọi mua giùm từ các đùng lân cận.
Ông Nguyễn Xuân Trường (ngụ TP.HCM) cho hay, ông được bạn bè giới thiệu đến xã Phước An ăn hải sản. Ông rất thích du lịch dân dã vùng sông nước và thưởng thức hải sản tự nhiên ở Phước An. Hiện nay, đường đi từ TP.HCM đến xã Phước An cũng thuận tiện, có thể về trong ngày nên cuối tuần nào rảnh, ông thường đưa bạn bè, gia đình đến đây thư giãn, nghỉ ngơi, hít thở khí trời trong lành, mát mẻ.
Ở xã Phước An, có một số chủ đùng còn cho khách câu cá giải trí. Anh Trần Quốc Đạt (ngụ TP.Biên Hòa) là người mê câu cá nên khi được chủ đùng cho phép, cứ mỗi tuần, anh đều rủ bạn ghé các đùng ở xã Phước An để ăn hải sản, kết hợp câu cá giải trí.
“Chúng tôi câu cá chỉ vì đam mê và giải tỏa căng thẳng trong công việc. Số cá câu được nếu nhỏ sẽ thả lại, lớn sẽ đem cho chủ đùng bán hoặc nấu ăn tại chỗ. Du lịch dân dã đang là xu thế hiện nay nên loại hình kinh doanh này là một cách làm hay giúp chúng tôi có địa điểm để vui chơi, giải trí và nông dân nơi đây cũng khấm khá hơn vì bán được hải sản với giá tốt” - anh Đạt cho biết thêm.
Chủ tịch UBND xã Phước An Nguyễn Văn Dũng cho hay, thời gian qua, địa phương xác định lĩnh vực phát triển các mô hình nuôi trông thủy sản là mục tiêu nâng cao cơ cấu giá trị sản xuất kinh tế nông nghiệp, là ngành kinh tế trọng tâm, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với tổng diện tích gần 1,1 ngàn ha. Nguồn thủy sản nuôi trồng đa dạng chủ yếu như: tôm, cua, cá, sò, hàu…
Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển diện tích nuôi tôm thâm canh; xác định nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản địa phương; tập trung đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng, nhất là vùng nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín, nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi trong nhà lưới, nhà màng. Đồng thời khuyến khích hộ dân đầu tư mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, đa dạng hóa đối tượng nuôi…
Với những định hướng nêu trên, hy vọng rằng, trong thời gian tới xã Phước An sẽ tiếp tục tăng trưởng kinh tế trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch xanh. Điều này giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân lâu dài, đồng thời trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách.
Tố Tâm
Nguồn: Theo Báo Đồng Nai Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết