Cách phòng trị bệnh thối đuôi trên cá tra giống

Adv thuysan247
Bệnh trắng đuôi, thối đuôi còn được gọi là bệnh Columnaris, thường xảy ra trên các loại cá nước ngọt, rất phổ biến trong quá trình ương nuôi cá tra.

Bệnh thối đuôi trên cá tra do vi khuẩn Flavobacterium columnare gây ra.

Bệnh trắng đuôi, thối đuôi còn được gọi là bệnh Columnaris, thường xảy ra trên các loại cá nước ngọt, rất phổ biến trong quá trình ương nuôi cá tra.

thuysan247.com

Bệnh xảy ra chủ yếu trên cá tra ở giai đoạn nhỏ và tỉ lệ chết rất cao trong vài ngày nhiễm bệnh đặc biệt sau khi vận chuyển cá về thả nuôi. Bệnh diễn ra thường xuyên trong năm nhưng mạnh nhất vào mùa nóng, thời điểm nhiệt độ tăng cao. Theo nghiên cứu, vi khuẩn Flavobacterium columnare là tác nhân gây bệnh trắng da trên cá tra vùng ĐBSCL. 

Dấu hiệu nhận biết

Cá bơi lờ đờ, không định hướng, tiết ra nhiều nhớt, xuất hiện nhiều đốm trắng trên cơ thể. Cá nhiễm bệnh ăn ít và dần dần bỏ ăn. Cá hoạt động dần yếu đi, chậm chạp, đuôi bắt đầu cứng và lan dần đến thân cá cho đến khi dừng hẳn bơi lội, nằm ngang, trôi nổi trên mặt nước và thường bị gió cuốn vào thành bờ ao thành từng đám. 

Cá mất nhớt tay sờ cảm giác da cá bị khô nhám tay, hoại tử mang; trên da, vây lưng xuất hiện nhiều đốm trắng và lan dần từ vây lưng đến cuốn đuôi. Vây đuôi xuất hiện các đốm xuất huyết, bị rách và bị gãy, có trường hợp nặng cá bị lở loét, mòn cụt đuôi, ăn sâu vào cơ thịt.

Bệnh trắng da gây nguy hiểm cho cá ở giai đoạn 20-30 ngày tuổi, tỉ lệ hao hụt cao. Quá trình bệnh diễn ra ngắn, thời gian cá bắt đầu phát bệnh và chết diễn ra trong vòng 2 – 3 ngày.

cá bệnh
Bệnh thối đuôi trên cá tra giống. Ảnh minh họa

Cách phòng bệnh

Không bắt hay thả cá vào những ngày thời tiết nắng nóng, nhiệt độ quá cao. Lưu ý cần đảm bảo quy cách khi bắt và thả cá tránh làm cá bị stress hay xây xát, hạn chế tối đa việc cá bị xâm nhập bởi các vi khuẩn, vi trùng xâm nhập trên cá.

Không nên thả cá với mật độ quá cao. Chọn cá giống có bố mẹ khỏe mạnh, có nguồn gốc, chất lượng tốt, cá bơi nhanh nhẹn, phản ứng tốt, không bị xây xát, sạch bệnh. 

Về phần ao nuôi cần chuẩn bị tốt các công tác vệ sinh, cải tạo ao, xử lí nước, ổn định các chỉ tiêu môi trường như pH, oxi, nhiệt độ, … nhằm tạo môi trường sống sạch giúp cá dễ thích nghi và phát triển toàn diện hơn.

Vấn đề môi trường cũng cần chú ý, ao nuôi không nhiễm phèn, không nhiễm mặn. pH nước trung tính, dao động từ 7 – 8,5 là thích hợp nhất. Nhiệt độ cần cân bằng giữa lúc bắt cá và ao chuần bị thả nuôi.

Cách trị bệnh

Dùng Oxytetracycline ngâm cá, với liều lượng 20 - 25g thuốc trên một m3 nước bể. Trước khi trị bệnh, cần làm sạch thức ăn dư thừa và cá chết. Cứ mỗi 24 giờ lượng nước cũ cần được hút ra phân nửa và sau đó thay lượng thuốc mới vào. Trị liên tục 5 -7 ngày, cắt giảm lượng thức ăn, chỉ dùng 1% trọng lượng thân trong thời gian điều trị. Đồng thời trong quá trình xử lí bệnh thức, nên bổ sung thêm vitamin C để giúp cá tăng đề kháng.

Có thể dùng Chloramine T với liều lượng 5ppm trong thời gian dài. Nếu ao cá bị bệnh nghiêm trọng, chữa bằng cách dùng Ca(CO)3, phun khắp ao với nồng độ 1ppm, ngày thứ hai trở đi cá còn chết lác đác đến ngày thứ 3 thì ngừng hẳn (Cần phải thận trọng khi dùng phương pháp này).

Sử dụng hóa chất xử lý môi trường nuôi định kỳ (BKC, bronopol, formol…) giúp cho việc phòng và trị bệnh có hiệu quả. Bên cạnh đó, việc sử dụng chế phẩm Bacillus (như B1, S5) có tính đối kháng với F. columnare trong phòng bệnh cũng giúp giảm tỷ lệ chết đáng kể ở cá thí nghiệm (33% so với 93% ở nhóm đối chứng). Giải pháp sử dụng probiotic hứa hẹn trong việc phòng bệnh trong giai đoạn ương, hạn chế hóa chất đưa vào ảnh hưởng đến sức khỏe của cá khi còn nhỏ.

Theo “Nghiên cứu bệnh trắng đuôi, thối đuôi trên cá tra giống và các giải pháp phòng trị” được thực hiện tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II từ năm 2019 đến 2021. Bệnh trắng đuôi, thối đuôi được ghi nhận xảy ra quanh năm nhưng thường xuất hiện vào đầu mùa mưa. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy các cơ quan bên ngoài (mang, nhớt) là những mô đích quan trọng trong quá trình xâm nhập và phát triển bệnh của vi khuẩn F. columnare. Vi khuẩn có khả năng xâm nhiễm mạnh thông qua môi trường nước nuôi. 

Tài liệu tham khảo:

Từ Thanh Dung, 2005. Bệnh học thủy sản. Tủ sách Đại Học Cần Thơ.

Nguyễn Ngọc Du, 2021. Nghiên cứu bệnh trắng đuôi, thối đuôi trên cá tra giống và các giải pháp phòng trị. Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh Thủy sản Nam bộ. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II.

Minh Sỹ

Nguồn: Theo https://tepbac.com/
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết