Vì sự an toàn của nghề nuôi cá lồng mùa mưa bão

Adv thuysan247
Nhằm khai thác tiềm năng về diện tích nước mặt, những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực ven sông, hồ thủy điện đã phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng.

Ông Nguyễn Văn Sinh, thị trấn Thường Xuân kiểm tra, gia cố lại lồng nuôi cá.

Nhằm khai thác tiềm năng về diện tích nước mặt, những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực ven sông, hồ thủy điện đã phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng.

thuysan247.com

Tuy nhiên, trong mùa mưa bão, người nuôi cá lồng luôn canh cánh nỗi lo trước những biến cố có thể xảy đến với khu vực nuôi. Vì vậy, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương đã tuyên truyền để các HTX, hộ nuôi trồng thủy sản trên sông và các lòng hồ thủy điện chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 1.800 ô, lồng nuôi cá của khoảng 1.000 hộ dân thuộc các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Như Xuân, Thường Xuân, Cẩm Thủy, Thọ Xuân… Người dân chủ yếu sử dụng những vật liệu thô sơ, như: tre, nứa, luồng… để xây dựng lồng nuôi cá. Chính vì vậy, nếu có những bất thường của thiên tai, thiệt hại kinh tế của người nuôi là rất lớn. Đúc rút được kinh nghiệm, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè đã chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, máy móc để ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Gia đình ông Nguyễn Văn Sinh, thị trấn Thường Xuân, đã trải qua nhiều năm nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Cửa Đạt nên ông gần như nắm rõ được thời điểm nước dâng và sự thay đổi thành phần các chất có trong nguồn nước. Gia đình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng lắp đặt gần 20 lồng nuôi thả các loại cá giống có giá trị cao, như: trắm, chép, trắm đen, cá lăng… Ông Sinh cho biết: Vào mùa mưa bão, cá thường dễ nhiễm bệnh, do nguồn nước đục, thiếu ô-xy.

Hơn nữa, nếu không chủ động lưới quây, hệ thống lồng bè nổi thì toàn bộ lồng có thể bị cuốn trôi. Do đó, để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, gia đình ông Sinh đã chuẩn bị đầy đủ máy tạo ô-xy, máy bơm nước, máy phát điện và lưới quây để kịp thời xử lý những sự cố thiên tai. Đồng thời, cho cá ăn bổ sung men tiêu hóa, vitamin C để tăng sức đề kháng và bảo đảm vệ sinh môi trường lồng nuôi, ngăn ngừa các loại bệnh dịch phát sinh, gây hại.

Ông Trịnh Văn Trường, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thường Xuân, cho biết: Hiện tại, huyện Thường Xuân có khoảng 180 lồng cá của các cá nhân, doanh nghiệp và HTX. Do đặc thù thời gian nuôi cá lồng kéo dài từ 10 tháng trở lên nên hầu hết các lứa nuôi đều gặp những sự cố thiên tai. Nhận diện được những nguy cơ trong nuôi trồng và phát triển nghề nuôi cá lồng, UBND huyện đã hỗ trợ người sản xuất một phần kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống lồng nuôi hiện đại, như: sử dụng vật liệu, phao nổi, dùng dây chão, mỏ neo để gia cố các lồng và giằng lại thành các cụm lồng.

Đồng thời, tuyên truyền, tập huấn cho người nuôi những kỹ thuật chăm sóc, xử lý khi có tình huống, sự cố thiên tai, như: mưa bão, lũ lụt… Chính vì vậy, bắt đầu vào mùa mưa bão, 100% các hộ nuôi đã thực hiện kiểm tra, gia cố lại lồng bè và hệ thống máy móc hỗ trợ, như máy phát điện, máy tạo ô-xy… Những năm gần đây, sản lượng cá lồng của huyện đạt khoảng 320 - 350 tấn/năm, doanh thu khoảng 16 tỷ đồng/năm.

Theo dự báo của các chuyên gia khí tượng thủy văn, năm 2021 có khả năng xảy ra nhiều cơn bão mạnh với hướng di chuyển phức tạp, khó lường và những đợt mưa lớn cực đoan. Do đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong đó có nuôi cá lồng trên sông, hồ sẽ bị ảnh hưởng, tác động lớn. Chính vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương bám sát tình hình thực tế, thường xuyên theo dõi thời tiết và các thông tin dự báo hàng ngày để chủ động trong nuôi trồng thủy sản.

Do đó, ngay từ đầu mùa mưa, các hộ nuôi lồng bè đã được hướng dẫn kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào những nơi kín gió, tránh thiệt hại khi nước dâng cao, chảy xiết. Đồng thời, tăng cường vệ sinh lồng, lưới sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước nhanh. Triển khai các giải pháp để cung cấp ô-xy, tăng sức đề kháng cho cá nhằm giảm thiểu, tránh nhiễm dịch bệnh khi nguồn nước thay đổi.

Bài và ảnh: Lê Thanh

Nguồn: Theo Báo Thanh Hóa
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết