Tư duy mới cho sự phát triển của ÐBSCL

Adv thuysan247
Trong 18 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW (ngày 20-1-2003) của Bộ Chính trị và Kết luận 28-KL/TW (ngày 14-8-2012) của Bộ Chính trị, vùng ÐBSCL đã đạt kết quả tích cực trên cả kinh tế - xã hội, từng bước đổi mới tư duy phát triển.

Trung ương đã dành nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông ĐBSCL. Trong ảnh: Bộ GTVT kiểm tra công trình nâng cấp quốc lộ 1A, đoạn qua địa

Trong 18 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW (ngày 20-1-2003) của Bộ Chính trị và Kết luận 28-KL/TW (ngày 14-8-2012) của Bộ Chính trị, vùng ÐBSCL đã đạt kết quả tích cực trên cả kinh tế - xã hội, từng bước đổi mới tư duy phát triển.

thuysan247.com

Quy mô GRDP của vùng năm 2020 đạt 596.000 tỉ đồng, xếp thứ 4 trong 7 vùng kinh tế cả nước; đóng góp 11,95% vào tổng GDP cả nước. Tuy nhiên tiềm năng, lợi thế của vùng chưa được phát huy tương xứng, ÐBSCL đang cần cú hích mới để tiến đến tương lai thịnh vượng.

Những bước tiến nổi bật

Giai đoạn 2004-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng ÐBSCL đạt bình quân khoảng 8,68%. Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch khá tích cực, đến năm 2020, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 31,86%; công nghiệp - xây dựng chiếm 26,28%; dịch vụ 36,1% trong cơ cấu GRDP của vùng. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 123.586 tỉ đồng (năm 2020), đáp ứng 74% nhu cầu chi của các địa phương. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2020 là 2.692.749 tỉ đồng; trong đó, khu vực nhà nước chiếm khoảng 36,6%, khu vực ngoài nhà nước chiếm 40,7% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 22,8% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Hiệu quả sử dụng vốn của vùng cũng có xu hướng cải thiện rõ rệt qua các giai đoạn, hệ số ICOR giai đoạn 2011-2020 tăng lên mức 6,7-7. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 tăng gấp 8 lần so với năm 2004, đạt 56 triệu đồng/người/năm.

Các địa phương trong vùng đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các nguồn lực đầu tư đến vùng. Giai đoạn 2011-2020, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới đã tăng gần 2 lần so với giai đoạn trước đó, từ 5.708 DN năm 2011 tăng lên 10.360 DN thành lập mới trong năm 2020. Ðến cuối năm 2020, toàn vùng có 1.695 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, vốn đăng ký trên 27,25 tỉ USD, hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện, khí, nước, bất động sản và vận tải kho bãi. Chỉ số năng lực cạnh tranh của vùng từng bước cải thiện, chất lượng điều hành kinh tế được DN cảm nhận tốt hơn qua từng năm và liên tục cao hơn mức trung bình cả nước, một số địa phương giữ vững vị trí trong tốp tốt.

Ðể tạo động lực phát triển cho ÐBSCL, Trung ương đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng. Giai đoạn 2004-2020, tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đầu tư tại vùng là 385.908 tỉ đồng (vốn ODA 54.125 tỉ đồng, vốn trong nước 331.783 tỉ đồng); trong đó đầu tư cho lĩnh vực giao thông vận tải nhiều nhất với 109.244 tỉ đồng, chiếm 25% tổng vốn đầu tư giao thông cho cả nước. Sự phát triển sản xuất kinh doanh của DN, nhu cầu đầu tư đã kéo theo quy mô tín dụng của vùng tăng trưởng mạnh. Ðến cuối năm 2020, tổng dư nợ tại khu vực ÐBSCL đạt 778.626 tỉ đồng, tăng gấp 16,7 lần so với năm 2003, chiếm 8,5% tổng dư nợ toàn quốc. Vốn tín dụng đã tập trung vào các thế mạnh của vùng, nhất là nông nghiệp, nông thôn, với mức tăng bình quân 18,2% và chiếm gần 50% dư nợ tín dụng chung của vùng…

Theo nhận định của Ban Kinh tế Trung ương, hầu hết các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 21-NQ/TW và Kết luận 28-KL/TW của Bộ Chính trị đều được các Bộ, ngành và địa phương vùng ÐBSCL triển khai cơ bản hoàn thành. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên rõ rệt, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh; một số trung tâm công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản với công nghệ cao đã hình thành. Vùng cũng từng bước khẳng định vai trò trung tâm năng lượng của cả nước. Kinh tế biển được chú trọng phát triển mạnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng. Chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch cải thiện đáng kể; nhiều công trình đầu tư cho đô thị đã phát huy hiệu quả tích cực. Liên kết giữa các địa phương bước đầu đạt một số kết quả tích cực.

Tầm nhìn mới cho vùng

Theo định hướng của Trung ương, quy mô nền kinh tế vùng ÐBSCL đến năm 2030 khoảng 3 triệu tỉ đồng. Tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2030 đạt mức 10,5%; dịch vụ chiếm 38,5%, công nghiệp - xây dựng 37,2%, nông nghiệp 20%, thuế trừ trợ cấp 4,3%. Ðể đạt mục tiêu này, rất nhiều nguồn lực và tư duy quản lý, tư duy làm kinh tế, làm nông… đều cần đổi mới. Vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW (ngày 2-4-2022) của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng đã khẳng định Nghị quyết này nhằm tạo ra bước đột phá mới trong phát huy vai trò, vị trí và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế của ÐBCSL trong giai đoạn mới. Với 6 nhiệm vụ, giải pháp đề ra khá cụ thể trong Nghị quyết 13-NQ/TW được kỳ vọng sẽ tạo nên diện mạo mới cho ÐBSCL trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và các thách thức từ bên ngoài thị trường.

Các chuyên gia cho rằng, giải quyết những yếu kém nội sinh của vùng cần một tư duy mới, tầm nhìn mới. TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế nhận định: Nghị quyết 13-NQ/TW đã đưa ra tầm nhìn, tư duy, mục tiêu với nhiều điểm mới; đặc biệt là nhìn sự phát triển của đồng bằng với tư duy tích hợp, phát huy nguồn lực tại chỗ, biến các thách thức thành cơ hội. Chẳng hạn như tư duy thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn mới, nhằm giảm các tác động và thách thức từ nó… Nhưng để đưa Nghị quyết 13 vào thực tế cuộc sống, cần định vị lại vùng ÐBSCL và đưa ra lộ trình phát triển với các thứ tự ưu tiên. Ðịnh vị lại ÐBSCL so với các vùng miền cả nước và nhìn trong năng lực cạnh tranh ở khu vực, chứ không chỉ ở tầm quốc gia. Từ đó để bố trí không gian, huy động nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của vùng.

Theo TS Hiệp, cần có cơ chế, chính sách đảm bảo cho sự phát triển vùng và đáp ứng các thách thức mới. Việc huy động, bố trí nguồn lực cần xác định đâu là nhiệm vụ trọng tâm, địa chỉ chịu trách nhiệm từng đầu việc và thời hạn hoàn thành. Thế mạnh của vùng vẫn là nông nghiệp, thủy sản và chế biến công nghiệp gắn với nguyên liệu nông sản, nên cần cơ chế, chính sách ưu tiên cho đầu tư chuỗi giá trị nông nghiệp; tiếp tục hoàn thiện thể chế điều phối vùng, tăng cường vai trò chỉ đạo của Trung ương, vai trò của các địa phương trong Hội đồng điều phối vùng. Ưu tiên vốn cho các công trình đầu tư công, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách. Song song đó, giải quyết các điểm nghẽn phát triển giao thông và các công trình thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu, điều tiết nguồn nước… Chú trọng phát triển nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, hợp tác với các quốc gia có chung đường biên để phát triển bền vững ÐBSCL.

Nguồn: Theo Báo Cần Thơ
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết