Tìm lời giải để khai thác giá trị kinh tế từ nuôi nhuyễn thể

Adv thuysan247
Nhuyễn thể là động vật thân mềm, một trong những nhóm góp phần quan trọng trong sản xuất thủy sản của thế giới.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Nam Định thăm nhà máy chế biến ngao.

Nhuyễn thể là động vật thân mềm, một trong những nhóm góp phần quan trọng trong sản xuất thủy sản của thế giới.

thuysan247.com

Định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển là hướng đi chủ yếu của các quốc gia có biển ở thế kỷ 21, trong đó nhóm nhuyễn thể được xem là đối tượng nuôi đang được quan tâm và đầy triển vọng.

Phát huy được tiềm năng này sẽ góp phần cải thiện đời sống cộng đồng dân ven biển, góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của nước ta.

Tiềm năng có nhưng khó làm

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT) cho biết: Hiện diện tích nuôi nhuyễn thể (ngao, tu hài, vẹm, ốc hương, sò, hàu, trai…) trên cả nước là 55.000ha, đạt sản lượng ước gần 400 nghìn tấn/năm. Năm 2021, xuất khẩu nhuyễn thể đạt 141,6 triệu USD, tăng 35% so với năm 2020. Trong cơ cấu xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ năm 2021, nghêu (ngao) là sản phẩm chủ lực, chiếm 73% tổng giá trị nhóm hàng nhuyễn thể với gần 103 triệu USD, tăng 52% so với năm 2020. Tiếp đến là sản phẩm điệp, sò điệp chiếm 8% với doanh thu 11,4 triệu USD, tăng 13%; còn lại là các sản phẩm hàu, sò… Năm 2021, xuất khẩu nhuyễn thể sang thị trường EU tăng 37%, đạt 87 triệu USD, trong đó xuất khẩu nghêu tăng 42%, đạt 78 triệu USD.

Nghề nuôi nhuyễn thể nói chung và nghề nuôi nghêu nói riêng đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân các vùng ven biển. Nhưng nuôi nhuyễn thể, đặc biệt là nuôi nghêu hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Nguồn lợi suy giảm, chất lượng con giống không ổn định, tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu… Đề cập những nghiên cứu tại các vùng nuôi nhuyễn thể, bà Đặng Thị Lụa, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, nêu thực trạng bất cập hiện nay về quản lý nuôi nhuyễn thể, chất lượng con giống cũng như công tác quản lý môi trường. Thách thức đối với nuôi nhuyễn thể được bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định nêu lên là tình trạng thả nuôi dày, mật độ lớn, cộng thêm tác động bất thường của thời tiết nên có những thời điểm xuất hiện ngao chết hàng loạt.

Dẫu nhuyển thể, trong đó nhuyễn thể hai mảnh vỏ hiện nay có nhiều tiềm năng để phát triển; tuy nhiên, tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm này lại chưa nhiều. Khâu quảng bá, phát triển thương hiệu, thị trường còn hạn chế, chưa nói sản phẩm hiện nay còn thiếu đa dạng. Ông Nguyễn Như Tiệp nêu dẫn chứng số các lô hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ xuất khẩu hiện nay ở nước ta vẫn bị nước ngoài cảnh báo; ví như 3 lô nghêu hấp nhiễm vi khuẩn Salmonella năm 2021 sang thị trường EU; hàu tươi từ Vân Đồn (Quảng Ninh) phát hiện Norovirus khi xuất sang thị trường Đài Loan. Nguyên do lô hàu trên bị cảnh báo về chất lượng không phải do quá trình nuôi mà lại do khi sơ chế bất cẩn, sử dụng nguồn nước không bảo đảm dẫn đến hàu bị ảnh hưởng chất lượng.

Để nuôi nhuyễn thể phát triển bền vững

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sơ chế, chế biến ngao phục vụ thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam chia sẻ: Năm 2021, xuất khẩu ngao của công ty chúng tôi đạt 14,5 triệu USD. Riêng thị trường nội địa đã đạt doanh thu 49 tỷ đồng, dự kiến năm 2022 là 70 tỷ đồng. Để phát triển ngành nhuyễn thể, trong đó có ngao dứt khoát chúng ta phải nghiên cứu, sản xuất giống mới bảo đảm chất lượng, nhất là khi nhu cầu ngày càng tăng cao. Bởi theo ông Nguyễn Hồ Nguyên, con ngao của Việt Nam có tiềm năng rất lớn cả về thị trường nội địa và xuất khẩu. Vì thế, chúng ta cần phải đầu tư bài bản hơn, từ sơ chế, chế biến sản phẩm đến quảng bá chất lượng, thương hiệu.

Đánh giá của Tổng cục Thủy sản cho thấy, tổng diện tích phát triển nuôi nhuyễn thể tại các tỉnh ven biển nước ta từ Quảng Ninh tới Kiên Giang là 206.350ha, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng là 43.650ha, chiếm 21,1%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 113.800ha, chiếm 55,1% tổng diện tích tiềm năng nuôi nhuyễn thể của cả nước. Riêng khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 42.700ha; khu vực các tỉnh ven biển Đông Nam Bộ khoảng 6.200ha, trong đó tập trung ở khu vực Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) và vùng ven biển huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nhóm các sản phẩm nuôi trong ngành hàng nhuyễn thể nước ta có nhiều cơ hội phát triển tốt. Để khai thác hiệu quả tiềm tăng kinh tế từ nhuyễn thể chúng ta cần tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý điều kiện nuôi trồng thủy sản, quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản vùng nuôi. Nghiên cứu giống, xây dựng các quy trình kỹ thuật nuôi nhuyễn thể nhằm nâng cao chất lượng nhuyễn thể thương phẩm. Từ đó, nuôi trồng, sơ chế, chế biến nhóm hàng mặt hàng nhuyễn thể phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, doanh nghiệp và ngành thủy sản.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn: Theo BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết