Ngành thủy sản: Chưa có hướng phát triển đột phá

Adv thuysan247
Tuy đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhưng vì chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế nên ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản có khả năng cạnh tranh thấp, thậm chí mức tăng trưởng có dấu hiệu sụt giảm.

Hạ tầng lĩnh vực thủy sản vừa thiếu, vừa yếu dẫn đến chất lượng và giá trị sản phẩm đạt thấp.

Tuy đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhưng vì chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế nên ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản có khả năng cạnh tranh thấp, thậm chí mức tăng trưởng có dấu hiệu sụt giảm.

thuysan247.com

Còn nhiều nỗi lo

Quảng Ngãi dẫn đầu cả nước về số lượng tàu cá với 4.564 chiếc, tổng công suất gần 1,8 triệu CV, đồng thời là một trong những địa phương có sản lượng hải sản khai thác nhiều nhất nước, với gần 264,7 nghìn tấn trong năm 2021. Tuy nhiên, mặt trái của đội tàu công suất lớn là việc khai thác vượt quá giới hạn tái tạo, dẫn đến nguồn lợi hải sản (NLHS) khu vực ven bờ và xa bờ giảm nhanh, thậm chí cạn kiệt. Kết quả điều tra, đánh giá của Viện Nghiên cứu hải sản cuối năm 2021 cho thấy, không chỉ NLHS mà trữ lượng các nhóm nguồn lợi cũng bị suy giảm với tốc độ nhanh. Cụ thể, nhóm NLHS tầng đáy giảm 18,4%, nhóm cá nổi nhỏ giảm 7,3% và nhóm cá nổi xa bờ giảm 8,8%.

Số lượng tàu nhiều dẫn đến hệ lụy là cường độ khai thác vượt quá giới hạn tái tạo khiến nguồn lợi hải sản giảm nhanh. Trong ảnh: Tàu cá neo đậu tại Cảng cá Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi).

Ngoài tình trạng “khai thác không gắn với bảo tồn, phát triển”, một trong những nguyên nhân dẫn đến NLHS suy giảm nhanh đó là ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương chưa định vị đối tượng, mục tiêu và hướng phát triển của ngành thủy sản. Ngành nông nghiệp đã xác định phát triển bền vững lĩnh vực thủy sản là giảm khai thác gần bờ, phát triển đánh bắt xa bờ, nhưng vẫn chưa xác định mục tiêu trọng tâm của đánh bắt xa bờ là gì? Ngư dân khai thác như thế nào?…

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi trồng bình quân đạt khoảng 1.500ha, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 11,2 nghìn tấn. Trong đó, nuôi trồng thủy sản nước lợ có trên 580ha, sản lượng ước đạt trên 8,7 nghìn tấn. Thực tế cho thấy, diện tích mặt nước ngọt, nước lợ đưa vào nuôi trồng thủy sản chưa tăng đến mức giới hạn, nhưng môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng, chất lượng và hiệu quả nuôi trồng thủy sản có xu hướng ngày càng giảm. Ngoài yếu tố thời tiết, thói quen nuôi trồng kiểu “ăn xổi” của người dân, cơ sở hạ tầng phục vụ vùng nuôi vừa yếu vừa thiếu… thì nguồn con giống tại chỗ chưa đảm bảo chất lượng, chính là nguyên nhân dẫn đến nghề nuôi trồng thủy sản ngày càng giảm cả về quy mô lẫn giá trị sản phẩm.

Cần hình thành chuỗi liên kết

Chủ tịch UBND tỉnh ĐẶNG VĂN MINH

Loay hoay trong sản xuất dẫn đến xuất khẩu thủy sản cũng "giẫm chân tại chỗ" vì không có thương hiệu. Dù sản lượng thủy sản khai thác nhiều nhất cả nước, nhưng các doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh lại rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu. Năm 2021, chỉ có trên 15,6 nghìn lượt tàu thuyền neo đậu tại các cảng cá và cảng neo trú tàu cá trong tỉnh, sản lượng thủy sản cập cảng chỉ đạt gần 27,3 nghìn tấn.

Chính vì vậy, các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản giảm từ 50 - 60% công suất, do không có nguồn nguyên liệu, dẫn đến thủy sản chế biến chỉ đạt trên 10,6 nghìn tấn (81% kế hoạch). Ngoài ra, vì số lượng tàu hành nghề giã cào (lưới kéo) khá nhiều với trên 1.000 chiếc, nên phần lớn sản phẩm không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, dù được xem là “mỏ vàng” của ngành nông nghiệp, nhưng kim ngạch xuất khẩu cũng như giá trị thủy sản còn khá khiêm tốn.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho rằng, tồn tại lớn nhất trong lĩnh vực thủy sản chính là ngư dân và DN thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu, công tác dự báo thống kê chưa kịp thời, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản vẫn đang trong quá trình tháo gỡ, khắc phục và rào cản kỹ thuật của các nước… Khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc mở rộng đầu tư xây dựng các công trình hậu cần nghề cá, Nhà nước cần khuyến khích các DN, cá nhân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới vào khâu chế biến, đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, Nhà nước, các DN và ngư dân, người nuôi trồng thủy sản cần hình thành chuỗi liên kết, đảm bảo tính ổn định trong sản xuất, kinh doanh một cách bền vững.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn: Theo BÁO QUẢNG NGÃI
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết