Trong Covid, doanh nghiệp thủy sản thích ứng và bứt phá

Adv thuysan247
Tính đến hết tháng 4/2021, XK thủy sản của cả nước ước đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của Covid làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặt biệt là phân khúc logistic. XK thủy sản của Việt Nam đã có những  thời điểm sụt giảm hoặc chững lại.  Từ tháng 3/2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam bắt đầu hồi phục rõ rệt với tăng trưởng 17% so với cùng kỳ. Sang tháng 4, XK bứt phá mạnh hơn với mức tăng trưởng gần 30% đạt gần 800 triệu USD.

Tính đến hết tháng 4/2021, XK thủy sản của cả nước ước đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của Covid làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặt biệt là phân khúc logistic. XK thủy sản của Việt Nam đã có những  thời điểm sụt giảm hoặc chững lại.  Từ tháng 3/2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam bắt đầu hồi phục rõ rệt với tăng trưởng 17% so với cùng kỳ. Sang tháng 4, XK bứt phá mạnh hơn với mức tăng trưởng gần 30% đạt gần 800 triệu USD.

thuysan247.com

Trong Covid doanh nghiệp thủy sản thích ứng và bứt phá

Ảnh minh họa

Kết quả tích cực ngoài dự kiến này đã cho thấy sự nỗ lực thích ứng và bứt phá mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Covid làm thay đổi thói quen tiêu thụ hàng thủy sản, xáo trộn nhu cầu của các phân khúc thị trường tiêu thụ. Trong sự rối loạn đó, DN thủy sản Việt Nam đã linh hoạt trong chiến lược sản phẩm và thị trường để biến thách thức thành cơ hội.

Thống kê quý I năm 2021 cho thấy có 563 đơn vị tham gia XK thủy sản (thống kê với những DN có doanh số từ 100.000 USD trở lên). So với quý I năm trước, đã có 80 đơn vị rời khỏi thị trường. Tuy nhiên, quý I năm nay đã xuất hiện 129 DN mới tham gia XK, cùng với nhiều DN tìm nhìn thấy cơ hội kinh doanh thủy sản trong thời Covid.

Doanh nghiệp hội viên VASEP tiên phong và bứt phá

Top 100 nhà XK thủy sản trong quý I/2021 (có doanh số 4 triệu USD trở lên) chiếm 66% tổng kim ngạch XK của cả nước. Dẫn đầu là 2 công ty: Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Minh Phu Seafood Corp) và Công ty CP thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) đang bám sát nhau về doanh số với 58,5 triệu USD và 57,4 triệu USD.  Với doanh số tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái, STAPIMEX đã trở thành nhà XK lớn thứ 2.

Trong khi XK của Minh Phu Seafood Corp giảm gần 10% thì doanh số của Minh Phú Hậu Giang tăng 31%, nên tổng doanh thu của 2 công ty vẫn tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Minh Phú đặt mục tiêu năm nay doanh thu đạt hơn 15.770 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.400 tỷ đồng. Sản lượng sản xuất dự kiến đạt 61.500 tấn và giá trị XK 638 triệu USD.

XK của công ty Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN) cũng tăng mạnh 15% đạt 29,1 triệu USD trong quý I/2021. Công ty FIMEX vừa thông qua kế hoạch năm 2021 với sản lượng tôm tiêu thụ dự kiến tăng 5% lên 18.500 tấn. Chỉ tiêu tổng doanh thu 4.650 tỷ đồng, lãi trước thuế 250 tỷ đồng; cùng tăng khoảng 6% so với năm trước. Về triển vọng 2021-2025, lãnh đạo Sao Ta cho biết, công ty định hướng cố gắng phát huy điểm mạnh và mở rộng thêm diện tích nuôi. 

Quý I, doanh số XK của Công ty Vĩnh Hoàn (Vinh Hoan Corp) – DN đứng thứ 3 về doanh số XK đạt gần 54 triệu USD. Năm 2021, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu lãi 700 tỷ đồng sau thuế, giảm 3% so với năm trước trong khi doanh thu tăng 22% đạt 8.600 tỷ đồng. Vĩnh Hoàn cho biết, trong năm nay, công ty có kế hoạch dành 1.300 tỷ đồng cho việc đầu tư xây dựng, trong đó 700 tỷ đồng xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại giống Vĩnh Hoàn và sở hữu đất cho khu liên hợp nông nghiệp thuỷ sản công nghệ cao. Bên cạnh đó, công ty dành 200 tỷ đồng để cải tạo nhà máy tại Thanh Bình và Thực phẩm Vĩnh Phước, số tiền 400 tỷ đồng còn lại cho các khoản đầu tư khác.

Thành công nhờ cơ cấu thị trường

Không ít DN hội viên của VASEP đã thành công nhờ cơ cấu thị trường thuận lợi. Ví dụ: Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (Bien Dong Seafood) tăng trưởng 20%, đứng thứ 7 trong top DN XK, Công ty TNHH MTV CB TP XK Vạn Đức Tiền Giang tăng 29% doanh số, từ vị trí thứ 20 đã tăng bậc vào tóp 15 DN thủy sản và top 5 DN cá tra. Cùng với STAPIMEX, các công ty này đều có thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn.

Cũng có những công ty chọn thị trường trọng điểm là Trung Quốc và cũng bứt phá mạnh như Công ty CP TS Trường Giang (TG Fisheries) tăng 21%, từ vị trí 36 lên vị trí 29 trong top DN. Công ty CP Chế biến và XNK Thủy sản Cadovimec II (CADOVIMEX II) có doanh số tăng vượt trội, gấp hơn 3 lần và từ vị trí ngoài top 100 đã lên vị trí 29 trong top DN.

Colombia, Nga, Anh, Canada và một số thị trường nhỏ hơn nhưng tiềm năng đã phần nào đem lại sự tăng trưởng cho các DN, cho thấy sự nhanh nhạy linh hoạt của DN trong việc khám phá, đa dạng hóa thị trường. Ví dụ, Công ty CP Vạn Ý tăng 86% doanh số, từ vị trí 81 vươn lên số 42 trong top DN, Công ty TNHH TS Phát Tiến tăng 31% và từ vị trí 56 lên 39.

Tăng trưởng nhờ nguyên liệu ổn định và cơ cấu sản phẩm linh hoạt

Có thể nói, trong bối cảnh Covid, các DN tôm và cá tra có phần thuận lợi hơn các DN hải sản vì nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước ổn định hơn, trong khi nguyên liệu hải sản khó khăn lại thêm các yêu cầu về TXNG như biên bản bốc dỡ, giấy SC, CC… khiến cho cánh cửa XK càng hẹp. Tuy nhiên, trong cái khó đó, một số DN vẫn vươn lên từ sự linh hoạt sản phẩm hải sản XK khi nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm đồ hộp, đồ khô, surimi…

Các DN sản xuất cá ngừ hộp như HIGHLAND DRAGON, Việt Cường (YUEH CHYANG CO), PATAYA VIETNAM, Cty TNHH FOODTECH đều có doanh số tăng (lần lượt 15%, 6%, 18% và 6%) so với cùng kỳ năm ngoái và đều có thay đổi tích cực trong top các DN XK.

Công ty BIDIFISCO,  Cty CP Vịnh Nha Trang là những DN chuyên XK cá ngừ đông lạnh cũng có doanh số tăng mạnh (tăng lần lượt 24% và 37%) và đều tăng vị trí trong to 100 DN.

Công ty KIEN CUONG SEAFOOD chuyên các mặt hàng hải sản cũng có doanh số tăng đáng kể 33%. Ngoài ra có một số công ty sản xuất surimi cũng có doanh số tăng mạnh gấp 3-4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Làn sóng Covid mới: vượt thách thức, nắm cơ hội, tiếp tục tăng trưởng trong quý II

Làn sóng Covid mới dữ dội tại các nước châu Á đang là mối đe dọa cho giao thương thủy sản vốn chưa thoát khói hệ lụy của tình trạng thiếu container, thiếu tàu để xuất, nhập khẩu, cước phí vận chuyển tăng gấp nhiều lần. Với Việt Nam, trước mắt trong quý II này, xuất khẩu sang các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan có thể bị ảnh hưởng.

Tình trạng bi đát của Ấn Độ do Covid sẽ khiến cho việc NK tôm từ nước này khó hơn. Sản xuất và xuất khẩu của Ấn Độ gặp khó sẽ là cơ hội cho Việt Nam giành thị phần tại các nước nhập khẩu. Ngoài tôm, nhập khẩu nguyên liệu hải sản từ các nước bị ảnh hưởng Covid để gia công và chế biến XK cũng sẽ bị hạn chế.

Đợt dịch mới này cũng sẽ khiến Trung Quốc siết chặt hơn kiểm soát virus corona đối với hàng NK và thương mại qua biên giới. Hoạt động thương mại với Trung Quốc cũng có thể quay lại tình trạng trì trệ như 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, không chỉ Trung Quốc mà các nước châu Á khác cũng sẽ kiểm soát chặt buôn bán qua biên giới dẫn đến khối lượng giao dịch này được chuyển sang kênh chính thức qua Hải quan, vì vậy thống kê thương mại thủy sản với các nước như Thái Lan, Trung Quốc và Campuchia có thể tăng trong những tháng tới.

Với sự nỗ lực nắm bắt kịp thời thông tin về xu hướng, biến động thị trường, linh hoạt điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, thị trường, các DN thủy sản sẽ tiếp tục bứt phá về kim ngạch XK trong quý II. Dự báo XK thủy sản trong quý II sẽ tăng 10% đạt trên 2,1 tỷ USD, trong đó XK tôm tiếp tục tăng trưởng khả quan 10% đạt 980 triệu USD, XK cá tra tăng 7% đạt 712 triệu USD. XK hải sản quý II ước đạt 816 triệu USD, tăng 9,6%, trong đó XK cá ngừ tăng 9%, cá khác tăng 11%, mực bạch tuộc tăng 8% và nhuyễn thể HMV tăng 9%.

Nguồn: Theo vasep.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết