Triển khai tổng thể các giải pháp phát triển ngành thủy sản

Adv thuysan247
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí xung quanh một số nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới để đạt được mục tiêu đề ra của ngành thủy sản năm 2021.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí xung quanh một số nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới để đạt được mục tiêu đề ra của ngành thủy sản năm 2021.

thuysan247.com

Phóng viên (PV): Thứ trưởng có đánh giá như thế nào về kết quả sản xuất của ngành thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2021?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đối với ngành thủy sản cùng với chăn nuôi là hai ngành đóng góp 49,45% trong giá trị của ngành nông nghiệp. Đây là hai mảng còn dư địa tăng trưởng. Nếu hai mảng này không phát huy được ưu thế thì sẽ rất khó cho ngành nông nghiệp đạt được các mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết của Trung ương đề ra.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến. (Ảnh: BT)

Riêng về lĩnh vực thủy sản, chúng ta đã biết 6 tháng đầu năm sản lượng đạt 4,1 triệu tấn, tăng 3%. Và năm nay chúng ta phấn đấu sản lượng đạt 8,6 triệu tấn và xuất khẩu từ 8,5-8,7 tỷ USD. Trong khi đó chúng ta thấy rằng phần nuôi trồng đã vượt trên 4% và khai thác mới vượt hơn 1%.

Chúng ta thấy rằng trong một thời gian dài, phong trào khai thác với đội tàu lúc đỉnh cao lên đến trên 110 nghìn tàu, đến bây giờ còn trên 94 nghìn tàu, thì hạn ngạch, cường lực khai thác của chúng ta phải đi đôi với việc bảo tồn, từ đó, mới phát triển bền vững. Và đây cũng là một trong những biện pháp căn bản để rút được thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.

Trong 6 tháng tới, để đạt được các mục tiêu cả năm của ngành thủy sản, Bộ NN&PTNT sẽ có chỉ đạo đối với cả khai thác và nuôi trồng, đối với bảo tồn và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, về các vấn đề thông tin thủy sản, kiểm ngư và khoa học công nghệ,… Từ đó, chúng ta sẽ có một giải pháp tổng thể để đẩy mạnh phát triển thủy sản trong giai đoạn cuối năm và hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

PV: 6 tháng cuối năm cũng là giai đoạn của mùa mưa bão, thiên tai, vậy Thứ trưởng cho biết, chúng ta có giải pháp gì để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu của khai thác thủy sản trong năm nay?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Về khai thác, chúng ta có hai vụ cá Bắc và cá Nam. Cũng phải nói rằng sản lượng khai thác thủy sản năm 2021 so với năm 2020 sẽ đạt.

Ở đây, nói thêm về phần nuôi trồng. Riêng về tôm năm nay vừa đạt cả năng suất vừa đạt cả chất lượng, xuất khẩu cũng đạt được mục tiêu. Với 740 nghìn ha nuôi tôm, chúng ta sẽ quan tâm hơn về giống, về thức ăn, phòng bệnh và an toàn sinh học để làm sao các chỉ tiêu đạt ở mức cao nhất.

Về cá tra, chúng ta đã mở được thị trường của Nga và chúng ta đang tiếp tục triển khai tại một số thị trường khác, để làm sao cá tra của chúng ta sẽ xuất khẩu đạt được kết quả tốt.

Ngoài ra các giải pháp cần được củng cố và lan tỏa như về thông tin truyền thông, thương mại điện tử. Đặc biệt, thị trường gần 100 triệu dân cũng có sức tiêu thụ rất lớn và nếu giải quyết được vấn đề đầu ra thì tái cơ cấu, kể cả nuôi trồng, kể cả khai thác sẽ đạt được kết quả khả quan.

PV: Theo đánh giá của Thứ trưởng, hiện nay, ngành thủy sản đang gặp phải những khó khăn, thách thức nào?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Phải nói có rất nhiều thách thức. Thứ nhất là ảnh hưởng của dịch COVID-19. Một số nhà máy sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm nói chung và thủy sản nói riêng đã bị COVID-19 xâm nhập và đây một vấn đề đặc biệt quan trọng mà Bộ NN&PTNT phải quan tâm hơn nữa và chỉ đạo sát hơn nữa.

Thứ hai, doanh nghiệp của chúng ta kể cả nhỏ và siêu nhỏ, nếu không có khoa học công nghệ thì không nâng cao được sức cạnh tranh. Thế còn khó khăn hiện hữu thì chúng ta thấy rất rõ, đòi hỏi vai trò của quản lý nhà nước; cần nhìn thấy quản lý nhà nước đang ở chỗ nào và việc gì chúng ta chưa làm được để tiếp tục triển khai tháo gỡ.

PV: Thứ trưởng có đánh giá như thế nào về sức cạnh tranh của xuất khẩu tôm của Việt Nam trong thời gian tới?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chính việc phòng chống COVID-19 của chúng ta tương đối tốt, do vậy đây chính là nền tảng, tiền đề để phát triển sản xuất. Như chúng ta đã biết, tại Ấn Độ và một số nước khác có ngành tôm phát triển nhưng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID -19. Đồng thời, chúng ta thấy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất bị đứt gãy.

Chúng ta đã biết tôm Việt Nam năng suất và chất lượng tương đối tốt, đặc biệt là thị trường xuất khẩu của chúng ta trong thời gian gần đây được mở rộng. Khi tình thế, thời cơ đã xuất hiện rồi, với định hướng của Bộ trong năm trước (2020) thì hiện nay tôm vừa về sản lượng vừa về diện tích, năng suất đang được đảm bảo, không chỉ phục vụ thị trường nội tiêu mà còn phục vụ cho xuất khẩu.

Với Quyết định 79 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 là phải xuất được 10 tỷ USD. Đây là một chỉ tiêu rất cao nhưng Bộ NN&PTNT đã bàn để giải quyết về vấn đề kể cả khai thác kể cả nuôi trồng, kể cả công nghệ cao để làm sao chúng ta hoàn thành được các mục tiêu của ngành thủy sản nói chung và đối với cả ngành tôm nói riêng.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!./.

BT (ghi)

Nguồn: Theo
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết