"Tôm sạch" lãi hơn nửa tỷ đồng mỗi năm, không lo đầu ra

Adv thuysan247
Nhờ chăn nuôi tôm theo quy trình VietGAP, gia đình ông Nguyễn Văn Tiệm (xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, Nam Định) không phải lo đầu ra, mỗi năm thu lãi hơn nửa tỷ đồng.

Nhờ chăn nuôi tôm theo quy trình VietGAP, gia đình ông Nguyễn Văn Tiệm (xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, Nam Định) không phải lo đầu ra, mỗi năm thu lãi hơn nửa tỷ đồng.

thuysan247.com

Ông Tiệm cho biết, để có được thành công như hôm nay, gia đình ông phải trải qua muôn vàn khó khăn, nhiều năm liền sống trong cảnh nợ nần. Đó là vào khoảng năm 2012, do chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc tôm sú nên 4 ao nuôi của gia đình ông bị dịch bệnh tấn công, thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng.


Nhờ nuôi tôm sạch, mỗi năm gia đình ông Tiệm thu lãi hơn nửa tỉ đồng. Ảnh: Mai Chiến.

Chỉ sau 1 đêm, bao vốn liếng đầu tư ao tôm bị “trôi sông trôi biển". Gia đình ông trắng tay. Nhiều tháng trời mất ăn mất ngủ, đứng ngồi không yên. Song, thất bại giúp ông Tiệm có thêm ý. Trong đầu ông, không bao giờ có tư tưởng từ bỏ, luôn suy nghĩ “ngã chỗ nào, đứng dậy chỗ đó”. Ông quyết tâm khôi phục lại kinh tế gia đình từ chính con tôm.

Năm 1999, ông bén duyên với con tôm sú. Cứ vài năm, ông Tiệm mở rộng diện tích một lần. Nhờ vậy đến nay, gia đình ông đã sở hữu trang trại nuôi tôm rộng hơn 2 ha với quy mô 11 ao nuôi. Trong đó, ao lớn nhất rộng 2.000m2 .Ao nhỏ nhất rộng 900m2. Toàn bộ hệ thống ao nuôi được liên kết với nhau và kiên cố hóa, chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Đây là 2 dòng tôm được người tiêu dùng “săn” mua ăn nhiều nhất. Mỗi năm, gia đình ông tiêu thụ ra thị trường hơn 17 tấn tôm các loại.

Với giá bán 180.000 đ/kg tôm thẻ chân trắng (loại 40 con/kg) và 300.000 đ/kg tôm sú (loại 30 con/kg), mỗi năm gia đình ông “bỏ ống” từ 500 - 700 triệu đồng sau khi đã trừ tất cả các chi phí.

Với phương châm “ngon tại giống, sạch tại tâm”, những năm qua, ông Tiệm đã tập trung đầu tư công nghệ, chuyển đổi hình thức nuôi, sản xuất theo quy trình VietGAP.


Ông Tiệm đã đầu tư xây hệ thống nuôi tôm trong nhà có mái che với 30 bể xi măng, diện tích mỗi bể 36m2. Ảnh: Mai Chiến.

Chia sẻ kỹ thuật nuôi tôm sạch, ông Tiệm cho biết tôm hay bị bệnh gan và tụy nên việc ghi chép nhật ký ao nuôi rất cần thiết, giúp kiểm soát các yếu tố đầu vào như nguồn nước, thức ăn, con giống…, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh.

Sau mỗi vụ thu hoạch, cần xả thải nước cũ; vệ sinh lại ao nuôi. Cho ao nghỉ khoảng 15 ngày thì bắt đầu nuôi vụ mới. Trước khi nuôi, nguồn nước phải được xử lí bằng chế phẩm sinh học giúp kích thích tăng trưởng các nguồn thức ăn tự nhiên của tôm trong môi trường nuôi như tảo, phù du, sinh vật nhỏ…

“Chăm tôm như chăm con mọn, vất vả lắm. Ngày 3 bữa ăn đều đặn, phải theo dõi sát sao sự sinh trưởng của con tôm, vì vậy thời gian tôi ở ngoài trang trại nhiều hơn ở nhà”, ông Tiệm tâm sự.

Từ thành công bước đầu, ông Tiệm đầu tư xây hệ thống nuôi tôm trong nhà có mái che với 30 bể xi măng, diện tích mỗi bể 36m2. Với hệ thống này, ông Tiệm thực hiện công thức nuôi gối lứa, tăng từ 2 vụ nuôi lên 3 vụ/năm, bước đầu đã mang lại hiệu quả.

“So với mô hình nuôi cá truyền thống, thì mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú cho lợi nhuận cao gấp hàng chục lần. Hiện nay, trang trại đang liên kết với khoảng 100 trang trại vệ tinh trong và ngoài huyện với mục đích chia sẻ kinh nghiệm, kĩ thuật chăn nuôi tôm”, ông Tiệm bật mí.

Nguồn: Theo Nông Nghiệp Việt Nam
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết