Cá cóc có thịt thơm ngon, ít xương. Đây được xem là đối tượng nuôi mới, nhiều tiềm năng và có giá trị kinh tế rất cao, thích hợp để phát triển nghề nuôi cá lồng bè. Mô hình nuôi cá cóc trong bè đang phát triển tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL như Vĩnh Long, An Giang…
Giống nhân tạo còn hạn chế
Cá cóc (Cyclocheilichthys enoplos, thuộc họ cá chép Cyprinidae), phân bố ở Lào, Thái Lan, Campuchia, Indonesia và ở sông Tiền, sông Hậu của Việt Nam. Cá thích nghi với điều kiện nước chảy và có tập tính di cư sinh sản. Ở khu vực ĐBSCL, cá cóc thường được khai thác quanh năm ở sông Tiền và sông Hậu bằng câu, lưới, chài, đáy và đóng chà ven sông. Ngoài tự nhiên, cá cóc có kích thước lớn, có thể dài tới 80 cm, nặng khoảng 10 kg.
Theo các ngư dân lâu năm ở xã An Hữu (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), cá cóc giống cá chép, trên lưng cá có kỳ nhọn và bén như răng cưa. Vào lúc con nước đứng lớn, từng đàn cá đổ xô về các vùng nước sâu, chảy xiết để tìm mồi. Sau mùa lũ hàng năm, đàn cá cóc thường ngược dòng lên thượng nguồn sông Mê Kông sinh sản, còn đàn cá con lại xuôi dòng về sông Tiền, sông Hậu để tìm thức ăn và trưởng thành.
Trước đây cá cóc chưa được nuôi phổ biến do nguồn cá giống phụ thuộc vào việc đánh bắt từ tự nhiên, với sức chịu đựng rất kém, nhất là khi vận chuyển đi xa. Cá yếu và dễ chết khi rời khỏi môi trường nước chảy. Tuy nhiên, sau khi thuần dưỡng cá cũng thích nghi được với điều kiện nước tĩnh hoặc sống được trong bè nuôi với mật độ cao như cá tra, cá he, rô phi…
Năm 2000, các nhà khoa học của Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (thuộc Viện Nghiên cứu NTTS II) ở xã An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh An Giang) đã triển khai đề tài khoa học bảo tồn cá cóc. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình hỗ trợ thủy sản nước ngọt của Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. Nghiên cứu sinh sản nhân tạo để sản xuất giống cá cóc nhằm bổ sung giống loài mới vào cơ cấu đàn cá nuôi là việc làm cần thiết, đồng thời còn góp phần gìn giữ nguồn gen loài cá đang ngày càng trở nên hiếm. Được biết đã có khoảng 2.000 con cá giống ở lứa đầu tiên ra đời. Hàng năm, đàn cá bố mẹ đều được chọn lọc để thay thế những con đã già. Tuy nhiên, đến nay, nguồn cá giống cung cấp cho người nuôi còn nhiều hạn chế. Do nguồn cá cóc bố mẹ thuần dưỡng từ tự nhiên rất ít, chỉ nhằm mục đích nghiên cứu, bảo tồn gen, chưa phát triển nuôi để cung cấp nguồn cá thương phẩm cho xã hội.
Nhân rộng mô hình
An Giang là tỉnh đầu nguồn ĐBSCL, kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong đó NTTS chiếm vai trò quan trọng nhờ vào lợi thế sông Tiền, sông Hậu và mùa nước lũ hàng năm. Tại địa phương này, cá tra, cá basa, tôm càng xanh được xem là những thủy sản chủ lực phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, do thị trường trong nước và quốc tế không ổn định, giá thức ăn ngày càng tăng dẫn đến chi phí đầu tư cao, sự đòi hỏi khắt khe trong việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật và xuất khẩu làm cho các đối tượng nuôi này phát triển không bền vững.
Những năm trước đây, cá cóc chưa được người dân An Giang nuôi nhiều bởi cá chậm lớn hơn các loài cá khác, tốn nhiều thời gian và công chăm sóc. Đa số cá giống được thả nuôi ghép với các loài cá khác để tận dụng thức ăn thừa trong ao, bè. Các hình thức nuôi ghép chủ yếu là ghép với cá điêu hồng, cá basa, cá he, cá hú… Tuy nhiên, gần đây, thị trường tiêu thụ cá đặc sản dưới dạng sản phẩm cá tươi sống đang dần phát triển, đặc biệt là thị trường TP Hồ Chí Minh và Campuchia. Cùng đó, công nghệ nuôi loài cá này được người nuôi cải tiến rất nhiều nên hiệu quả kinh tế mang lại tương đối khả quan.
Từ thực tế trên, Trung tâm Giống thủy sản An Giang thực hiện Dự án “Thử nghiệm xây dựng mô hình sản xuất giống cá cóc tại An Giang” làm cơ sở khoa học để phát triển mô hình này, giúp người nuôi cá chuyển đổi đối tượng nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Việc ứng dụng thành công công nghệ sản xuất giống cá cóc tại An Giang sẽ đáp ứng nhu cầu giống cho người nuôi và cung cấp giống cho chương trình thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhằm đa dạng hóa các giống cá bản địa thả về tự nhiên.
ThS Tăng Hoàng Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản An Giang cho biết: “Với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu NTTS II về kỹ thuật sản xuất giống, đến nay Trung tâm đã cơ bản hoàn thành nội dung Dự án. Đến thời điểm này, đã sản xuất được 2,1 triệu con cá cóc bột và 428.000 con cá giống, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Qua 60 ngày ương trong ao đất, cá phát triển rất tốt, tỷ lệ sống đạt trên 70%. Tới đây, Trung tâm sẽ đề xuất nhân rộng mô hình, để nông dân An Giang tiếp cận quy trình mới này, nhằm cung cấp giống cá cóc ngày càng nhiều cho người nuôi”.
>> Hiện, nuôi cá cóc trong lồng bè được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh An Giang quan tâm. Bởi, đây là mô hình thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, ít tốn công lao động, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi.
Diệu Châu
Nguồn: Theo Tạp Chí Thủy Sản Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết