Ngành thủy sản hồi phục, thị trường Mỹ có nhiều lợi thế cho Việt Nam

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Vào thời điểm cuối năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang cho thấy những kết quả lạc quan hơn khi đà giảm chậm dần và có thêm ưu thế tại các thị trường chủ lực như Mỹ.

Vào thời điểm cuối năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang cho thấy những kết quả lạc quan hơn khi đà giảm chậm dần và có thêm ưu thế tại các thị trường chủ lực như Mỹ.

thuysan247.com

“Thủy sản được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vững vai trò quan trọng của nền kinh tế Việt Nam với quy mô ngày càng mở rộng. Thương hiệu thủy sản của Việt Nam ngày càng được khẳng định không chỉ tại thị trường nội địa và quốc tế”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10/2023, diễn ra chiều ngày 31/10.

Theo Thứ trưởng, đến hiện tại, hàng thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch đạt kỷ lục 11 tỷ USD vào năm 2022.

Mặc dù vậy, trước tình hình thế giới có nhiều diễn biến khó lường về địa chính trị, gây gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu tiêu dùng giảm ở nhiều nước, ngành thủy sản của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ngành hàng còn gặp thách thức trước các rào cản thương mại, yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm, bao gồm khía cạnh về xã hội, môi trường, kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Dưới góc độ hiệp hội, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho biết, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ đều ghi nhận sự kém lạc quan trong các tháng đầu năm 2023.

Sự sụt giảm của các mặt hàng chính diễn ra khi các thị trường lớn như CPTPP, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều giảm nhu cầu. Trong 2 quý đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang các thị trường này giảm khá sâu, từ 30 – 45%, thị trường Mỹ còn giảm tới 51%.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Dù vậy, ông Nam cũng cho rằng, ngành thủy sản đang dần cho thấy tín hiệu tích cực khi mức giảm tổng ngành hiện chỉ âm 22% trong 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó tổng 6-7 tháng đầu năm 2023 luôn trên mức âm 30% và cận âm 40% YoY.

“Tháng 9 và tháng 10 xuất khẩu thủy sản đã gần mức với năm ngoái. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm 2022, doanh nghiệp thủy sản được cả giá và nhu cầu”, ông Nam cho biết.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 9 và tháng 10/2023 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 814 triệu USD và 850 triệu USD, giảm lần lượt 4,9% và 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu trọng điểm

Tại thị trường EU, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân cho biết, dự báo các tháng cuối năm 2023, nhu cầu thủy hải sản của EU bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng và sẽ trở lại mức tiêu thụ thường kỳ giai đoạn 2021 -2022.

Trong tháng 10 vừa qua, Đoàn kiểm tra EC cũng đã làm việc tại Việt Nam và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ. Trong 6 tháng tiếp theo, nếu Việt Nam có triển vọng tốt về đánh bắt thực tế, châu Âu cho biết sẽ xem xét gỡ bỏ thẻ vàng trước khi EU chuyển vào thời điểm bầu cử nghị viện.

Tại Mỹ - thị trường chiếm một phần tư nhu cầu thủy sản của thế giới, tỷ lệ tồn kho, đặc biệt vào quý 3-4 của các nhà nhập khẩu, phân phối đã giảm đến mức trung bình. Cùng với đó, các chỉ số niềm tin tiêu dùng của người dân Mỹ tiếp tục được cải thiện.

“Các yếu tố trên cùng với các dịp lễ cuối năm như Giáng sinh… dự kiến sẽ kích thích nhu cầu nhập khẩu của thị trường. Các đơn hàng từ Việt Nam cũng như các thị trường khác đã cải thiện trong quý 3, đặc biệt tăng trưởng dương so với các tháng trước đó”, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ chia sẻ tại hội nghị.

Mặt khác, nếu như năm 2022, thủy hải sản chỉ chiếm khoảng 6% trong cơ cấu thực phẩm của Mỹ thì xu hướng tiêu dùng mặt hàng này đang có dấu hiệu gia tăng do người Mỹ đang dịch chuyển sang các mặt hàng có lợi cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, theo ông Hưng, ngày 31/8 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận sơ bộ về đợt rà soát lần thứ 19 đối với mặt hàng cá tra đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam vào nước này giai đoạn 2021 – 2022. Kết quả, mức thuế áp với cá tra Việt Nam chỉ ở mức 0 – 0,14 USD/kg, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đều nhận mức thuế toàn quốc rất thấp.

Việt Nam cũng nhận được kết quả khả quan đối với việc Bộ Nông nghiệp Mỹ tiến hành thanh tra hệ thống kiểm soát an toàn đối với cá tra Việt.

“Các tín hiệu trên đã tạo đà tích cực cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Hiện, cá tra phile đông lạnh của Việt Nam chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu cá thịt trắng vào Mỹ. Các chuyên gia dự đoán, quý 4/2023 và năm 2024 sẽ là cơ hội phục hồi xuất khẩu cá tra cũng như thủy sản sang Mỹ”

“Các tín hiệu trên đã tạo đà tích cực cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Hiện, cá tra phile đông lạnh của Việt Nam chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu cá thịt trắng vào Mỹ. Các chuyên gia dự đoán, quý 4/2023 và năm 2024 sẽ là cơ hội phục hồi xuất khẩu cá tra cũng như thủy sản sang Mỹ”

Tham tán thương mại Đỗ Ngọc Hưng

Đáng chú ý, Bộ Công thương đã gửi đơn đề nghị Bộ Thương mại Mỹ rà soát thay đổi hoàn cảnh đối với mặt hàng mật ong Việt Nam, nếu được rà soát đây sẽ là điều kiện tiên quyết để Mỹ xem xét và mở rộng sang các ngành hàng khác và công nhận nền kinh tế Việt Nam.

Ngày 30/10, thông qua kênh công báo của Liên bang Mỹ, phía Mỹ đã khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh về nền kinh tế thị trường Việt Nam. Theo ông Hưng, đây là tín hiệu tích cực, bởi khi có thông tin Việt Nam nộp đơn thì các doanh nghiệp của Mỹ đã có đơn phản đối, trong đó bao gồm các doanh nghiệp ngành thép, các chủ nuôi mặt hàng thủy sản cá da trơn…

Thách thức thời gian tới với các mặt hàng thủy sản

Mặc dù có nhiều điểm tích cực nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi Mỹ vốn là thị trường hấp dẫn đối với doanh nghiệp thủy sản của nhiều quốc gia cũng như với doanh nghiệp nội địa.

Ngày 24/10 vừa qua, các nguyên đơn là nhà nhập khẩu chế biến tôm của Mỹ đã gửi đơn điều tra chống bán phá giá, chống trợ đối với 5 nước, bao gồm Việt Nam với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh. Tuy nhiên, việc áp dụng chống bán phá giá đã áp dụng với Việt Nam từ năm 2005. Với việc đề xuất xem xét chống trợ cấp tôm đông lạnh đang cho thấy tín hiệu quan ngại cho mặt hàng tôm của Việt Nam tại Mỹ.

Vấn đề xây dựng, bảo vệ và khai thác thương hiệu mặt hàng thủy sản của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài một số doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp thủy sản khác hiện chỉ phân phối qua kênh trung gian, bán lẻ của các nhóm nhà nhập khẩu châu Á chứ chưa đưa vào hệ thống phân phối trực tiếp của Mỹ.

Bên cạnh đó, do khoảng cách địa lý xa, chi phí vận chuyển cao cũng khiến khả năng cạnh tranh thủy sản của Việt Nam thấp hơn các đối thủ khác như Ecuador, Ấn Độ…

Tại thị trường EU, ông Quân cho biết, tháng 10 vừa qua, trong báo cáo giám sát thủy hải sản của EU, châu Âu đã nghiên cứu toàn bộ chu trình của Việt Nam trong năm qua và đưa ra khuyến nghị về giám sát an toàn thực phẩm. Triển khai khuyến nghị này trong 6 tháng đầu năm, phía EU đã lấy xác suất 20% lô hàng của Việt Nam vào EU, trong đó có 7,3% lô hàng không đạt chuẩn.

“Đối với EU thì ngưỡng này cực kỳ nghiêm trọng. Bởi hàng thủy sản xuất khẩu vào EU là những doanh nghiệp được cấp code, trước khi doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải được kiểm tra về giấy vệ sinh an toàn thực phẩm từ Bộ NN&PTNT. Như vậy, chúng ta đã triển khai một số biện pháp tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng đối với nguồn hàng thủy sản. EU đưa ra cảnh báo, nếu Việt Nam không cải thiện tình hình thì có thể đối mặt với nguy cơ xấu hơn trong tương lai, thậm chí đứng trước ngưỡng hạn chế xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường này”, theo ông Quân.

Mặt khác, EU cũng đang triển khai các chiến dịch quảng bá, các chương trình vận động để người tiêu dùng lựa chọn hàng thủy sản nội địa EU với tiêu chí chất lượng, bền vững và thân thiện môi trường.

Trước những thách thức trên, ông Hưng cho rằng, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương nên xem xét khuôn khổ hợp tác để từ đó tiến hành đàm phán điều ước, chính sách thỏa thuận, hạn chế khả năng Mỹ áp dụng thuế quan đối với mặt hàng thủy sản Việt.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng thúc đẩy mở rộng cho các sản phẩm tiềm năng như mực, bạch tuộc và đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử. Tiếp tục tăng sản phẩm chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ nhu cầu của thị trường. Bởi Mỹ là quốc gia đa sắc tộc với mức tiêu dùng lớn, cùng với đó là sự phân hóa tầng lớp xã hội, chênh lệch thu nhập dẫn đến nhu cầu các mặt hàng thủy sản cũng khác nhau.

Lê Hồng Nhung

Nguồn: Theo TẠP CHÍ MEKONG ASEAN
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết