CFSE: Định vị thị trường nhập khẩu thủy sản tại Trung Quốc

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Triển lãm Thủy sản và Hải sản Trung Quốc (CFSE) diễn ra tại Thanh Đảo, Trung Quốc (24 – 27/10/2023) đã đưa ra các vấn đề cốt lõi của thủy sản toàn cầu, đồng thời định vị lại thị trường thủy sản trong nước.

Triển lãm Thủy sản và Hải sản Trung Quốc (CFSE) diễn ra tại Thanh Đảo, Trung Quốc (24 – 27/10/2023) đã đưa ra các vấn đề cốt lõi của thủy sản toàn cầu, đồng thời định vị lại thị trường thủy sản trong nước.

thuysan247.com

Triển lãm được thực hiện dưới sự phối hợp của Hiệp hội Thủy sản toàn cầu, Hiệp hội Thủy sản Na Uy và Hội đồng Thủy sản Na Uy. Các phiên Hội nghị tập trung những vấn đề “nóng” của thủy sản toàn cầu cũng như định vị thị trường xuất nhập khẩu của Trung Quốc.

14h45, 27/10/2023

Tín hiệu phục hồi nào cho thị trường cá tra Trung Quốc trong quý III/2023?

Theo ông Chen Xindong, Giám đốc điều hành công ty Octogone, từ quý III/2023, nhờ nhu cầu tăng cao trong kỳ nghỉ hè và sự gia tăng tiêu dùng mùa lễ hội cuối năm, sản lượng nhập khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc ghi nhận một số mốc tăng trưởng, mặc dù giá vẫn đang ở mức thấp. 

Hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực giải phóng hàng tồn kho. Theo thống kê, doanh số bán hàng dịp Lễ Quốc khánh trong tháng 10 của nước này mặc dù có cải thiện nhưng không đạt như kỳ vọng. 

Ông Chen cũng đề cập đến sự việc xả nước thải của nhà máy hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản, ông nhấn mạnh sự kiện này không làm ảnh hưởng đến thị trường cá tra tại Trung Quốc. Mặc khác, sẽ có một số tác động tích cực thúc đẩy đến ngành.

"Nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự lo lắng nguyên liệu chế biến trong các nhà hàng Nhật đều được nhập trực tiếp từ Nhật Bản. Nhưng trên thực tế, hầu hết các loại cá, đặc biệt là cá hồi chủ yếu có nguồn gốc từ Na Uy và Chile. Cá tra tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc được nuôi tại Việt Nam và hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi vấn đề Fukushima", ông Chen bày tỏ quan điểm. 

9h21, 27/10/2023 

Tương lai cho thị trường nhập khẩu cá hồi tại Trung Quốc 

Đầu năm 2023 đánh dấu sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường cá hồi Trung Quốc. Doanh số bán hàng đạt đỉnh vào quý I, sau đó chững lại trong quý II và dần giảm sâu trong quý III. Nhiều dự đoán trong quý IV sắp tới, lượng cá hồi nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc có thể sẽ chạm đáy. Sau kỳ nghỉ Quốc khánh vào tháng 10/2023, nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc suy yếu đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường nhập khẩu cá hồi. 

Ông Dennis Cai, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Shanghai Chuner, một trong những công ty nhập khẩu cá hồi lớn tại nước này, cho biết, trong kỳ nghỉ Quốc khánh, nhu cầu tiêu thụ cá hồi đã giảm xuống dưới 70% và tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn sau đó. 

Ông cũng đánh giá cao những nỗ lực mà ngành xuất khẩu cá hồi Na Uy đã thực hiện tại thị trường Trung Quốc. Na Uy sở hữu vùng nuôi cá hồi rộng lớn và luôn đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng cung ứng tại các thị trường xuất khẩu trong đó có Trung Quốc. Cùng với đó, sản lượng nhập khẩu cá hồi Chile đã phục hồi nhanh chóng trong quý II và quý III, nhờ vào chính sách mở rộng dịch vụ vận tải giữa Chile và Trung Quốc mặc dù chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao. 

Nhật Bản là thị trường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất hiện nay, với sự suy giảm 50% doanh số bán hàng. Nguyên nhân có thể đến từ sự giảm sút chi tiêu của người tiêu dùng và một phần đến từ sự cố xả nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima vừa qua. 

20h09, 26/10/2023 

Thách thức cho ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam tại thị trường Trung Quốc

Thương mại xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam đang ngày càng phát triển. Cùng với đó, kể từ giai đoạn đại dịch COVID-19, tình trạng gian lận kiểm tra hải quan, trốn thuế nhập khẩu trở thành một vấn đề nan giải cho các doanh nghiệp nhập khẩu cá tra tại nước này. 

Ước tính có khoảng 25% sản lượng cá tra tại thị trường Trung Quốc hiện nay đến từ các nguồn hàng buôn lậu. Những hàng hóa này chủ yếu sẽ được phân phối đến các thị trường bán lẻ. Những nhà tiêu thụ lớn tại Trung Quốc không thu mua các sản phẩm bất hợp pháp và không có giấy tờ kiểm định chất lượng.

Theo thông tin từ một thương nhân người Trung Quốc, "thương mại xám" hay “thương mại phi chính thức” vẫn còn tồn tại và đang len lỏi phát triển trong thị trường nhập khẩu cá tra tại nước này. Ông nói thêm, "Miễn là còn lợi nhuận, họ vẫn sẽ tiếp tục bất chấp mạo hiểm". 

Trên thực tế, Trung Quốc vẫn ghi nhận những cuộc buôn lậu cá tra từ Việt Nam thông qua Dongxing, Quảng Tây vào thị trường nội địa Trung Quốc, nơi những sản phẩm này sẽ cạnh tranh về giá với hàng hóa được nhập khẩu chính ngạch. 

Thị trường cá tra tại Trung Quốc vẫn chưa ổn định, đặc biệt trong giai đoạn suy thoái, lượng hàng hóa buôn lậu tăng nhanh, khó kiểm soát, đặt ra nhiều thách thức lớn đối với những doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch. 

Tuy nhiên, tại triển lãm Vietfish tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, theo một số nguồn tin, việc vận chuyển cá tra qua biên giới bằng xe tải đã suy giảm trong suốt đại dịch COVID-19 và hiện tại vẫn chưa ghi nhận trường hợp mới nào xảy ra.

19h50, 26/10/2023 

Liệu thời cơ của ngành cá hồi tự nhiên tại Trung Quốc đã đến?

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay tổng sản lượng khai thác cá hồi tự nhiên trên toàn cầu đạt gần 1 triệu tấn. Trong đó, Nga đóng góp 600.000 tấn, Mỹ 300.000 tấn và Nhật Bản từ 70.000 - 80.000 tấn. Theo ông Deng En Tang, Chủ tịch của Tập đoàn Dalian Rich, chỉ có khoảng 30% sản lượng cá hồi đánh bắt tự nhiên được thu mua bởi các cơ sở chế biến. Hiện tại, các doanh nghiệp hầu như đang hết sức thận trọng với tình hình thị trường ảm đạm và lượng hàng tồn kho lớn. 

Các thị trường tiêu thụ cá hồi đang phải đối mặt với áp lực lạm phát, khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút. Trong khi đó nguồn cung cá hồi toàn cầu đang có xu hướng dư thừa và lượng hàng tồn kho “khổng lồ”. Do đó các nhà quản lý đang tìm kiếm những thị trường tiềm năng để mở rộng ngành xuất khẩu cá hồi tự nhiên. Và theo ông Deng En Tang, Trung Quốc là một trong những “thị trường sáng giá” để đẩy mạnh đầu tư ngành cá hồi tự nhiên tại thời điểm này.  

Ở Trung Quốc, thời gian qua tập đoàn Dalian Rich đã liên tục thực hiện các kế hoạch phát triển sản phẩm mới và đạt được những kết quả tích cực. Vừa qua, công ty đã hoàn tất một thỏa thuận đối tác toàn diện với trang web JD.com thực hiện chiến lược quảng bá cho các sản phẩm cá hồi tự nhiên tại thị trường Trung Quốc. Dalian Rich là một trong những nhà tiên phong về áp dụng công nghệ trong ngành. 

Ông Deng En Tang cũng khẳng định Dalian Rich hiện là nhà nhập khẩu cá hồi Coho lớn nhất, cung cấp nguyên liệu cho thị trường Nhật Bản và châu Âu. Công ty luôn không ngừng mở rộng các phương thức tiêu thụ và sản xuất đa dạng các sản phẩm như bánh cá hồi, cá hồi viên, cá hồi muối… nhằm phục vụ tối đa cho tiêu dùng. Hiện giá cá hồi tự nhiên và các loại sản phẩm từ cá hồi nhìn chung đã ổn định và có dấu hiệu phục hồi.

14h42, 26/10/2023

Nguồn cung cá tra khan hiếm, thị trường Trung Quốc lao đao 

Theo dự đoán, tình trạng khan hiếm nguồn cung cá tra tại Trung Quốc có thể kéo dài đến hết quý II/2024, khiến cho giá cá tra ngày càng tăng cao và khó có thể trở lại đà giảm. 

Hải Nam là tỉnh có số cơ sở cá tra giống nhiều nhất cả nước. Thời gian qua nguồn cung cấp cá tra giống tại địa phương gặp khó khăn, chỉ đạt khoảng 25 - 30% so với cùng kỳ năm trước. Giá cá tra tại khu vực này đang ở mức 10,4 CNY/kg (1,42 USD/kg). 

Ông Zhou Yunfeng, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Qinfu Hải Nam, cho biết so với các tháng trước đó, nguồn cung nguyên liệu có cải thiện nhưng không nhiều, các nhà máy chế biến lớn chỉ có thể hoạt động 50% công suất. "Tình trạng thiếu hụt cá tra nguyên liệu dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 5/2024 do chịu ảnh hưởng từ điều kiện khí hậu và thời tiết khắc nghiệt trong những tháng cuối năm”, ông Zhou nói. 

Ông cũng nhấn mạnh vai trò của cấp quản lý trong việc hỗ trợ người nuôi, thường xuyên cập nhật những thay đổi tích cực trong ngành, đồng thời theo dõi, hỗ trợ và định hướng để người nuôi không chạy theo giá leo thang mà bất chấp rủi ro. Thay vào đó cần tập trung phát triển bền vững, có định hướng lâu dài.

17h35, 25/10/2023

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm đối mặt với tồn kho "khủng" 

Ông Song Changgui, Giám đốc điều hành của Công ty Phát triển Thủy sản Cầu Vồng Quảng Đông cho biết với tình hình thị trường ảm đạm như hiện nay, các doanh nghiệp nhập khẩu tôm đang do dự đặt hàng số lượng lớn.

Cũng theo ông Song, "Thời gian qua, người mua đang hết sức thận trọng, họ chỉ mua vào khi lượng hàng dự trữ thiếu hụt. Dự trữ hàng với số lượng lớn sẽ gặp nhiều rủi ro. Ngay cả khi chấp nhận mức lợi nhuận thấp, các doanh nghiệp cũng khó tìm đầu ra".

Ông Song cho biết doanh số các sản phẩm tôm viên của công ty đã giảm 60%, chủ yếu là do nhu cầu ăn lẩu và tiệc buffet trên thị trường giảm đáng kể. Sản phẩm duy nhất duy trì được doanh số bán là nhân tôm, thường được sử dụng làm nhân bánh bao. 

Nguyên nhân của hàng tồn kho ở mức "khủng" tại Trung Quốc là do nhập khẩu quá nhiều nhưng tiêu dùng quá yếu. Ông Song cho biết công ty nhập khẩu 200 công ten nơ hàng mỗi tháng, nhưng chỉ bán được 80 công, 120 công phải lưu kho. Mỗi công ten nơ trị giá 1 triệu CNY (136.700 USD).

15h40, 25/10/2023

Phi lê cá hồi nuôi trở thành “tương lai” của Trung Quốc 

Theo nhận định của ông Paul Tsai, đại diện Hội đồng Thủy Sản Na Uy, người tiêu dùng Trung Quốc chủ yếu ưa chuộng cá hồi nguyên con có đầu bỏ ruột (HOG), nhưng trong thời gian tới, phi lê cá hồi sẽ trở thành "tương lai" của thị trường này. 

Theo thống kê, trong năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 470 tấn cá hồi phi lê Na Uy, dự kiến năm 2023 con số này sẽ vượt mức 1.000 tấn. Thị trường Nhật Bản trước đây cũng tập trung vào các sản phẩm cá hồi HOG, nhưng hiện nay 70% sản lượng tiêu thụ là phi lê. Tại Hàn Quốc, phi lê cá hồi cũng chiếm 30% thị trường.

Nhật Bản mất 10 năm để có được tỷ lệ tiêu thụ phi lê cá hồi như hiện tại. Ông Tsai nhận định rằng Trung Quốc trong tương lai có khả năng sẽ đạt kết quả tương tự. 

16h02, 24/10/2023

Xuất khẩu cá thu Na Uy giảm, nguyên nhân không phải do tiêu dùng

Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường xuất khẩu chính của cá thu Na Uy vào năm 2022. 

Theo ông Jan Eirik Johnsen, Giám đốc khách hàng chiến lược của Hội đồng Thủy sản Na Uy, nước này đã xuất khẩu gần 60.000 tấn cá thu sang Trung Quốc vào năm 2022, cao hơn so với mức 55.000 tấn tại thị trường Nhật Bản.

Nhờ đó, năm 2022, châu Á chiếm 44% tổng khối lượng cá thu xuất khẩu của Na Uy, châu Âu chỉ chiếm 39%. Trong khi trước đó, vào năm 2019, Châu Âu chiếm 51%, Châu Á chỉ chiếm 40%. 

Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá thu Na Uy sang châu Á, cụ thể là Trung Quốc, có xu hướng giảm. Theo ông Johnsen, nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi dòng chảy thương mại chứ không phải vì tiêu dùng. Trên thực tế trong thời gian qua, cá thu Na Uy xuất khẩu sang Trung Quốc để chế biến sau đó tái xuất sang Nhật Bản. Nhưng nay cá thu Na Uy được chuyển sang Việt Nam và Indonesia để chế biến trước khi đi tiếp sang Nhật Bản. Thậm chí, Nhật Bản cũng đã bắt đầu nhập khẩu trực tiếp cá thu từ Na Uy. 

14h15, 24/10/2023

Đảm bảo tính bền vững là ưu tiên hàng đầu sau an toàn thực phẩm 

Theo kết quả khảo sát được thực hiện bởi Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA) trước thềm Triển lãm Thủy sản và Hải sản Trung Quốc, tính bền vững đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng nước này.

Ông Steve Hart, Phó chủ tịch phát triển thị trường của GSA, cho biết 3.000 người tham gia khảo sát đều bày tỏ sự quan tâm hàng đầu tới an toàn thực phẩm và trách nhiệm với môi trường. Điều này cho thấy người dân Trung Quốc ngày càng có nhận thức cao về sản xuất thủy sản bền vững. Ông Hart cho biết: "Từ các chiến dịch tiếp thị, chúng tôi nhận thấy rằng 29% số người tham gia đã nhận biết được logo BAP của GSA (Bộ quy chuẩn “Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất”) được gắn trên các sản phẩm thủy sản”. Và khoảng 60% cho biết họ sẽ ưu tiên mua các sản phẩm có logo BAP”.

Được biết, Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GSA) đã phát triển chương trình chứng nhận BAP nhằm thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm trên toàn cầu. 

14h04, 24/10/2023

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của cá hồi Na Uy tại châu Á

2023 đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu cá hồi lớn nhất của Na Uy tại châu Á. Ông Andreas Thorud, đại diện Hội đồng Thủy sản Na Uy (NSC) tại Trung Quốc tin rằng đây sẽ trở thành xu hướng cho sự phát triển của cá hồi Na Uy trong tương lai. Ông phát biểu: "Năm 2023 có thể coi là một năm thành công cho cá hồi Na Uy tại thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 65% tổng giá trị xuất khẩu của Na Uy. Năm ngoái con số này là 40%”. 

Nhờ sự tăng trưởng vượt bậc của cá hồi, từ đầu năm đến nay Na Uy thu về 6,40 tỷ NOK (580 triệu USD) từ xuất khẩu hải sản, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tổng khối lượng giảm 21% xuống còn 108.698 tấn, nguyên nhân chủ yếu do xuất khẩu cá biển và cá thịt trắng giảm. 

Lan Khuê 

(Theo Undercurrent News)

Nguồn: Theo Tạp Chí Thủy Sản
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết