Cấp bách giảm phát thải khí nhà kính từ nuôi trồng thủy sản

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Nuôi trồng thủy sản (NTTS) đang dần trở thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm và góp phần vào kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất NTTS, đặc biệt là nuôi tôm không chỉ chịu tác động của biến đổi khí hậu mà còn gây phát thải khí nhà kính lớn, làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu.

Cần khuyến khích phát triển các mô hình NTTS áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường. Ảnh: Grobest

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) đang dần trở thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm và góp phần vào kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất NTTS, đặc biệt là nuôi tôm không chỉ chịu tác động của biến đổi khí hậu mà còn gây phát thải khí nhà kính lớn, làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu.

thuysan247.com

Thách thức từ môi trường

Theo chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo “Giảm phát thải khí nhà kính từ nuôi trồng thủy sản”, do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu tổ chức ngày 3/11; biến đổi khí hậu gây ra nhiều hiện tượng thiên tai như bão, lũ, hạn, xâm nhập mặn, nâng cao mực nước biển, làm ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn của các hệ thống NTTS. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng làm thay đổi nhiệt độ, pH, độ mặn, ôxy hòa tan và các yếu tố sinh học của nước, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh trưởng của các loài thủy sản. Ngành NTTS chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu nhưng cũng là thủ phạm gây ra biến đổi khí hậu, do nó sản xuất ra một lượng lớn khí nhà kính. 

Các chuyên gia cho rằng, trong NTTS có 2 nguồn gây ra phát thải nhà kính chính, là: phát thải từ thức ăn và phát thải từ việc sử dụng nhiên liệu trong quá trình sản xuất (điện, dầu…). Do đó, nghiên cứu phát thải khí nhà kính từ ao nuôi thủy sản là vấn đề cần được quan tâm, từ đó đề xuất biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong nuôi thủy sản; đó cũng là cam kết của Việt Nam thực hiện các mục tiêu pháp triển bền vững của Liên hợp quốc. 

Nhân rộng mô hình nuôi tôm giảm phát thải

Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là: cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí methan toàn cầu” và cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”. Thực hiện cam kết này, ngành nông nghiệp đang thúc đẩy các giải pháp để giảm phát thải. Trong đó, ngành thủy sản đã và đang nhận được nhiều nguồn lực quốc tế, cả về tài chính và kỹ thuật để chuyển đổi sang sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Điển hình là Dự án “Chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL” (B3) do Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới và ActionAid Quốc tế tại Việt Nam đồng tài trợ, Ban quản lý chương trình hỗ trợ phát triển huyện Đông Hải, Bạc Liêu triển khai từ năm 2021 – 2023. Giảm lượng khí nhà kính phát thải từ hoạt động NTTS là một trong ba mục tiêu quan trọng của Dự án. Kết quả đo lượng khí nhà kính phát thải từ các ao nuôi tôm tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho thấy, mô hình nuôi tôm thâm canh phát thải khí nhà kính gấp 15 lần so với nuôi tôm quảng canh. Trong khi mật độ nuôi, nạo vét ao và vèo nuôi là những yếu tố chính quyết định đến lượng khí nhà kính phát thải từ các ao nuôi tôm quảng canh; thì trong mô hình nuôi tôm thâm canh, điện và thức ăn là hai nguồn phát thải chính (lượng điện tiêu thụ đóng góp 82% và thức ăn đóng góp 17% vào tổng lượng khí nhà kính phát thải). Sau 9 tháng áp dụng kết hợp các biện pháp này, lượng khí nhà kính phát thải từ các ao nuôi tôm đã giảm 16,9% đối với mô hình nuôi tôm quảng canh, và giảm 10,8% đối với mô hình nuôi tôm thâm canh.

Với kết quả này, các giải pháp giảm lượng khí nhà kính phát thải từ các ao nuôi tôm tập trung vào giảm lượng điện tiêu thụ, thay thế điện từ năng lượng hóa thạch bằng tái tạo, xử lý chất thải của tôm bằng ủ khí sinh học, tối ưu hóa lượng thức ăn cho tôm và thay đổi cách thức cho ăn (đối với mô hình nuôi tôm thâm canh) và thay đổi mật độ thả tôm, cải thiện hệ thống xử lý nước để tránh dịch bệnh cho tôm giúp giảm tỷ lệ tôm chết (đối với mô hình nuôi tôm quảng canh).

Trong khuôn khổ Dự án, đến nay đã có 21 Nhóm năng lượng sạch được thành lập và đi vào hoạt động ổn định với 530 thành viên. Các nhóm Năng lượng sạch hỗ trợ người dân tìm hiểu và thí điểm quy trình nuôi tôm phát thải thấp.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, để giảm phát thải khí nhà kính trong NTTS cần ứng dụng năng lượng tái tạo; giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch; thiết lập quy trình nuôi trồng không phát thải khí nhà kính có chứng nhận. Cụ thể: Cần phải quản lý tốt cách cho ăn và sử dụng thức ăn, nhằm giảm thiểu hệ số thức ăn. Khuyến cáo các trang trại đều dành diện tích nhất định (từ 50 - 70%) phát triển các hồ nước điều hòa sinh thái; là một khâu quan trọng trong tiến trình giảm phát thải khí nhà kính là hấp thụ carbon và đạt trung hòa carbon. 

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Đại diện nhóm Nghiên cứu - Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ đề xuất, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong NTTS cần huyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo trong NTTS (biogas, điện mặt trời); sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm; quản lý tốt cách cho ăn và quản lý sử dụng thức ăn nhằm giảm thiểu hệ số thức ăn; áp dụng mô hình nuôi tôm hai giai đoạn trong đó tập trung vào giai đoạn vèo.

Vân Anh

Nguồn: Theo Tạp Chí Thủy Sản
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết