Thương hiệu tôm Việt cần thiết nhưng không dễ

Adv thuysan247
Đối với một sản phẩm chủ yếu là xuất khẩu có giá trị kim ngạch khoảng 4 tỉ USD/năm như con tôm, thì việc xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu rất cần được quan tâm ở cả cấp độ vĩ mô lẫn vi mô, nhằm giúp nâng tầm và giá trị tôm Việt trên thương trường.

Đối với một sản phẩm chủ yếu là xuất khẩu có giá trị kim ngạch khoảng 4 tỉ USD/năm như con tôm, thì việc xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu rất cần được quan tâm ở cả cấp độ vĩ mô lẫn vi mô, nhằm giúp nâng tầm và giá trị tôm Việt trên thương trường.

thuysan247.com

Xây dựng thương hiệu từ lâu trở thành một việc không thể không làm đối với các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển trên thương trường, dù trong nước hay ngoài nước. Với ngoài nước, cạnh tranh mang tính quốc tế thì việc xây dựng thương hiệu càng có ý nghĩa sống còn cao hơn. Theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, người tiêu dùng không có nhiều thời gian lựa chọn khi mua sắm, nên để yên tâm, cứ gặp mặt hàng quen biết có thương hiệu, tiếng tăm mà họ cần thì bỏ vào giỏ hàng, không phải kiểm tra, so sánh… Do vậy, hàng không có thương hiệu sẽ gặp khó trong tiêu thụ, lượng tiêu thụ khó tăng và dĩ nhiên giá cả không cao được.

Sau hơn 40 năm tham gia thị trường thế giới, một số doanh nghiệp bắt đầu quan tâm và ý thức hơn đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm của mình, nhưng đây là việc không chỉ cần ý chí, quyết tâm mà còn cần tài chính khá mạnh nên đến nay vẫn có những giới hạn nhất định. Hiện tại, dù cả nước có hơn trăm doanh nghiệp tôm nhưng số doanh nghiệp có doanh số trên trăm triệu USD không nhiều. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp ý thức trong việc xây dựng uy tín thương hiệu cho mình, dù thực tế cũng có những giới hạn.

Ông Lực chia sẻ: “Nếu làm hàng tốt, được tín nhiệm tiêu thụ nhiều, nhưng trên bao bì vẫn là thương hiệu của hệ thống phân phối hoặc nhà nhập khẩu, còn mã hiệu doanh nghiệp và tên Việt Nam chỉ là dòng chữ khiêm tốn. Người tiêu dùng làm sao biết hàng của doanh nghiệp nào, chỉ có hệ thống phân phối hoặc nhà nhập khẩu biết. Đây là luật chơi của bên mua, bởi ai cũng muốn xây dựng thương hiệu cho mình và trong cuộc chơi này họ luôn ở thế thượng phong”.

Thương hiệu tôm Việt  cần thiết nhưng không dễ

Xây dựng các vùng nuôi tầm cỡ đạt chuẩn quốc tế sẽ hỗ trợ rất lớn trong việc xây dựng thương hiệu tôm Việt.

Xây dựng thương hiệu là việc vô cùng cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, thu hút khách hàng, mở rộng hoạt động, thu hút nhân sự tốt cho doanh nghiệp… nói chung là nâng tầm sản phẩm của mình, qua đó sẽ phát triển kinh doanh tốt hơn, nâng tầm doanh nghiệp cao hơn. Tuy nhiên, theo ông Lực, không phải có doanh nghiệp là phải có thương hiệu. Phải “liệu cơm gắp mắm”, biết mình biết bạn mới thành công. Chỉ riêng việc xác định xây dựng thương hiệu lúc nào, lộ trình ra sao để tránh thất bại là một công việc nghiêm túc, khó khăn và cũng là một nghệ thuật mang tính trường kỳ! Nói một cách khác, xây dựng thương hiệu tôm Việt trên trường quốc tế là việc làm hết sức khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, tranh thủ thời cơ của từng lãnh đạo doanh nghiệp và đặc biệt là phải biết giữ chữ tín trong kinh doanh.

Để tăng sức thuyết phục khách hàng, để thương hiệu được ổn định và bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp tôm phải có sự chuẩn bị dài hơi như phải có vùng nuôi tầm cỡ (do doanh nghiệp tự nuôi hay liên kết các trang trại, hộ nuôi) đạt chuẩn chất lượng nuôi có xác nhận. Tại doanh nghiệp cũng phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phải tuân thủ đạo đức kinh doanh, phải thực thi trách nhiệm xã hội, phải quan tâm xây dựng, thực hành bộ quy chuẩn phát triển bền vững… Tất cả phải đồng bộ và có biểu hiện rõ nét ra bên ngoài kết quả các việc đã nỗ lực thực hiện nhằm từng bước khẳng định tính trội sản phẩm như: an toàn, bổ dưỡng, truy xuất, bền vững là trung thực, nhằm nâng cao sức thuyết phục khách hàng, người tiêu dùng và nâng tầm thương hiệu đang gầy dựng.

Nói về chữ “tín” trong kinh doanh, ông Lực cho rằng, đây là điều mà doanh nghiệp phải luôn tâm niệm và thực thi tuyệt đối, bởi đây là cốt lõi trong xây dựng thương hiệu. Chỉ cần làm được điều cốt lõi là quá tốt trong hoàn cảnh chúng ta đang có vì khi đó ta chỉ còn thiếu phần vỏ bên ngoài là chưa có logo, nhãn hiệu và kiểu dáng bao bì riêng mà thôi. Mặc dù chưa được như ý, nhưng không thể một lúc cầu toàn. Riêng những kênh nào có thể xây dựng thương hiệu riêng của doanh nghiệp thì ráng duy trì và phát triển từng bước. Xu thế là không thể cưỡng, dù biết còn nhiều hạn chế, nhưng nhìn từ xu thế các doanh nghiệp tôm Việt luôn chuẩn bị cho mình hướng đi lâu dài – hết sức chú tâm xây dựng uy tín cho doanh nghiệp mình trên thương trường theo hoàn cảnh, khả năng của mình. Song song đó coi trọng việc xây dựng sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Những nội dung này và việc xây dựng thương hiệu có tương quan mật thiết và bổ trợ lẫn nhau.

Cũng có ý kiến đặt ra là nên xây dựng thương hiệu tôm quy mô quốc gia trước hay xây dựng thương hiệu ở từng doanh nghiệp tôm trước? Vấn đề này theo ông Lực là rất khó để đưa ra kết luận là nên làm cái nào trước, cái nào sau, nhưng có một điều có thể khẳng định là việc xây dựng thương hiệu tôm quy mô quốc gia và xây dựng thương hiệu tôm ở từng doanh nghiệp luôn có mối quan hệ hữu cơ, hỗ tương lẫn nhau.

Ông Lực chia sẻ thêm: “Về lý thuyết mà nói, nếu chúng ta có nhiều doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thành công, thì bóng dáng thương hiệu quốc gia tôm Việt cũng sẽ trở nên rõ nét hơn, bởi khi đa phần doanh nghiệp đã xây dựng tốt thương hiệu cho mình sẽ tạo sự cộng hưởng để hình thành thương hiệu cho tầm quốc gia”.

Tuy nhiên, cái khó ở đây là nếu không có đủ tôm sạch thì doanh nghiệp lấy nền tảng nào xây dựng thương hiệu? Chỉ câu hỏi này nói lên tầm quan trọng hàng đầu của các chương trình vĩ mô. Ở tầm vĩ mô phải khởi động trước, làm cơ sở hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho mình. Các chính sách, thể chế, quy định… từ vĩ mô hỗ trợ cho các doanh nghiệp tôm phải thiết thực và thật sự được triển khai một cách hiệu quả để tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp mạnh tay xây dựng thương hiệu. Cho nên, cần có sự đồng bộ phối hợp cấp vĩ mô và các doanh nghiệp thì con tôm Việt mới có được thương hiệu mạnh, đủ sức vươn ra thị trường thế giới.

Nguồn: Theo báo Sóc Trăng
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết