Tháo gỡ rào cản kỹ thuật cho ngành tôm tăng trưởng

Adv thuysan247
Tại Hội nghị “Phát triển ngành tôm và ký quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 28 tỉnh, thành phố ven biển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 11/3, tại tỉnh Sóc Trăng, một loạt giải pháp cơ bản đã được ngành thủy sản, các địa phương và doanh nghiệp đưa ra nhằm giúp ngành nuôi tôm Việt Nam vừa thích ứng với dịch bệnh vừa giữ được đà tăng trưởng cao trong nuôi trồng và xuất khẩu.

Thu hoạch tôm ở Sóc Trăng.

Tại Hội nghị “Phát triển ngành tôm và ký quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 28 tỉnh, thành phố ven biển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 11/3, tại tỉnh Sóc Trăng, một loạt giải pháp cơ bản đã được ngành thủy sản, các địa phương và doanh nghiệp đưa ra nhằm giúp ngành nuôi tôm Việt Nam vừa thích ứng với dịch bệnh vừa giữ được đà tăng trưởng cao trong nuôi trồng và xuất khẩu.

thuysan247.com

Năm 2021, ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu bất thường, đặc biệt dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân, khiến nhiều hoạt động kinh tế-xã hội bị ngưng trệ, trong đó có lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

500 doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho 103 thị trường

Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm, những khó khăn đã cơ bản được khắc phục, vì thế nhìn chung năm 2021 vẫn đạt kết quả tốt, cụ thể: Sản lượng tôm nuôi các loại đạt 970 nghìn tấn, tăng 4,3% so với năm 2020, trong đó sản lượng tôm nước lợ đạt 920 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2020. Hơn 500 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm đến 103 thị trường, trong đó có các thị trường xuất khẩu tôm chính của Việt Nam như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Nga và Đài Loan (Trung Quốc)…

Tại hội nghị, hàng loạt hạn chế, khó khăn ảnh hưởng đến nghề nuôi tôm tại các địa phương thời gian qua đã được đưa ra phân tích, rút kinh nghiệm. Ngoài tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất luôn rình rập, nhiều bất cập của ngành tôm vẫn tồn tại dai dẳng nhiều năm nay cũng được nêu ra. Trước hết về giống, hiện nay vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần.

Còn nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch. Đây là những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện, nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh. Đặc biệt, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng hơn 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu cao.

Mặt khác, phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa bảo đảm: Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, hệ thống cấp thoát nước không bảo đảm, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh.

Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do quá trình sản xuất và sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp. Công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao…

Theo Liên minh Thủy sản toàn cầu (GAA), sản lượng tôm của thế giới năm 2021 tăng 8,9% so với năm 2020 và dự báo năm 2022 vẫn tiếp tục tăng. Những ngoại cảnh này cũng tạo nên thách thức, tác động trực diện đối với ngành tôm Việt Nam như: Cạnh tranh tại thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam trở nên gay gắt hơn, giá tôm nguyên liệu thế giới có xu hướng giảm; nhiều thay đổi về quy định kiểm dịch an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nhập khẩu…

Tháo gỡ rào cản kỹ thuật cho ngành tôm tăng trưởng -0

  Cơ sở nuôi tôm giống Duẩn Lan ở xã Xuân Tân, huyện Xuân Trường, Nam Định. (Ảnh AN AN)

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ

Tại hội nghị, đại diện UBND, ngành nông nghiệp, doanh nghiệp các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… (vùng trọng điểm nuôi tôm của cả nước) đã chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi tôm trong ngắn hạn và dài hạn. Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp, năm 2022, diện tích nuôi tôm cả nước đạt 750.000 ha; tôm sú 625.000 ha, tôm thẻ 125.000 ha; sản lượng tôm các loại 980 nghìn tấn, trong đó tôm sú 275.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 675.000 tấn, còn lại là tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 4 tỷ USD, tăng 2,56% so với năm 2021.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2022 ngành nông nghiệp tiếp tục có giải pháp đồng bộ hướng tới phát triển bền vững ngành tôm, cụ thể: tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản 2017, đặc biệt là quan tâm chỉ đạo triển khai đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng); tổ chức triển khai quyết liệt các nội dung được sửa đổi khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 26/2019/NĐ-CP được ban hành; tổ chức liên kết giữa các địa phương nuôi tôm, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất để vừa phát triển sản xuất nuôi tôm, vừa ứng phó có hiệu quả với dịch Covid-19; xây dựng kịch bản sản xuất tôm nước lợ trong điều kiện dịch Covid, bảo đảm không bị động trước biến động của dịch bệnh; triển khai hiệu quả một số đề án, chương trình đã phê duyệt như:

Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025, Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người nuôi trước tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, đồng thời phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững.

Song song đó, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường liên kết để sản xuất an toàn, hạ giá thành và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm; tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam; ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; tập trung hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh…

Bài, ảnh: TÂM THỜI và NGUYỄN PHONG

Nguồn: Theo
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết