Suôn sẻ vụ cá đầu năm

Adv thuysan247
Đầu ra cho sản phẩm là vấn đề khiến nhiều nông dân ở xã Hòa Khương (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) luôn lo lắng, trăn trở khi bắt tay thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt. Song, sau Tết Nhâm Dần 2022, giá các loại cá như: basa, chim, thát lát... đều tăng từ 2 đến 3 ngàn đồng/kg nên bà con phấn khởi vì vụ cá đầu năm được suôn sẻ.

Nông dân xã Hòa Khương (H. Hòa Vang) thu hoạch vụ cá đầu tiên trong năm

Đầu ra cho sản phẩm là vấn đề khiến nhiều nông dân ở xã Hòa Khương (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) luôn lo lắng, trăn trở khi bắt tay thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt. Song, sau Tết Nhâm Dần 2022, giá các loại cá như: basa, chim, thát lát... đều tăng từ 2 đến 3 ngàn đồng/kg nên bà con phấn khởi vì vụ cá đầu năm được suôn sẻ.

thuysan247.com

Ông Phan Tích (thôn Phú Sơn, xã Hòa Khương) trải lòng, trước giờ người nông dân vẫn ngại nhất là đầu ra cho sản phẩm, nhưng bây giờ vấn đề này đã được khắc phục, chúng tôi nuôi bao nhiêu thì bán hết bấy nhiêu. Cá năm nay hút hàng do thị trường trong nước tiêu thụ mạnh. Gia đình ông thu hoạch được 4 tấn cá, sau khi trừ chi phí thu về khoảng 50 triệu đồng. “Nếu trước đây, bà con nuôi cá với tâm lý lấy công làm lời thì hiện nay, nghề nuôi cá nước ngọt đã mang lại nguồn thu nhập cao so với việc trồng lúa và các loại hoa màu. Vì vậy, hết thảy các hộ nuôi cá đều đầu tư kinh phí mở rộng, cải tạo diện tích mặt nước, phát triển nhiều chủng loại cá để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường”, ông Tích chia sẻ.

Cùng với việc xuất bán lứa cá thương phẩm đầu tiên trong năm, các hộ nuôi cá cũng đang tích cực chuẩn bị cho vụ mới. Ông Nguyễn Văn Tâm (thôn 5, xã Hòa Khương) có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề bộc bạch, theo kinh nghiệm tháng 2, tháng 3 là thời điểm giao mùa nên các loại cá nước ngọt dễ mắc một số bệnh thường gặp như bệnh tiêu chảy ở cá trắm, bệnh mỏ neo ở cá mè, bệnh thối vẩy ở cá chép… Vì vậy, để chủ động phòng ngừa và đối phó với dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, từ nay đến hết tháng 3, địa phương vận động bà con thu hoạch hết lứa cá thương phẩm bán sau Tết. Tiếp đó, khẩn trương thực hiện vệ sinh phòng bệnh 100% diện tích ao hồ. Các hộ nuôi cá sẽ tẩy dọn ao đầm, tuân thủ mùa vụ nuôi thả, quản lý chất lượng nguồn nước và chăm sóc thủy sản nhằm đảm bảo hạn chế tối đa mầm bệnh.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí, là vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của huyện, Hòa Khương có gần 350 hộ nuôi cá dàn trải trên địa bàn 10 thôn với tổng diện tích mặt nước 62ha. Đến thời điểm này, địa phương đã thu hoạch được gần 400 tấn cá thương phẩm với doanh thu hơn 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm TP còn hỗ trợ địa phương xây dựng mô hình “Nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng an toàn sinh học” để từng bước giúp người nông dân tiếp cận kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, hạn chế tối đa dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường… “Có thể nói, thời gian qua, tình trạng thực phẩm bẩn không đảm bảo chất lượng là một vấn đề nóng được dư luận quan tâm và chính quyền TP đã có những chủ trương, chính sách nhằm ngăn chặn, hạn chế các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo quy định. Vì vậy, các hộ nuôi cá nhận thức được việc quản lý ao đầm tốt để tăng giá trị, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích nuôi, tạo ra sản phẩm thủy sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng; góp phần phát triển bền vững mô hình nuôi cá nước ngọt tại địa phương”, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Chí Trí cho biết thêm.

(Theo CAND)

Nguồn: Theo CAND
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết