Phòng tránh các loại dịch bệnh trên cá tra

Adv thuysan247
Cá tra là thủy sản nuôi chủ lực tại tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL để chế biến xuất khẩu. Hiện nay, người nuôi cá tra có thuận lợi khi gần đây giá cả cá tra thương phẩm phục hồi và tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, ngành cá tra cũng đối mặt với nguy cơ 'phát triển nóng' về diện tích nuôi dẫn đến thiếu hụt nguồn con giống chất lượng và khả năng bùng phát các loại dịch bệnh trên cá tra nếu không có giải pháp chủ động phòng tránh

Thu hoạch cá tra tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Cá tra là thủy sản nuôi chủ lực tại tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL để chế biến xuất khẩu. Hiện nay, người nuôi cá tra có thuận lợi khi gần đây giá cả cá tra thương phẩm phục hồi và tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, ngành cá tra cũng đối mặt với nguy cơ 'phát triển nóng' về diện tích nuôi dẫn đến thiếu hụt nguồn con giống chất lượng và khả năng bùng phát các loại dịch bệnh trên cá tra nếu không có giải pháp chủ động phòng tránh

thuysan247.com

Nguy cơ thiệt hại từ dịch bệnh

Người nuôi cá tra cũng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn và thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai và các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng tăng. Đáng chú ý, năm 2020 tổng diện tích cá tra được ghi nhận bị thiệt hại do bệnh là 1.426ha tại 37 xã, phường thuộc 13 quận, huyện của 4 tỉnh, thành phố. Các bệnh thường gặp gồm: bệnh gan thận mủ, bệnh do ký sinh trùng, bệnh xuất huyết… Năm 2021, dịch bệnh trên cá tra ghi nhận tiếp tục xảy ra tại 32 xã của 13 huyện thuộc 2 tỉnh, với diện tích 501ha. Đó là tại 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Đầu năm 2022 đến nay, các tỉnh như Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp đã ghi nhận có hơn 14ha cá tra nuôi bị các bệnh gan thận mủ, xuất huyết và bệnh do ký sinh trùng.

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dự báo trong thời gian tới diện tích cá tra nuôi bị mắc bệnh có thể sẽ tiếp tục giảm và xuất hiện trong phạm vi hẹp. Tuy nhiên, hiện nay do giá cá tra cao và thị trường đang có nhu cầu lớn…nên một số cơ sở nuôi có thể mở rộng sản xuất mà không quan tâm đúng mức đến phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp. Đặc biệt, các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kéo dài, mưa lũ, bão lụt, xâm nhập mặn… làm môi trường nuôi bị thay đổi và tác động xấu đến sức khỏe cá nuôi. Từ đó, tạo thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển và gây bệnh cho cá tra. Trong khi công tác phòng, chống dịch bệnh trên cá tra và thủy sản nói chung tại nhiều địa phương còn gặp khó khăn và hạn chế. Đáng chú ý là việc tổng hợp, thống kê, giám sát, phát hiện và báo cáo tại các địa phương còn yếu và chưa đầy đủ. Mặc dù đã có các quy định, hướng dẫn rất cụ thể nhưng do thiếu kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và năng lực cán bộ được giao nhiệm vụ nên việc ghi chép thông tin từ tuyến cơ sở không đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tốc độ chuyển tải thông tin. Các doanh nghiệp và cơ sở nuôi cá tra cũng chưa thực hiện tốt khai báo bệnh cho cơ quan chuyên môn. Do vậy, gây khó khăn cho việc tổng hợp, phân tích, đánh giá và nhận định cảnh báo về tình hình dịch bệnh.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi cá tra chưa chủ động triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh tại cơ sở, đa số là không có kế hoạch giám sát. Hầu hết các cơ sở nuôi khi có thủy sản bị bệnh thường xả thải nước ao bệnh ra ngoài môi trường, dẫn đến các loại mầm bệnh dễ phát tán rộng trong vùng nuôi và gây bệnh ở diện rộng. Trong khi đó, chất lượng nguồn con giống bán trên thị trường cũng chưa thật sự được đảm bảo, nhất là con giống sạch bệnh.

Cần giải pháp đồng bộ

Để chủ động phòng, tránh các loại dịch bệnh trên cá tra, đòi hỏi cần có sự phối hợp và vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan. Đặc biệt, các hộ dân và cơ sở nuôi cá tra cần xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh chủ động, gắn với xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh để xuất khẩu. Thực hiện nghiêm túc các quy định về việc khai báo dịch bệnh, chỉ sử dụng con giống đã qua kiểm dịch và có chất lượng tốt. Sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm. Quan tâm xử lý đối với nước cấp, nước thải để tiêu diệt mầm bệnh, giảm thiểu nguy cơ gây bệnh hoặc phát tán mần bệnh cho cá tra.

Ngành chức năng các địa phương cần làm tốt công tác thông tin, cảnh báo về dịch bệnh và chủ động xây dựng, triển khai chương trình giám sát dịch bệnh trên cá tra theo các chương trình, kế hoạch và quyết định của Trung ương. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh và quan trắc môi trường một cách đồng bộ để phục vụ tốt cho nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, kiểm dịch cá giống nhằm giảm thiểu con giống mang mầm bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, dịch bệnh khi xảy ra dù tỷ lệ nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đến sản xuất do cá tra thường thả nuôi mật độ dày. Từ lúc thả con giống đến thu hoạch cá thương phẩm, dù tỷ lệ hao hụt chỉ khoảng 4-5% cũng sẽ góp phần làm đội giá thành nuôi cá tra lên rất cao. Do vậy, cần có sự phối hợp tốt giữa các địa phương quản lý chặt chẽ chất lượng nguồn con giống, đảm bảo tất cả con giống khi cung ứng ra thị trường và đến tay người nuôi phải được kiểm dịch và đạt chất lượng theo yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, cho rằng: "Để phòng, chống dịch bệnh cá tra cần chủ động xây dựng kế hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24-3-2021 về phê duyệt Kế hoạch Quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2030, trong đó có con cá tra. Căn cứ theo đó, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp thực tế tại địa phương mình". Theo ông Long, các tỉnh cần khẩn trương báo cáo, tham mưu UBND cấp tỉnh phê duyệt các kế hoạch của địa phương liên quan đến phòng, chống dịch bệnh thủy sản, trong đó có dịch trên cá tra, nhấn mạnh tập trung vào giám sát, cảnh báo, xử lý các ổ dịch và kiểm soát tình hình sử dụng thuốc kháng sinh và các loại hóa chất trong phòng trị bệnh cho cá. Đồng thời, các địa phương cần tổ chức theo dõi, giám sát và lấy mẫu để xác định xem mức độ lưu hành các mầm bệnh, nhất là những bệnh nguy hiểm có ảnh hưởng đến phát triển nuôi cá tra như bệnh gan thận mủ và bệnh xuất huyết. Chính phủ cũng đã có quyết định số 414/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030, các địa phương cần khẩn trương báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch tại địa phương và bố trí các nguồn lực để tăng cường năng lực thú y các cấp để đảm bảo nguồn lực tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh trên cá tra và thủy sản nói chung. Tổ chức giám sát, đôn đốc, kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn: Theo Báo Cần Thơ
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết