Nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh

Adv thuysan247
Nuôi trồng thủy sản (NTTS) thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất đã và đang được nhiều hộ dân ở các địa phương ven biển của tỉnh áp dụng. Nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả, cho năng suất, chất lượng cao, mở ra hướng đi mới cho ngành thủy sản.

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất đã và đang được nhiều hộ dân ở các địa phương ven biển của tỉnh áp dụng. Nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả, cho năng suất, chất lượng cao, mở ra hướng đi mới cho ngành thủy sản.

thuysan247.com

Nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh

Người dân nuôi trồng xã Nga Thủy (Nga Sơn) từng bước chuyển đổi diện tích nuôi quảng canh sang nuôi trồng thủy sản thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Quảng Xương có 1.317 ha NTTS; trong đó, có 726 ha diện tích vùng triều, 591 ha diện tích NTTS nước ngọt. Trong thời gian qua, huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ NTTS phát triển các mô hình thâm canh NTTS nước mặn, lợ, ngọt. Kết quả, từ năm 2015 đến nay trên địa bàn đã xây dựng được 14 mô hình NTTS thâm canh ứng dụng khoa học và công nghệ. Nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng, như: mô hình nuôi tôm sú, cua thương phẩm theo hướng VietGAP, với quy mô trên 100 ha; nuôi cá nước ngọt theo tiêu chuẩn VietGAP, với quy mô trên 50 ha; nuôi cá lóc trong bể xi măng theo tiêu chuẩn VietGAP, với quy mô trên 60 tấn/năm; nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp hướng VietGAP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Ngoài ra, huyện Quảng Xương còn tập trung vào lĩnh vực nhân giống NTTS chất lượng cao, cung cấp con giống đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường, như: nhân giống cá chép, cá rô phi bố mẹ, với quy mô 80 triệu con cá bột/năm; nhân giống tôm sú, cua, với quy mô trên 45 triệu con/năm…

Để từng bước xóa bỏ tình trạng nuôi quảng canh, tập trung đầu tư thâm canh, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng 10 vùng NTTS ở các xã Nga Tân, Nga Thủy (Nga Sơn); Xuân Lộc (Hậu Lộc); Hoằng Đạt, Hoằng Thắng, Hoằng Lưu, Hoằng Châu, Hoằng Phong (Hoằng Hóa); các xã Quảng Chính, Quảng Khê (Quảng Xương)… Đồng thời, thành lập các tổ cộng đồng, HTX NTTS tại các vùng nuôi nhằm hỗ trợ nhau trong dịch vụ đầu vào, kỹ thuật nuôi cũng như tiêu thụ, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung và thị xã Nghi Sơn phát triển nuôi thâm canh, siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng trong nhà màng, nuôi bể. Ngoài ra, nhân giống và đưa vào sản xuất một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, như: tôm sú, cua xanh, ngao Bến Tre, cá bống bớp, hàu Thái Bình Dương…

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, dù hình thức nuôi thâm canh được người dân quan tâm thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, diện tích nuôi theo hình thức này vẫn thấp, nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành những vùng quy mô lớn; chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này để hình thành chuỗi liên kết. Điều kiện hạ tầng NTTS nước lợ phần lớn chỉ đáp ứng cho hình thức nuôi tôm quảng canh với năng suất nuôi thấp do hệ thống cấp thoát nước chung nhau, hệ thống giao thông không thuận lợi, nhiều nơi thiếu nước, nhất là thời điểm chuẩn bị cho vụ nuôi mới… nên gặp khó khăn khi phát triển nuôi thâm canh. Phần lớn các hộ nuôi vẫn tự sản xuất theo mùa vụ, phải chủ động tìm đầu ra hoặc mang ra chợ bán lẻ… Để từng bước khắc phục tình trạng trên, hướng tới mở rộng diện tích NTTS thâm canh, góp phần giảm thiểu dịch bệnh, tăng năng suất, Chi cục Thủy sản và các địa phương tập trung kêu gọi các nguồn lực để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, giám sát môi trường nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng thâm canh. Khuyến khích các hộ NTTS theo hướng liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất trang trại cũng như hình thành các HTX NTTS để xây dựng thương hiệu, tạo mối liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Tích cực hợp tác, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu khoa học để nhận chuyển giao, áp dụng công nghệ sản xuất giống, phòng trị bệnh, dịch vụ thú y thủy sản, hỗ trợ nghiên cứu thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác khuyến nông và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến người NTTS.

Lê Hợi

Nguồn: Theo baothanhhoa.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết