Nhằm phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Bình (Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn) đã thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà lưới tại xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy.
Mô hình đã góp phần tăng năng suất, giảm rủi ro, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời, mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng cho nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Thời gian qua, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: thiên tai, dịch bệnh, môi trường ao nuôi bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, các chi phí đầu tư con giống, thức ăn… luôn biến động, trong khi giá bán tôm thương phẩm lại lên xuống thất thường. Từ những khó khăn này, việc cải tiến quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản góp phần tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi, nâng cao thu nhập của người dân trở thành nhu cầu cấp thiết.
Anh Nguyễn Minh Giáp ở xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) là một trong những hộ nuôi tích cực ứng dụng công nghệ mới vào quy trình nuôi tôm, đem lại hiệu quả cao trên địa bàn. Năm 2020, được sự hỗ trợ của Trung tâm Giống thủy sản Quảng Bình, anh đã triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn trong nhà lưới với diện tích hơn 1.000m2. Sau một thời gian chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vụ tôm của gia đình anh đạt năng suất cao với gần 5 tấn, đem lại thu nhập hơn 470 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Hồ nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao của anh Nguyễn Đại Dũng (xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy).
Anh Giáp cho biết, trước đây, anh nuôi tôm ao bạt 1 năm 2 vụ nhưng thu nhập không được là bao vì mất nhiều chi phí cho khâu xử lý dịch bệnh. Từ khi chuyển qua mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn trong nhà lưới, gia đình anh tiết kiệm được công chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho tôm, tôm phát triển tốt, đạt năng suất cao, trong khi chi phí lại giảm.
Từ hiệu quả của mô hình, anh Giáp đã mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà lưới. Hiện tại, gia đình anh nuôi 2 ao tôm với diện tích gần 5.000m2. Được biết, 1 năm anh nuôi 2 vụ tôm, cho thu nhập hơn 900 triệu đồng.
Năm 2020, từ nguồn ngân sách tỉnh, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Bình đã triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà lưới tại xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy). Mô hình được thực hiện tại hai hộ dân là anh Nguyễn Minh Giáp và Nguyễn Đại Dũng ở xã Ngư Thủy Bắc. Tham gia mô hình, mỗi hộ dân được trung tâm hỗ trợ 50% chi phí mua tôm giống và 50% chi phí thức ăn công nghiệp, hóa chất, bạt HDPE và lưới che nắng cho tôm.
Theo chị Đoàn Thị Loan, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Giống thủy sản Quảng Bình, thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà lưới, mỗi hộ dân thả 400.000 con giống tôm thẻ post 12 vào ao ương giai đoạn 1 là bể nổi có diện tích 150m2 và nuôi trong vòng 25 ngày. Sau đó, tôm sẽ theo dòng chảy tự nhiên sang ao ương giai đoạn 2 có diện tích 500-800m2. Ao ương được bố trí hệ thống sục khí đáy, quạt nước và có hệ thống lưới lan che phủ 60% diện tích mặt ao.
Tôm sau khi nuôi từ 25-30 ngày, đạt kích cỡ 200-250 con/kg thì chuyển sang ao nuôi thương phẩm. Ao nuôi thương phẩm được lót bạt HDPE ở đáy và có hệ thống lưới che nắng có độ che phủ 50-60% mặt nước; trong ao bố trí quạt nước và lắp máy cho ăn tự động cách bờ 8-12m.
Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà lưới sau 3 tháng thì có thể xuất bán với khối lượng bình quân 45-50 con/kg, đạt sản lượng gần 6,5 tấn tôm thương phẩm/hộ nuôi. Với giá bán tôm thẻ 160.000 đồng/kg, ước tính mang về cho mỗi hộ nuôi lợi nhuận trên 400 triệu đồng.
Thực hiện mô hình, các hộ dân phải làm ao ương để kiểm soát tôm giống trong 25-30 ngày đầu tiên rồi mới thả xuống ao. Điều này sẽ góp phần tránh cho tôm bị hoại tử gan tụy vì dịch bệnh này có tần suất xuất hiện cao nhất là ở tôm từ 20-45 ngày tuổi, giúp tiết kiệm được gần 70% chi phí thức ăn. “Áp dụng quy trình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn trong nhà lưới đã giúp cho môi trường ao nuôi sạch hơn, thuận tiện cho việc chăm sóc và quản lý, nhờ đó, tôm sinh trưởng, phát triển tốt.
Nuôi tôm theo công nghệ này sẽ nuôi được nhiều vụ trong năm nhờ rút ngắn thời gian cải tạo ao, ít bị dịch bệnh do quy trình nuôi khép kín; đồng thời, hạn chế tối đa việc xả thải ra môi trường”, chị Loan cho hay.
Anh Nguyễn Đại Dũng, xã Ngư Thủy Bắc nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn trong nhà lưới diện tích 1.200m2. Sau 3 tháng nuôi, anh thu hoạch được 6 tấn, 35 con/kg cho thu nhập hơn 900 triệu đồng.
Anh Dũng chia sẻ: “Trước đây, môi trường nuôi tôm thường bị ô nhiễm, phải sử dụng kháng sinh, không quản lý được thức ăn, rủi ro cao. Nuôi công nghệ cao tuy mật độ thả nuôi dày nhưng không dùng kháng sinh, quản lý được thức ăn, môi trường. Nuôi tôm đạt tỷ lệ thành công lên đến 80%, năng suất tôm tăng gấp nhiều lần so với nuôi ao đất truyền thống. Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá tôm không xuống thấp thì với 6 tấn tôm loại to (giá bán 260.000 đồng/kg) gia đình tôi phải thu về hơn 1,5 tỷ đồng”.
Theo Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Quảng Bình Phan Duy Thành, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà lưới không chỉ giúp các hộ nuôi giảm chi phí chăm sóc, ít dịch bệnh mà còn đem lại thu nhập cao cho người dân. Hiện tại, không chỉ có hộ anh Nguyễn Minh Giáp, Nguyễn Đại Dũng mà rất nhiều hộ dân ở xã Ngư Thủy Bắc và các vùng lân cận đã học hỏi và nhân rộng mô hình.
Thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà lưới, người dân có cơ hội áp dụng công nghệ tiên tiến vào nuôi trồng để từng bước hướng đến phát triển nghề nuôi tôm bền vững.
Nguồn: Theo báo Quảng Bình Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết