Nóng bỏng sản xuất, kinh doanh giữa đại dịch

Adv thuysan247
Cuối tháng 8/2021, tình hình sản xuất, kinh doanh thủy sản vẫn bị bủa vây giữa nhiều khó khăn thắt ngặt, tin tức về sự ách tắc chuỗi cung – cầu khiến nhiều nhà máy phải tạm dừng hoạt động và nỗ lực tháo gỡ đang nóng bỏng từng ngày.

Cuối tháng 8/2021, tình hình sản xuất, kinh doanh thủy sản vẫn bị bủa vây giữa nhiều khó khăn thắt ngặt, tin tức về sự ách tắc chuỗi cung – cầu khiến nhiều nhà máy phải tạm dừng hoạt động và nỗ lực tháo gỡ đang nóng bỏng từng ngày.

thuysan247.com

Tạm dừng và bị khởi tố

Ngày 22/8/2021, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT cho biết, ở các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội đã có 123 nhà máy chế biến thủy sản phải tạm dừng sản xuất. Trong đó, có 19 nhà máy phát hiện công nhân nhiễm dịch bệnh buộc phải phong tỏa để ngăn chặn lây lan; còn 104 nhà máy không thể duy trì sản xuất “3 tại chỗ” vì tốn kém, vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Cũng theo Tổ công tác 970, ở các tỉnh phía Nam chỉ còn 326/449 (chiếm 65%) cơ sở chế biến duy trì được sản xuất. Nhưng ở các nhà máy này, công nhân chia nhau làm nên công suất trung bình chỉ đạt khoảng 30 – 40% so trước khi xảy ra dịch.

Tại TP Cần Thơ, theo báo cáo của Sở Công thương, tính đến ngày 16/8/2021, trong tổng số doanh nghiệp thành phố đang theo dõi là 1.090 với 69.893 lao động, đã tạm dừng 94,68% doanh nghiệp với 93,35% lao động. Trong các khu công nghiệp và chế xuất có 170 doanh nghiệp với 40.526 lao động, đã dừng 88,24% doanh nghiệp với 94,32% lao động. Ngoài khu công nghiệp có 920 doanh nghiệp với 29.367 lao động, đã dừng 95,5% doanh nghiệp với 92,06% lao động.

Ở tỉnh Cà Mau, ngày 21/8/2021, Công an TP Cà Mau đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” xảy ra tại Công ty Thủy sản Thành Tâm do ông Nguyễn Chí Tâm làm Giám đốc. Điều tra bước đầu, Công ty Thủy sản Thành Tâm ngưng hoạt động từ ngày 29/7/2021 đến 15/8/2021 nhưng ngày 16/8/2021 lại nhập tôm để chế biến. Ngày 21/8/2021, xét nghiệm có một nữ công nhân nhiễm COVID-19, truy vết được 86 F1 và 213 F2. Công ty bị khởi tố vì hoạt động kinh doanh khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Cần linh hoạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh mùa COVID. Ảnh: Vũ Mưa

Ngày 22/8/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có văn bản hỏa tốc chỉ đạo kiểm tra tất cả cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng kiểm tra tình hình hoạt động; việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch và kiên quyết không cho hoạt động các doanh nghiệp chưa xiết chặt phòng, chống dịch.

Ách tắc và nỗ lực tháo gỡ

Tỉnh Bạc Liêu đang xây dựng trung tâm tôm công nghệ cao của ĐBSCL, Giám đốc Sở NN&PTNT Lưu Hoàng Ly cho biết, dự kiến năm nay sản lượng tôm đạt 50.106 tấn và bán ra thị trường 45.000 tấn. Hiện các nhà máy chế biến trong tỉnh vẫn thu mua, tuy nhiên giảm công suất và một số đơn vị còn tạm đóng cửa nên sản lượng mua ít, khiến giá giảm từ 15 – 20%.

Tại tỉnh Bến Tre, hải sản đánh bắt từ biển về cũng bị tồn đọng dưới hầm tàu số lượng lớn. Cảng cá Bình Đại lớn nhất tỉnh Bến Tre, bình quân một ngày tàu đánh bắt xa khơi đem về 300 – 350 tấn hải sản, nhưng cảng chỉ tiếp nhận bốc dỡ được 60 – 70 tấn. “Còn những ngày gần đây cao hơn, có ngày gần 30 tàu về với sản lượng khoảng 600 tấn thì hải sản tồn đọng dưới hầm tàu càng lớn hơn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân cho biết.

Năng lực tiếp nhận của Cảng cá Bình Đại giảm vì thực hiện giãn cách xã hội, một ngày chỉ có thể cập cảng bốc dỡ được 8 tàu. Việc bốc dỡ hải sản từ tàu lên cảng rất chậm do thiếu lao động, thực hiện “3 tại chỗ” nên lao động phải nghỉ nhiều. Trước tình hình khoảng 80% sản lượng hải sản đánh bắt về bị ứ đọng dưới hầm tàu kéo dài, tuần qua huyện Bình Đại tổ chức đội hỗ trợ với trên 90 dân quân tự vệ từ các xã “vùng xanh” đến bốc dỡ hải sản tồn đọng. Về lâu dài, huyện kiến nghị tỉnh cho phép lao động được lưu trú ở các nhà trọ gần cảng, cùng với cảng làm thành khu vực “3 tại chỗ” để giải quyết vấn nạn thiếu lao động. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho hay, cơ bản tỉnh đồng ý nhưng huyện phải có phương án cụ thể tổ chức cho lao động ăn nghỉ và lịch trình từ nhà trọ đến cảng đảm bảo “3 tại chỗ” đúng quy định.

Tỉnh Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra và ếch lớn nhất ĐBSCL, chú trọng kết nối nhiều kênh thương mại điện tử để tiêu thụ. Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Phương Thủy cho biết, chỉ hai ngày 19 và 20/8, đã hỗ trợ tiêu thụ được trên 300 tấn cá tra và ếch. HTX đặc sản Đồng Tháp đang trao đổi với Sở Công thương TP Hà Nội để kết nối tiêu thụ ếch ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh, kết nối để đưa lên sàn thương mại điện tử của Tiki, dự kiến phối hợp thực hiện Tuần hàng nông sản Đồng Tháp.

Tổ công tác 970 Bộ NN&PTNT vẫn hoạt động tích cực, kết nối tiêu thụ nông sản cho các tỉnh Nam bộ, đến nay đã có 1.250 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký. Sản phẩm gồm thủy, hải sản; rau củ quả các loại; trái cây các loại; trứng và thịt; lương thực; nông sản chế biến và thực phẩm thiết yếu khác.

Đặc biệt, Tổ công tác 970 triển khai thí điểm chương trình túi an sinh kết hợp 5 loại nông sản tổng trọng lượng 10 kg/túi (combo 10 kg/túi) đang mở ra nhiều kỳ vọng.

Chương trình combo đã thúc đẩy việc xây dựng mạng lưới nhà kho và đường dây cung cấp chỉ riêng cho TP Hồ Chí Minh mỗi ngày từ 80.000 – 100.000 túi (tương đương 800 – 1.000 tấn). Trong lúc, vùng ĐBSCL đã đăng ký khả năng cung cấp một ngày gần 5.000 tấn hàng các loại. Kết nối cung cấp thông qua nhiều ứng dụng của Zalo, Facebook, email.

Sáu Nghệ

Nguồn: Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết