Nhân ngày mất của Bác, tập thể ban biên tập ThuySan247 kính dâng lên bác nén nhang từ miền Nam yêu dấu.
Bài viết này tôi sẽ dành để sưu tầm những điều thú vị, những điều mà có thể các bạn cũng chưa được biết về Người
Bác Hồ và số 9 đặc biệt
* Bác sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 (ở thế kỷ 19)
* Sau cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945, thay mặt Chính phủ lâm thời cách mạng, Người đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cũng từ ngày đó, Bác trở thành vị Chủ tịch nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
* Ngày 19 tháng 12 năm 1946, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, Bác có một câu nói nổi tiếng và đã trở thành quyết tâm của cả dân tộc: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Câu nói này có 19 từ.
* Trước khi vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tại Đền Giếng thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Bác đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong và Trung đoàn 57: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói lịch sử này được Bác nói vào ngày 19 tháng 9 năm 1954.
Ngày 17 tháng 7 năm 1966, trong Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Bác Hồ đã nói một câu bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Câu nói này cũng chỉ có 9 từ và đã trở thành chân lý của thời đại.
Bác Hồ từ trần vào năm 1969, thọ 79 tuổi. Đặc biệt, trong Di chúc, Bác đã viết một đoạn rất xúc động về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình như sau: “Về việc riêng, suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Đoạn viết này cũng chỉ vỏn vẹn có 79 từ.
* Ngay cả tên Người – Hồ Chí Minh cũng được ghép lại bởi 9 âm tiết. Có một điều kỳ lạ và rất linh thiêng là ngày Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1945 – ngày lịch sử trọng đại nhất của dân tộc Việt Nam cũng là Ngày Bác Hồ về cõi vĩnh hằng 24 năm sau đó (ngày 2 tháng 9 năm 1969). Lấy ngày sinh, tháng sinh cộng lại (19+5) thì đúng bằng thời gian Bác Hồ trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chữ ký Hồ Chủ tịch: 79 chữ ký trải dài từ những ngày đầu nước nhà độc lập năm 1945 đến 1969
Hai câu chuyện ít biết về Bác:
May áo cho… cái quạt
Những dịp theo Bác đi khảo sát tình hình thời sự ở Trung Quốc, ông mới thực sự nhận thấy tính hóm hỉnh của Người. Va li quần áo của Bác chỉ có hai chiếc quần đùi, hai chiếc áo may ô và một bộ trang phục để tiếp khách thế nhưng Bác luôn dặn ông phải hết sức cẩn thận cất giữ chiếc va li như báu vật, nếu đi đâu ra khỏi phòng phải cho vào tủ khoá lại. Thấy ông ngạc nhiên, Bác bảo “Đây là bí mật quốc gia, đừng tiết lộ ra ngoài”. Sau này, ông mới hiểu, Bác không muốn người nước ngoài nhìn thấy sự quá giản dị của một vị lãnh tụ.
Khi về nước, Ban chấp hành TW Đảng Trung Quốc có tặng Bác một chiếc quạt điện, Bác không dùng mà bảo ông: “Chú may cho cái quạt này một chiếc áo rồi cất đi, bao giờ dân có Bác mới dùng”. Không dám cãi lời Bác, ông cất đi, trong lòng vừa thấy vui vì sự hóm hỉnh của Bác lại vừa thấy xót xa.
Trong một lần đi quan sát tại Định Hoá – Thái Nguyên, khi ông đang “ngộp thở” trước tiếng reo hò của bà con trong xã thì thấy Bác chỉ tay lên khẩu hiệu bên trên và nói: “Này chú ơi, cái xã này giỏi lắm nhé, thấy Bác đến liền giăng ngay khẩu hiệu Hồ Chủ Tịch muốn nằm”. Ông nhìn theo tay Bác chỉ và chợt bật cười, thay cho “Hồ Chủ Tịch muôn năm” là “Hồ Chủ tịch muốn nằm”. Sau đấy, Bác nhắc nhở anh chị em phải chịu khó rèn rũa, học câu chữ cho chính xác, tránh những trường hợp sai sót đáng cười.
“Tiết kiệm tiền cho nhân dân Liên Xô”
Năm 1955, Hồ Chủ Tịch cùng phái đoàn Việt Nam đi cám ơn các nước XHCN trong đó có Liên Xô, tại đây họ đã tiếp đón Hồ Chủ Tịch theo đúng tiêu chuẩn một vị lãnh tụ, nhưng chính điều đó lại làm cho Bác rất phiền lòng. Hàng ngày, Mỗi bữa ăn là một bàn tiệc. Hai lần Bác bảo ông Văn nhắc họ đừng làm như thế nữa nhưng phía bạn vẫn cứ theo lễ tiếp đón nguyên thủ quốc gia. Lần thứ ba, Bác mời tất cả những cán bộ trong nhà khách cùng bảo vệ vào ăn, khi ăn xong Bác mới mời người quản lý ra và bảo:”Đấy chú xem, cả chục người ăn còn không hết huống hồ chúng tôi chỉ có hai người. Lần sau, chú đừng làm như thế nữa, đây là tôi tiết kiệm tiền cho nhân dân Liên Xô“. Về sau, trước khi đến bữa ăn, người phụ trách lại ra hỏi Bác xem hôm nay Người muốn ăn gì? Còn ông Văn lại có thêm một cơ hội để học hỏi đức tính của Người.
Nguồn: Theo Sưu tầm và theo Việt Báo Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết