Nhơn Trạch tạo điều kiện để bà con nông dân nuôi tôm theo hướng hiện đại cho thu nhập cao

Adv thuysan247
Nhơn Trạch đang hướng người dân chuyển sang nuôi tôm hiện đại bằng công nghệ mới cho thu nhập ổn định, năng suất cao.

Nhơn Trạch đang hướng người dân chuyển sang nuôi tôm hiện đại bằng công nghệ mới cho thu nhập ổn định, năng suất cao.

thuysan247.com

Huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai được biết đến là vùng nuôi thủy sản lớn nhất tỉnh Đồng Nai và hiện nay càng phát triển mạnh hơn. Toàn huyện Nhơn Trạch hiện có hơn 2,2 ngàn ha diện tích nuôi thủy sản, chủ yếu là tôm. Để tôm phát triển mạnh, kinh tế nông thôn ổn định hơn, thời gian qua huyện Nhơn Trạch khuyến khích người dân nuôi tôm theo hướng hiện đại, không đi theo lối mòn truyền thống như xưa.

Nhơn Trạch tạo điều kiện để bà con nông dân nuôi tôm theo hướng hiện đại cho thu nhập cao

Nuôi tôm hiện đại

Theo Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, hiện trên địa bàn có hơn 1,5 ngàn ha diện tích nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến, năng suất bình quân 3 tấn/ha/vụ, lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng/ha/năm. Khoảng 330 ha diện tích nuôi tôm thâm canh, trong đó, thâm canh bình thường năng suất đạt 6 tấn/ha/vụ, lợi nhuận khoảng 270 triệu đồng; thâm canh tôm thẻ chân trắng theo công nghệ CP năng suất đạt 60-80 tấn/ha/vụ, lợi nhuận có thể đạt 3 tỷ đồng nếu thực hiện được 4 vụ.

“Nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ CP giúp người nuôi kiểm soát được mật độ, tỷ lệ hao hụt giống, chất lượng nguồn nước, nguồn thức ăn, chất thải nên lợi nhuận cao. Huyện tiếp tục khuyến khích phát triển mô hình này nhằm giải quyết bài toán về kinh tế, dịch bệnh, môi trường”, đại diện Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch chia sẻ.

Trong 330 ha diện tích nuôi tôm thâm canh có khoảng 100 ha diện tích nuôi tôm thâm canh theo công nghệ CP tại các xã Vĩnh Thanh, Phước An. Theo người nuôi, hạn chế của mô hình này là vốn đầu tư lớn. Đối với ao chìm, phải xây bờ bao bằng bê tông. Ao nổi phải làm khung sắt để cố định ao trên mặt đất. Ngoài ra, phải lót bạt đáy, đầu tư hệ thống đường dẫn thức ăn, đường thu chất thải, máy tạo oxy chạy liên tục 24/24 giờ, máy phát điện. Như vậy tôm sẽ khoẻ mạnh, dễ chăm sóc hơn và hạn chế được các loại bệnh lặt vặt ở tôm.

Vài năm gần đây, ông Nguyễn Trường Đại ngụ huyện Nhơn Trạch đang giàu lên nhờ nuôi tôm. Ông Đại cho biết, đầu những năm 2000, ông là một trong số ít hộ tiên phong trong xã tiến hành cải tạo ruộng lúa nuôi tôm. Việc nuôi tôm phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên có mùa trúng, mùa thất. Năm 2015, ông quyết định chuyển từ mô hình nuôi tôm truyền thống bằng ao đất sang nuôi tôm công nghệ cao.

ao tom.

Ảnh minh họa

Trên diện tích 4ha, ông chia thành các vuông tôm có diện tích nhỏ. Ao nuôi tôm được thiết kế dạng lòng chảo, đường ống biogas được nối đến giữa ao để hút các chất thải, chất bẩn lắng xuống khu trũng để làm phân bón trồng trọt. Ông lót bạt dưới đáy, phủ lưới bên trên. Trước mỗi đợt xuống tôm giống, ông thả vôi bột và phơi ao để khử trùng. Ông Đại cũng tiến hành xử lý nguồn nước đầu vào bằng cách dùng men vi sinh chứa vi khuẩn có lợi cạnh tranh, ức chế với vi khuẩn có hại. Nhờ áp dụng quy trình này, trung bình 90 ngày, tôm đạt trọng lượng khoảng 25-30 con/kg và có thể xuất bán.

“So với cách nuôi trong ao đất, nuôi tôm theo hình thức lót bạt dưới, phủ lưới trên giúp tôi kiểm soát được nguồn nước, nhiệt độ trong ao, từ đó hạn chế được dịch bệnh do ô nhiễm nguồn nước, tăng giảm nước đột ngột khi mưa lớn. Trung bình mỗi năm tôi nuôi được từ 3-4 vụ/năm, mật độ nuôi dày hơn gấp nhiều lần so với cách nuôi thông thường, do đó lợi nhuận tốt hơn. Với giá bán ổn định trên 150.000 đồng/kg tôi thu lợi khoảng 1,5 tỷ đồng”, ông Đại cho biết.

Ngoài ông Đại ra thì còn rất nhiều hộ khác như bà Liên, ông Tư, ông Chín, bà Lan,… cũng đã thành công nhờ mạnh dạn đầu tư nuôi tôm theo hướng hiện đại.

Và để hỗ trợ nông dân chuyển sang mô hình nuôi tôm thâm canh theo công nghệ CP, huyện Nhơn Trạch đầu tư đường giao thông, đường điện, hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi thủy sản; thành lập tổ hợp tác nuôi tôm tại các xã; phát triển vùng nuôi tôm VietGAP. Cùng với đó kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật trong vùng nuôi tôm, đầu tư phát triển các dự án nuôi thủy sản bền vững trên địa bàn,…

Nguồn: Theo Pháp luật Plus
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết