Nguyên liệu kéo giảm lợi nhuận

Adv thuysan247
Vấn đề nguyên liệu cho chế biến thủy sản xuất khẩu luôn là bài toán khiến doanh nghiệp đau đầu. Bởi nguồn nguyên liệu ít, giá thành cao, chất lượng không như mong muốn đã làm cho khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp không như mong muốn.

Ảnh minh họa

Vấn đề nguyên liệu cho chế biến thủy sản xuất khẩu luôn là bài toán khiến doanh nghiệp đau đầu. Bởi nguồn nguyên liệu ít, giá thành cao, chất lượng không như mong muốn đã làm cho khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp không như mong muốn.

thuysan247.com

Không đủ nhu cầu

Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu, trong một lần trả lời báo chí đã cho biết, nguồn cung nguyên liệu hải sản trong nước đang dần cạn kiệt. Kích cỡ hải sản ngày càng thấp, không đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngày trước, tàu cá đi biển khoảng 1 tháng thì nay phải 2 tháng hoàn thành chuyến biển nên việc bảo quản hải sản không được bảo đảm.

Trước đây, Công ty ông Dũng chỉ cần tổ chức thu mua tại địa phương và một số tỉnh lân cận là đủ nguyên liệu chế biến xuất khẩu, thế nhưng hiện nay, để có thể đáp ứng được các đơn đặt hàng, doanh nghiệp của ông phải ra tận Khánh Hòa, Cà Mau để thu gom. Bởi, sản lượng đánh bắt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện chỉ khoảng 30% đáp ứng yêu cầu chế biến xuất khẩu.

Tại Kiên Giang, một nhà máy ở tỉnh này cần khoảng 10 tấn nguyên liệu hải sản, nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu. Cái khó là nguồn lợi hải sản hiếm, đặc biệt việc siết chặt khai thác bất hợp pháp khiến nhiều tàu cá không đáp ứng phải nằm bờ… Để khắc phục, nhà máy cắt giảm lợi nhuận để nhập khẩu nguyên liệu, đồng thời, thay vì xuất khẩu thô, sản phẩm được chế biến sâu, đóng gói…

Lo lắng chất lượng

Nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản đều chung nhận xét, nguyên liệu đã khan, chất lượng lại không đảm bảo cho chế biến. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sản lượng khai thác hải sản trên địa bản tỉnh mỗi năm hơn 300.000 tấn. Tuy nhiên, lượng cá bảo đảm chất lượng để chế biến chỉ chiếm khoảng 60%, còn lại là cá phế phẩm. Chưa kể, trong 60% đó, các nhà máy cũng chỉ sử dụng được khoảng 1/3 số lượng, tức là chỉ khoảng 60.000 tấn.

Trên thị trường, nhiều năm nay, hầu như năm nào cũng có doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam “dính” lô hàng bị nước ngoài trả về vì sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn hay vi phạm về hóa chất, kháng sinh và vi sinh vật nằm trong diện cấm của nước nhập khẩu. Mới đây nhất là vụ việc 2 lô tôm nấu chín của Việt Nam vào Australia không được thông quan vào nước này.

Nguyên nhân là bởi hiện nay vấn đề đầu vào của con tôm hay con cá tra còn khá bất cập, tỷ lệ nuôi thành công thấp, giá thành sản xuất cao khiến giá bán tăng. Chưa kể, với việc tỷ lệ nuôi sống chỉ khoảng 40% (nhiều nước khác tỷ lệ này là 70%) đã khiến người nuôi tìm mọi cách để bảo toàn tài sản của mình. Do đó, việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi tôm cũng không quá khó hiểu.

Chưa kể, hiện nay, cả trong nuôi tôm và cá tra thì việc nuôi manh mún cũng là một phần nguyên nhân khiến việc kiểm soát chất lượng sản phẩm nuôi gặp nhiều khó khăn. Các hộ nuôi cũng khó để đảm bảo áp dụng thực hiện một tiêu chuẩn nào, bởi chi phí cao và thiếu nhân công chất lượng để triển khai. Các nhà máy thì thường không trực tiếp thu mua của nông dân mà thông qua trung gian nên chất lượng cũng không thể kiểm soát xuể.


Nguyên liệu có vai trò quan trọng trong hoạt động chế biến xuất khẩu

Đổi mới toàn diện

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, đa phần các doanh nghiệp tìm phương án nhập khẩu. Thế nhưng, theo ông Trần Văn Dũng, giá nhập khẩu nguyên liệu hải sản từ nước ngoài cao hơn trong nước khoảng 5%, chưa kể, phải là doanh nghiệp có tiềm lực mạnh mới thực hiện được, còn lại chỉ có thể coi là giải pháp tạm thời.

Một số chuyên gia cho rằng, để thay đổi, ngành thủy sản cần tổ chức lại vùng nuôi trồng an toàn, sạch bệnh để sản phẩm nuôi đảm bảo chất lượng và có giá thành cạnh tranh. Về lâu dài, để đủ nguyên liệu đáp ứng xuất khẩu, cần phải nâng cao chất lượng con giống. Đối với cá tra, cần sớm hoàn thiện, đẩy mạnh quy trình sản xuất giống ba cấp… Cùng đó, doanh nghiệp cần phối hợp với ngư dân tham gia vào chuỗi sản xuất để bảo đảm các chất lượng sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm khai thác.

Ở tầm vĩ mô, để đảm bảo nguyên liệu cho xuất khẩu ngày càng tăng, những năm qua, Chính phủ và ngành liên tục có những chủ trương, chính sách rất sát thực. Điển hình như kế hoạch hành động phát triển ngành tôm, chương trình kiểm soát tôm tạp chất, chương trình giống cá tra 3 cấp hay đề án khai thác viễn dương… Đây là cơ sở để ngành thủy sản có những đột phá mới trong tương lai, còn trước mắt, như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, cần có sự đồng bộ của cả chuỗi, từ khâu đánh bắt đến nuôi trồng thủy sản, áp dụng khoa học công nghệ, tuân thủ quy trình khai thác và nuôi để có nguyên liệu hợp chuẩn. Trong chế biến, cần đổi mới quy trình công nghệ, quản trị, tận dụng phụ phế phẩm để có chuỗi giá trị dài ra, với giá trị tăng lên. Tổ chức tốt khâu thị trường… Song song với đó, nhằm giải quyết triệt để chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến xuất khẩu, liên kết là một trong những giải pháp được đề ra. Bởi hiện nay, liên kết vùng sản xuất giống đến vùng nuôi, nhà máy chế biến đã từng bước phát huy hiệu quả, nhất là với con cá tra.

Thế nhưng, để mọi khâu liên kết được bền vững, theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, làm sao để chuỗi sản xuất đó được công khai minh bạch và quan trọng là cân đối lại các giá trị của những thành phần tham gia chuỗi và đảm bảo hiệu quả để người dân yên tâm đầu tư sản xuất theo các tiêu chuẩn mà các thị trường đòi hỏi.

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết