Nghiên cứu ứng dụng công nghệ biofloc trong ương nuôi cá kèo

Adv thuysan247
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ cá kèo trong nước và xuất khẩu ngày càng lớn, sản lượng khai thác tự nhiên mỗi năm mỗi giảm, giá bán lại tăng, lợi nhuận cao đã kích thích nhiều hộ dân ven biển nuôi cá kèo.

Cá kèo

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ cá kèo trong nước và xuất khẩu ngày càng lớn, sản lượng khai thác tự nhiên mỗi năm mỗi giảm, giá bán lại tăng, lợi nhuận cao đã kích thích nhiều hộ dân ven biển nuôi cá kèo.

thuysan247.com

Vì vậy, cần nhân rộng mô hình nuôi cá kèo quy mô lớn với thức ăn công nghiệp nhằm cung cấp chủ động cho thị trường tiêu thụ và phát triển nguồn lợi tự nhiên.

Nghiên cứu mới đây của nhóm nghiên cứu trường đại học Cần Thơ đã ứng dụng công nghệ biofloc vào nuôi cá kèo (Pseudapocryptes elongatus) ở mật độ 200 con/m3 cho kết quả tăng trưởng và tỉ lệ sống cao làm cơ sở để nuôi thương phẩm cá kèo phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Cá kèo là một trong những loài cá đặc trưng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cá kèo có thịt thơm ngon có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, phổ thức ăn rộng, sức chịu đựng tốt. Cá sống chủ yếu ở các vùng nước mặn và nước lợ nhưng cũng có thể sống ở các vùng nước ngọt. Cá ăn nhiều loại thực vật kích thước nhỏ. Khảo sát ống tiêu hóa của cá kèo cho thấy tảo khuê, tảo lam, mùn bã hữu cơ là ba loại thức ăn có tần số xuất hiện nhiều nhất. Ở Việt Nam, cá kèo tập trung ở khu vực cửa sông, cửa biển và các bãi triều, phân bố chủ yếu tại các khu vực ven biển của ĐBSCL, đặc biệt là tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…

Trong những năm gần đây, việc nuôi thương phẩm cá kèo được quan tâm nghiên cứu với các hình thức khác nhau như: Thực nghiệm nuôi cá kèo trong ao đất ở tỉnh Bến Tre với mật độ 10 và 20 con/m(Dương Nhựt Long và ctv., 2005), nuôi cá kèo trong bể tuần hoàn với các mật độ 50, 150 và 250 con/m2 (Nguyễn Thị Ngọc Anh và ctv., 2010a), và nuôi luân canh trong ao tôm sú với các mật độ là 40, 70 và 120 con/m2 (Nguyễn Thị Ngọc Anh và ctv, 2010). Hầu hết các hộ nuôi thường nuôi cá kèo luân canh trong các ao nuôi tôm với mật độ dao động từ 50 – 150 con/m2 và năng suất đạt trung bình 14,4 tấn/ha/vụ (Trần Thị Bé, 2016). Các nghiên cứu trên cho thấy, mật độ nuôi có xu hướng ngày càng cao nên năng suất cá nuôi cũng tăng lên. 

Việc gia tăng mật độ nuôi, đồng nghĩa với khả năng gây ô nhiễm môi trường nuôi ngày càng cao, do đó việc nghiên cứu ảnh hưởng các tác nhân sinh học đến kỹ thuật nuôi cá kèo là xu hướng tích cực góp phần ổn định môi trường và hạn chế dịch bệnh trong ao nuôi. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ biofloc là một trong những giải pháp tích cực, qua đó có thể giúp cải thiện môi trường, giảm hệ số thức ăn.

Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu nào ứng dụng công nghệ biofloc trong nuôi cá kèo thương phẩm, do đó nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định mật độ nuôi cá kèo thích hợp theo công nghệ biofloc, góp phần xây dựng và phát triển mô hình nuôi cá kèo ở ĐBSCL.

Bố trí thí nghiệm

Cá có khối lượng ban đầu là 2,07±0,40 g được nuôi với các mật độ khác nhau (100, 200, 300, 400 con/m3 ) ở độ mặn là 15‰. Bể nuôi được sục khí liên tục và thời gian thí nghiệm là 8 tuần (56 ngày).

Cá được cho ăn 4 lần/ngày bằng thức ăn có hàm lượng đạm 40%. Trong suốt thời gian nuôi, không thực hiện thay nước và không siphon. Định kỳ bón bột gạo (nguồn carbon để tạo biofloc) 3 ngày/lần, lượng bột gạo bón vào bể nuôi được tính theo lượng thức ăn cho cá ăn để đạt được tỷ lệ C:N = 15:1 (Avnimelech, 2012). Trước khi bón, bột gạo được khuấy đều với nước 40oC theo tỷ lệ 1 bột gạo: 3 nước và được ủ kín trong 48 giờ. 

Kết quả

Các yếu tố môi trường nước trong suốt quá trình thí nghiệm nằm trong khoảng thích hợp cho sự tăng trưởng của cá kèo nuôi trong hệ thống biofloc.

Chiều dài và khối lượng của cá nuôi ở mật độ 100 và 200 con/m3 cao hơn và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với với mật độ nuôi 300 và 400 con/m3 .

Tỷ lệ sống và sinh khối cá nuôi ở mật độ 200 con/m3 cho kết quả tốt nhất (91,0% và 2,6 kg/m3 ). 

Hệ số thức ăn của cá nuôi ở mật độ 100 và 200 con/m3 (1,50 và 1,51) thấp hơn và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với với mật độ nuôi 300 và 400 con/m3 (2,04 và 3,14). 

Tóm lại, nuôi cá kèo theo công nghệ biofloc với mật độ 200 con/m3 trong bể là phù hợp nhất. Kết quả từ mô hình nuôi sẽ làm cơ sở lý luận vững chắc cho việc xây dựng quy trình công nghệ nuôi cá kèo thương phẩm góp phần đa dạng hóa mô hình nuôi, hạn chế rủi ro đồng thời nâng cao năng suất sản lượng nuôi thủy sản, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập và tạo nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu cho địa phương trong tương lai.

Nguồn: Theo Tạp chí khoa học đại học Cần Thơ
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết