Nghề cá Sóc Trăng: Thay đổi để phát triển bền vững và phù hợp thị trường

Adv thuysan247
Sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, cùng với các tỉnh, thành có bờ biển trong cả nước, Sóc Trăng đã và đang nỗ lực thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC.

Cảnh lên xuống hàng vẫn diễn ra nhộn nhịp tại cảng cá Trần Đề sau mỗi chuyến biển.

Sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, cùng với các tỉnh, thành có bờ biển trong cả nước, Sóc Trăng đã và đang nỗ lực thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC.

thuysan247.com

Cảng cá Trần Đề sau thời gian chỉnh trang, nâng cấp giờ trông gọn gàng và ngăn nắp hơn nên dù có khá đông tàu cập cảng lên, xuống hàng nhưng tất cả đều rất trật tự và nhanh chóng. Theo các chủ tàu, từ đầu năm đến giờ hầu hết những chuyến ra khơi đều có sản lượng khá. Giá các mặt hàng khai thác biển cũng tương đối ổn định và có tăng chút đỉnh trong thời gian gần đây, nhất là từ khi dịch tả heo châu Phi bùng phát mạnh khắp cả nước. Một chủ tàu còn đưa cho chúng tôi xem quyển sổ nhật ký khai thác do thuyền trưởng vừa chuyển lên, giải thích: “Bây giờ đi đánh bắt phải ghi chép đầy đủ vào quyển nhật ký này, nếu không sản phẩm sẽ không bán được cho các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, mà chỉ bán hàng chợ, sẽ không được giá”.

thẻ vàng, khai thác thủy sản, đánh bắt thủy sản, chính sách thủy sản

Nhiều tàu ngoài tỉnh chọn cảng Trần Đề nhờ gần ngư trường và có dịch vụ hậu cần tốt.

Sự thay đổi trên là một trong những kết quả từ sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, các ngành chức năng và địa phương trong việc mở các lớp tập huấn cho các chủ tàu, thuyền trưởng để phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản. Phân công cán bộ trực tiếp xuống từng nhà chủ phương tiện để hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt cách ghi chép nội dung sổ nhật ký khai thác để giúp ngư dân thực hiện đúng theo quy định. Các nội dung kế hoạch cũng được gửi đến từng chủ tàu, thuyền trưởng ở địa phương, các tàu tỉnh bạn để ngư dân biết và thực hiện đúng các thủ tục khi vào cảng cá và khi xuất bến.

Một trong những khuyến nghị quan trọng của EC, đó là sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam khi xuất sang thị trường EU phải đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, nên việc ghi chép nhật ký khai thác phải được ưu tiên hàng đầu. Do ngư dân chưa có thói quen ghi chép nhật ký khai thác trong mỗi chuyến ra khơi, nên bước đầu nhiệm vụ này cũng gặp không ít khó khăn, nhưng qua các lớp tập huấn, hướng dẫn, ngư dân giờ hiểu rằng, không phải muốn ra khơi đánh bắt cái gì, đánh bắt như thế nào cũng được mà phải hiểu biết pháp luật, phải biết quy định của người mua hàng để thực hiện cho đúng thì sản phẩm khai thác của mình mới bán được, ngư dân mới sống được lâu dài với nghề.

Việc quản lý truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác xuất khẩu (chống khai thác IUU) theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 21/2018/BNNPTNT được ngành tích cực triển khai, hướng dẫn các doanh nghiệp chứng nhận thủy sản khai thác những điểm thực hiện mới và cử cán bộ trực văn phòng kiểm soát IUU tại cảng Trần Đề. Trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành đã cấp 131 chứng nhận thủy sản khai thác với tổng khối lượng 1.970 tấn; xây dựng kế hoạch kiểm tra truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại cảng cá Trần Đề… Ngoài ra, còn phối hợp với Công ty Viettel thí điểm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với 5 tàu cá; thu hồi, sửa chữa thiết bị MOVIMAR theo chỉ đạo của bộ và tiếp tục cập nhật dữ liệu VNFISHBASE.

Không chỉ có ngư trường và đội tàu khá lớn, Sóc Trăng còn có lợi thế về dịch vụ hậu cần nghề cá, gồm một cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão và các cơ sở thu mua, chế biến thủy, hải sản xuất khẩu. Cảng Trần Đề được xếp vào nhóm 15 cảng cá lớn trên toàn quốc và có vị trí rất thuận lợi, khi vừa gần ngư trường khai thác, vừa kết nối được các tuyến giao thông quan trọng các tỉnh, thành như: tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ 60, Quốc lộ 1A, cùng mạng lưới các tuyến tỉnh lộ đấu nối vào. Những năm gần đây, lượng tàu từ các tỉnh trong khu vực và Nam Trung bộ vào cảng ngày càng tăng. Nhờ có vị trí tốt, cảng cá Trần Đề thu hút nhiều tàu đánh bắt của các tỉnh bạn về cập bến. Hàng năm, cảng cá Trần Đề tiếp nhận từ 90.000 đến 100.000 tấn thủy hải sản, hàng hóa qua cảng, trong đó, có khoảng 60.000 tấn của các tàu thuyền trong tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, toàn tỉnh có 1.208 tàu khai thác biển với tổng công suất là 190.479 CV; trong đó, tàu cá khai thác xa bờ 355 chiếc với tổng công suất máy chính 162.604 CV và 853 chiếc khai thác gần bờ với tổng công suất máy chính 27.875 CV, chủ yếu là nghề: cào đôi, lưới vây, lưới đèn, câu mực xuất khẩu… Sản lượng khai thác thủy sản trong 6 tháng đầu năm được 33.324 tấn, đạt 46,94% kế hoạch và tăng 0,76% so cùng kỳ. Cũng theo báo cáo trên, trong 6 tháng đầu năm, Ban Quản lý cảng cùng các ngành chức năng đẩy mạnh các hoạt động chống khai thác IUU. Qua đó, đã kiểm tra, kiểm soát tàu ra vào cảng cá 1.188 lượt, đa số chủ tàu đều cung cấp giấy tờ đầy đủ, nhưng việc ghi và nộp sổ nhật ký khai thác còn chậm và thông tin chưa đầy đủ.

Nguồn: Theo Báo Sóc Trăng
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết