Nghệ An đã thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác thủy sản, dịch vụ hậu cần trên biển....
Đoàn kiểm tra của Chi cục Thủy sản phát hiện một số phương tiện vi phạm.
Căn cứ Luật Thủy sản 2017 và tham mưu của Sở NN-PTNT, mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành “Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá” để triển khai trên diện rộng. Đây được xem là yếu tố then chốt trong quá trình thực hiện chống khai thác thủy sản trái phép theo quy định của IUU, đồng thời mở ra cơ hội sớm tháo gỡ thẻ vàng của EC.
Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An nhấn mạnh: “Mục tiêu của chương trình nhằm từng bước ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Quá trình thực hiện phải đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ quốc tế cũng như các biện pháp bảo tồn, quản lý nguồn lợi gắn với kế hoạch quản lý nghề cá, kiểm soát cường lực khai thác để sử dụng bền vững nguồn lợi tự nhiên”.
Công tác tuần tra, kiểm soát đã đạt được những kết quả khá tích cực, dù vậy vẫn tồn tại không ít vấn đề. Rõ nhất là tàu kiểm ngư đã xuống cấp trầm trọng, thêm việc xuồng cao tốc kích thước nhỏ khiến quá trình tiếp cận đối tượng, phương tiện bị hạn chế rất nhiều.
Khó khăn nữa đến từ thái độ bất hợp tác của một số đối tượng thuộc diện kiểm tra, cá biệt có trường hợp còn chủ động cắt lưới hòng… bỏ chạy.
Đối tượng, phạm vi áp dụng là các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn các huyện trọng điểm về biển, điển hình như Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳnh Lưu hay thị xã Hoàng Mai.
Giám sát sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng và kiểm tra phương tiện cập và rời cảng là kế hoạch trọng tâm.
Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát sẽ tập trung vào 4 nội dung trọng tâm sau: Giám sát bốc dỡ thủy sản qua cảng; kiểm tra tàu cá cập và rời cảng; tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác tại vùng ven bờ, vùng lộng; kiểm tra tàu cá tại các cửa lạch, cảng cá, bến cá và khu vực neo đậu.
Bám chỉ đạo, tháng 3/2021 Chi cục Thủy sản Nghệ An đã thành lập Đoàn kiểm tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác thủy sản, dịch vụ hậu cần trên vùng biển ven bờ, vùng lộng khu vực từ phía nam Lạch Quèn của huyện Quỳnh Lưu đến địa phận Đảo Ngư, nơi giáp ranh với tỉnh Hà Tĩnh.
Thay đổi phương thức khai thác, từ đánh bắt ven bờ tiến dần ra khơi xa là nhiệm vụ then chốt mà ngành thủy sản Nghệ An đang hướng đến.
Qua 5 ngày công tác, Đoàn đã kiểm tra 46 lượt phương tiện, bao gồm 2 tàu ngoại tỉnh cùng 44 tàu trên địa bàn. Dựa trên kết quả thực tế đã tiến hành xử phạt hành chính 3 phương tiện với số tiền 15 triệu đồng, cũng như nhắc nhở 11 phương tiện khác.
Hành vi vi phạm chủ yếu là không ghi chép đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản, cụ thể là tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24m; không viết số đăng ký, cố tình vứt bỏ trái phép ngư cụ xuống vùng nước tư nhiên; thuyền viên, người làm việc trên tàu không có giấy tờ tùy thân; đanh dấu nhận biết sai quy trình, biển số mờ, đèn hành trình, phao cứu sinh đặt không đúng vị trí, chất lượng kém…
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An, ông Nguyễn Chí Lương nhận xét: “Mặc dù đã có những chuyển biến nhất định nhưng trình độ của một số ngư dân nhìn chung vẫn khá hạn chế, quá trình làm việc chúng tôi đã nhắc nhở, đồng thời tập trung hướng dẫn chủ tàu ghi chép đầy đủ và nộp nhật ký khai thác.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng ngư dân, qua đó từng bước giảm thiểu các hành vi vi phạm, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các chủ phương tiện phải tuân thủ chặt chẽ, nghiêm túc các quy định hiện hành”.
Nguồn: Theo Nông nghiệp VN Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết