Ngành nông nghiệp sẽ vượt chỉ tiêu tăng trưởng Chính phủ giao

Adv thuysan247
Bất chấp những tác động tiêu cực từ Covid-19, dịch bệnh trong nông nghiệp cũng như biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp duy trì mức tăng trưởng 3,82% trong 6 tháng đầu năm.

Theo Thứ trưởng Tiến, nông nghiệp cần gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bất chấp những tác động tiêu cực từ Covid-19, dịch bệnh trong nông nghiệp cũng như biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp duy trì mức tăng trưởng 3,82% trong 6 tháng đầu năm.

thuysan247.com

tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 24,23 tỷ USD. Một lần nữa, nông nghiệp khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế.

Ở nửa cuối năm, những thách thức mà ngành nông nghiệp phải đối mặt rất lớn. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến đã có buổi trao đổi với báo chí về vấn đề này, đồng thời đưa ra những mục tiêu, bước đi sắp tới của ngành nông nghiệp.

Tự tin vượt mức tăng trưởng 2,78%/năm

- Thưa Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nửa đầu năm 2021 đã qua, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả gì và có tự tin với mục tiêu tăng trưởng đã đề ra?

- Ngành nông nghiệp triển khai thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm 2021 trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ NNPTNT luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên cả nước và đồng hành của các cơ quan truyền thông đã tạo ra sự đồng thuận của cả xã hội.

Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm toàn ngành đã đạt được những kết quả cao, toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành 3,84%, tốc độ tăng GDP toàn ngành 3,82%, vượt mức chỉ tiêu 3,34% do Chính phủ giao và là mức tăng cao nhất 6 tháng đầu năm trong 10 năm trở lại đây.

Nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2021 là rất lớn, khó khăn; yêu cầu đặt ra là các sản phẩm nông nghiệpđặc biệt là các sản phẩm lương thực, thực phẩm phải đạt và vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, với cơ sở, nền tảng thành tựu đã đạt được 6 tháng đầu năm và bài học kinh nghiệm sau hơn 1 năm thực hiện “mục tiêu kép”, có thể khẳng định ngành nông nghiệp sẽ đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 (cao hơn mức so với mức tăng trưởng 2,78% mà Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP - PV).

Nganh nong nghiep tu tin vuot muc tieu tang truong Chinh phu giao anh 2

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết kế hoạch tăng trưởng ngành nông nghiệp phấn đấu đạt vượt 0,2-0,4% so với mức tăng trưởng Chính phủ giao. Ảnh: Báo Chính phủ.

Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3-3,2%, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành 3,2-3,5%, trong đó cần có những biện pháp chỉ đạo điều hành kịp thời, linh hoạt, thúc đẩy phát triển những lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng để bù cho những lĩnh vực khó đạt.

Cụ thể, giá trị sản xuất trồng trọt tăng 1,55%; sản lượng lúa trên 43,19 triệu tấn. Giá trị sản xuất chăn nuôi trên 5,93%; sản lượng thịt lợn cả năm ước đạt khoảng 4,1 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm ước đạt trên 1,9 triệu tấn.

Giá trị sản xuất thủy sản tăng 4%; tổng sản lượng thủy sản 8,7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng 4,82 triệu tấn, khai thác 3,9 triệu tấn. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 3,75%; sản lượng gỗ khai thác trên 18 triệu m3, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu.

- Theo ông, đâu là cơ hội và khó khăn trong nửa cuối năm của ngành nông nghiệp?

Đối với nửa cuối năm 2021, sẽ có những cơ hội và khó khăn đan xen, đó là ngành nông nghiệp tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, hệ thống chính trị cả nước, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân.

Ngành đang phát huy hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc thực hiện VPA/FLEGT (Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản) để gia tăng xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU và việc thực thi Hiệp định thương mại tự do EVFTA mở ra thị trường lớn cho hàng nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức từ tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất, xuất nhập khẩu, cũng như tiêu thụ trong nước.

Việc triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trong giai đoạn hậu dịch Covid-19 còn chậm do tình hình diễn biến phức tạp, nhiều nước còn phong tỏa, hạn chế đi lại; diễn biến thời tiết khó lường (hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt hơn, duy trì trong thời gian dài), dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản diễn biến phức tạp.

Bài toán tiêu thụ nông sản

- Để đạt được mục tiêu, thời gian tới ngành nông nghiệp cần những giải pháp như thế nào cả về cơ chế lẫn nguồn lực đầu tư, hỗ trợ?

- Để đạt được mục tiêu nêu trên, thời gian tới, nhiệm vụ của ngành đặt ra phải quyết tâm cao hơn, đồng bộ hơn, sáng tạo hơn để đạt “mục tiêu kép”.

Điều đó đòi hỏi toàn ngành phải tập trung nỗ lực thực hiện nghiêm, hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ, các khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất.

Về cơ chế, chính sách, tổ chức rà soát tổng thể, toàn diện hệ thống cơ chế, chính sách (nhất là chính sách về đất đai, đầu tư, tài chính, bảo hiểm, tín dụng, thương mại…) để điều chỉnh, bổ sung kịp thời nhằm sớm thể chế hóa chủ trương, đường lối về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết Đại hội XIII và các chỉ đạo mới.

Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực nông lâm thủy sản; tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành 2021-2025 theo Quyết định 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021.

Nganh nong nghiep tu tin vuot muc tieu tang truong Chinh phu giao anh 3

Theo Thứ trưởng Tiến, nông nghiệp cần gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Việt Linh.

Về nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, cần thu hút và khơi thông nguồn lực cho ngành nông nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, tổng hợp báo cáo điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021; phấn đấu giải ngân cả năm 2021 tỷ lệ giải ngân đạt 100% vốn trong nước và 90% vốn nước ngoài.

Hoàn thành xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 ngay sau khi được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, tăng cường thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội, doanh nghiệp và nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích thu hút đầu tư FDI, đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.

- Bằng kinh nghiệm hỗ trợ tiêu thụ vải thiều thời gian qua, chúng ta có bài học gì cho tiêu thụ nông sản cả nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19?

- Để duy trì tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu, hạn chế ứ đọng hàng hóa nông sản ở trong nước trong tình hình dịch bệnh Covid-19, đặc biệt các sản phẩm trái cây có tính thời vụ đang vào mùa thu hoạch, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố chủ động triển khai tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản tại các địa phương trong điều kiện dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ trọng tâm là giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Tổ chức đoàn công tác kiểm tra tình hình lưu thông, tiêu thụ hàng hóa đặc biệt trái cây tại các cửa khẩu biên giới tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn để khảo sát thực tế tại các cửa khẩu, tình hình trung chuyển xuất khẩu trái cây trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trái cây có tính mùa vụ đang vào vụ thu hoạch như vải, nhãn, xoài, mận, chuối…

Bộ NNPTNT tiếp tục tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để kịp thời rà soát, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về mặt kỹ thuật, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật trong xuất khẩu nông sản của địa phương trước tác động của dịch Covid-19 hiện nay. Qua đó, thống nhất đề xuất triển khai nhanh các giải pháp, phương án tháo gỡ kịp thời: điển hình như đàm phán với Trung Quốc cho phép xuất khẩu tạm thời đối với khoai lang và ớt sang thị trường Trung Quốc.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp Bộ NNPTNT thành lập Tổ công tác liên ngành tăng cường kiểm tra, kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Bộ Công Thương tăng cường quản lý Nhà nước về thương mại, quản lý thị trường, lưu thông, cung ứng hàng hóa; phối hợp Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam rà soát tổng thể năng lực lưu kho, bảo quản của hệ thống kho lạnh, container phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính có chính sách hỗ trợ phí, cước vận chuyển đường hàng không và đường biển đối với các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Trung Đông để tăng năng lực cạnh tranh và giảm chi phí giá thành cho doanh nghiệp.

Phối hợp, đồng hành với các địa phương kết nối tiêu thụ và tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch; đề nghị hiệp hội các nhà bán lẻ và một số tập đoàn, doanh nghiệp phân phối lớn tại Việt Nam phối hợp tháo gỡ khó khăn, đồng hành với các địa phương đang gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch trước tác động của dịch bệnh Covid-19.

Trên cơ sở này, các địa phương nhân rộng mô hình, triển khai cho các sản phẩm nông sản có sản lượng lớn, mùa vụ phù hợp với tình hình sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Bộ NNPTNT tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động tổ chức sản xuất nông nghiệp, chú trọng chế biến, bảo quản để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Cụ thể, rà soát kỹ tổ chức sản xuất nông nghiệp, quy mô, sản lượng đối với các đối tượng cây trồng vật nuôi, nhất là các sản phẩm nông sản có tính chất mùa vụ.

Các nhà máy chế biến nông sản tăng cường công suất tập trung phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon, thủy sản đồ hộp chế biến, gạo, gia cầm chế biến… để chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch Covid-19 cho thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ.

Phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho các nông sản chủ lực, đặc sản của địa phương theo mùa vụ, hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tử, online trong tình hình dịch Covid-19; phát triển và nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ giúp ổn định giá cả và đầu ra cho bà con nông dân, tập trung thúc đẩy tiêu thụ nội địa.

- Xin cám ơn Thứ trưởng!

Văn Hưng

Nguồn: Theo zingnews.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết