Nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu

Adv thuysan247
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam những năm qua vẫn tăng trưởng tốt, tuy nhiên vấn đề về ATTP cần được quan tâm chú trọng hơn, khi mà câu chuyện hàng thủy sản nước ta bị trả về vẫn chưa có dấu hiệu giảm sút, nhiều thị trường đưa ra các hàng rào thương mại ngày một nhiều hơn.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam những năm qua vẫn tăng trưởng tốt, tuy nhiên vấn đề về ATTP cần được quan tâm chú trọng hơn, khi mà câu chuyện hàng thủy sản nước ta bị trả về vẫn chưa có dấu hiệu giảm sút, nhiều thị trường đưa ra các hàng rào thương mại ngày một nhiều hơn.

thuysan247.com

Thị trường đột ngột “khó tính”

Lâu nay, nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc được xem là khá “cởi mở”, tiêu chuẩn chất lượng không khắt khe như xuất khẩu đi các nước phát triển, đặc biệt là Nhật Bản và châu Âu. Người nuôi trồng xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu làm việc dựa vào đánh giá “cảm quan” chất lượng của các thương lái, thậm chí có cả thương lái Trung Quốc. Song thị trường 1,4 tỷ dân này đang có xu hướng thay đổi về các tiêu chí đánh giá chất lượng hàng nhập khẩu. Theo số liệu thống kê, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, đã có 15/40 lô hàng vi phạm quy định ATTP bị phía Trung Quốc trả về. Trong khi thống kê cả năm 2020, thị trường Trung Quốc chỉ có 6/14 lô hàng bị trả về vì lý do ATTP. Phía Trung Quốc lập luận rằng, một số lô hàng tôm đông lạnh, tôm của Việt Nam dù đã xử lý nhiệt, nhưng lại bị phát hiện dương tính với bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV), virus đốm trắng (WSSV).

Ngoài Trung Quốc, một số quốc gia khác cũng thay đổi các quy định về ATTP sản phẩm nhập khẩu. Hàn Quốc đã có những thay đổi về thời gian xử lý nhiệt cho tôm nhập khẩu, bổ sung 5 chỉ tiêu bệnh (DIV1, TiLV, NHP, SAV, AHPND) đối với một số loài, dạng sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào nước này phải kèm theo chứng thư chứng nhận kiểm dịch đối với 5 bệnh nói trên (thực hiện từ 1/8/2021).

Đối với thị trường Australia, sản phẩm tôm chưa nấu chín xuất khẩu sang Australia phải được kiểm tra, phân hạng tại cơ sở chế biến, phải được cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu chứng nhận và kiểm soát; không có các dấu hiệu mắc bệnh; mỗi lô tôm sản xuất (sau chế biến) được lấy mẫu xét nghiệm âm tính đối với virus đốm trắng, đầu vàng…

Xuất khẩu vào EU kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong năm 2021, nhưng đây vẫn là thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật rất cao, đặc biệt là về kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chống khai
thác IUU.

Kiểm soát tốt dịch bệnh

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, dựa trên những tín hiệu khả quan của thị trường, xuất khẩu thủy sản năm 2021 của Việt Nam có thể đạt trên 8,7 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc thúc đẩy, mở rộng thị trường, thì việc giám sát tốt dịch bệnh, quản lý chất lượng thủy sản là một nhiệm vụ quan trọng.

Theo các chuyên gia và các nhà quản lý, dịch bệnh trong NTTS luôn tiềm ẩn tại mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Lý do là sự diễn biến thất thường của thời tiết (giao mùa, hạn hán, bão và lũ lụt tại một số tỉnh, xâm nhập mặn…) tiếp tục diễn biến phức tạp dẫn tới dịch bệnh bùng phát. Bên cạnh đó, các loại mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành ở nhiều vùng nuôi trong tự nhiên cũng như trong khu vực NTTS. Bài học về những khó khăn trong việc xử lý dịch bệnh trên con tôm tại Đài Loan, Thái Lan… cho thấy, việc kiểm soát dịch bệnh vẫn luôn là yếu tố sống còn trong ngành thủy sản. Sau nhiều năm, Thái Lan vẫn chưa khôi phục được diện tích và sản lượng theo kế hoạch. Những người nuôi tôm Thái Lan cho biết: “Chính phủ chúng tôi chỉ mới chấp thuận một phần diện tích được phép nuôi trồng trở lại để hạn chế dịch bệnh tái phát”.

Hiện tại mỗi doanh nghiệp, tập đoàn, vùng nuôi đều có những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh thủy sản và đều đạt được những thành quả. Song, cuộc chiến với dịch bệnh sẽ vẫn còn kéo dài, khi mà ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng mạnh cả về diện tích, sản lượng. Về phía các nhà nhập khẩu, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần xử phạt nghiêm, mang tính răn đe đối với các doanh nghiệp “con sâu làm rầu nồi canh”. Chủ động áp dụng biện pháp “trừng phạt” các doanh nghiệp vi phạm, tạm ngừng xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp vi phạm cho đến khi thực hiện tốt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Rõ ràng, khi các doanh nghiệp đã tham gia vào mặt trận xuất khẩu thủy sản, mang trên mình lợi ích cũng như trách nhiệm với các thương hiệu thủy sản quốc gia, doanh nghiệp buộc phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về ATTP xuất khẩu, doanh nghiệp buộc phải có trọng trách xây dựng hình ảnh đẹp cho ngành thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

>> Theo đại diện VASEP, vấn đề khó khăn trong xuất khẩu hiện nay chính là nguồn nguyên liệu; bởi phải có nguồn nguyên liệu tốt thì sự cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp sẽ khác. Đối với cộng đồng doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp đã có đầu tư khâu nuôi hay chưa đầu tư, công tác phòng chống dịch sẽ là yếu tố quan trọng, đảm bảo cho chúng ta có nguồn nguyên liệu tốt phục vụ chào hàng hay ký đơn hàng.

Nguyễn Anh

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết