Một năm trúng mùa, được giá sò huyết

Adv thuysan247
Năm nay sò huyết được mùa, trúng giá nên bà con hết sức phấn khởi.

Thấy tính hiệu quả của mô hình nuôi sò huyết, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đầm Dơi cũng như một số đơn vị khác trong tỉnh chọn thí điểm và đầu

Năm nay sò huyết được mùa, trúng giá nên bà con hết sức phấn khởi.

thuysan247.com

Hiện nay, ở Cà Mau, ngoài tôm và cua, sò huyết được người dân đánh giá là loài thủy sản dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao, nếu đầu ra ổn định sẽ giúp nông dân tăng thu nhập đáng kể từ mô hình này. Từ những năm 2010, mô hình nuôi sò huyết bắt đầu xuất hiện rải rác ở một số xã: Đông Thới (huyện Cái Nước); Tân Đức, Tân Thuận, Thanh Tùng, Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi); Hòa Tân (TP. Cà Mau) và các xã thuộc huyện Năm Căn, Ngọc Hiển. Tuy nhiên, các hộ dân chủ yếu nuôi thử nghiệm, nhỏ lẻ, khi ấy diện tích nuôi sò huyết toàn tỉnh dao động 1.500 - 2.000ha. Sau thời gian nuôi thí điểm mang lại hiệu quả, bà con nhân rộng, phát triển và duy trì đến nay.

Huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển là một trong những địa phương có diện tích và số hộ nuôi sò huyết nhiều trong tỉnh hiện nay. Riêng tại huyện Cái Nước có trên 6.000ha; huyện Năm Căn trên 1.500ha; huyện Đầm Dơi khoảng 13.000ha xen canh tôm, cua, sò huyết; huyện Ngọc Hiển trên 1.000ha… Trong đó xã Đông Thới (huyện Cái Nước) được xem là nơi hình thành và phát triển mô hình nuôi sò huyết khá sớm và quy mô lớn so với các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn xã có 5 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã nuôi sò huyết, với trên 100 hộ dân tham gia.

Theo bà con nông dân, nếu gặp thời tiết thuận lợi, ít hao hụt, bình quân năng suất đạt trên 1 tấn/ha/năm, với giá bán cao như hiện nay: 130 - 150 ngàn đồng/kg loại 80 - 100 con; trừ chi phí thu lãi khoảng 200 - 220 triệu đồng.

Ông Danh Văn Đô, Tổ trưởng Tổ hợp tác Như Ý (xã Đông Thới), cho biết: “Những năm 2010, mô hình nuôi sò huyết phát triển mạnh trên địa bàn xã, được bà con ví là đối tượng nuôi một vốn bốn lời. Những năm gần đây, do thời tiết, điều kiện môi trường có phần khó khăn hơn, có những năm mô hình sò huyết cũng đối mặt với nhiều thách thức. Song đúc kết kinh nghiệm sau nhiều năm nuôi, bà con vẫn duy trì và đặc biệt năm nay nhờ giá sò tăng cao mà bà con thu lợi nhuận khá từ mô hình này. Để mô hình phát triển bền vững, hạn chế rủi ro, điều bà con mong mỏi nhất hiện nay là có được nguồn cung ứng sò giống uy tín, chất lượng, thích nghi tốt với điều kiện đặc thù Cà Mau, để góp phần nâng cao hiệu quả cho người nuôi”.

Theo báo cáo từ Phòng Nông nghiệp huyện Đầm Dơi, tính đến thời điểm này, toàn huyện có 150ha chuyên nuôi sò huyết và 12.540ha nuôi sò huyết kết hợp tôm, cua, với khoảng 300 hộ nuôi, tập trung nhiều ở các xã: Tân Đức, Tân Dân, Thanh Tùng, Tân Thuận. Anh Trịnh Hoàng Cung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Dân, cho biết: “Sò huyết thích nghi tốt với nguồn nước chứa phù sa, làm thức ăn giúp sò mau lớn, hiệu quả. Ban đầu, bà con chỉ nuôi thử nghiệm, thấy hiệu quả mới nhân rộng. Tùy điều kiện, diện tích đất đang có, bà con nghiên cứu mật độ nuôi phù hợp, nuôi xen canh nhỏ lẻ trong vuông tôm góp phần tăng thu nhập, trên địa bàn xã cũng đã thành lập Tổ hợp tác nuôi sò huyết tại ấp Tân Long B với 45 thành viên tham gia. Mô hình này duy trì hiệu quả nhiều năm qua, nhất là vào cuối năm 2019, đầu năm 2020, bà con rất phấn khởi khi sò được mùa và được giá”.

Anh Huỳnh Văn Đấu (ấp Tân Long B) cho biết: “Với diện tích 1,7ha đất; tôi bao lưới riêng diện tích 4.000m2 trong vuông để nuôi sò huyết từ năm 2015 đến nay. Thấy hiệu quả nên đầu tư quy mô hơn, riêng năm 2019 đầu tư khoảng 30 - 40 triệu đồng tiền sò giống, sau 5 - 6 tháng nuôi thì bắt đầu thu hoạch dần. Đợt thu hoạch gần đây nhất được hơn 1 tấn sò, giá dao động 130 - 150 ngàn đồng/ký; thu lãi trên 100 triệu đồng.


Khoảng cuối tháng 12 đến 3 (âm lịch) là thời điểm thu hoạch rộ vụ sò huyết.

Tương tự, ông Phạm Tấn Lộc (ấp Tân Long B) thả nuôi 9 triệu đồng tiền sò giống, nhưng thu về lợi nhuận trên 50 triệu đồng. Anh Phạm Hữu Thọ (con ông Lộc) thả 70 - 80 triệu tiền sò giống, thu lãi trên 200 triệu đồng (sò nhỏ anh tiếp tục giữ lại nuôi tiếp, chờ đến lứa thu hoạch).

Ông Huỳnh Văn Bê, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tân Long B, cho biết: “Bà con nơi đây rất chăm chỉ làm ăn, chịu khó tìm tòi học hỏi các mô hình để nâng cao thu nhập. Ngoài tôm, cua thì nuôi sò huyết cũng góp phần mang lại thu nhập đáng kể cho bà con. Đã qua, Hội Nông dân xã, huyện cũng đã tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật hỗ trợ phần nào cho bà con trong sản xuất. Tuy nhiên, mối quan tâm nhất của người dân hiện nay là cần tìm nguồn giống chất lượng, được thuần hóa tại địa phương để thích nghi với nguồn nước, môi trường, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi”. 

Để giúp nhà nông địa phương nuôi sò huyết đạt hiệu quả như mong muốn, thời gian qua, ngành chức năng trong tỉnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, các huyện, thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn, giúp đông đảo hộ nuôi sò nắm bắt quy trình, kỹ thuật để giảm rủi ro, tăng hiệu quả.

Thông tin từ Hội Nông dân tỉnh, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, Hội Nông dân tỉnh cũng đã thí điểm mô hình, kết hợp hỗ trợ kỹ thuật, vốn, nhân rộng mô hình, đồng thời tăng cường công tác quản lý vùng nuôi để giúp bà con sản xuất hiệu quả. Bên cạnh đó, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh, các huyện, thành phố đã phần nào chia sẻ cùng các địa phương trong thực hiện các mô hình, dự án nuôi trồng, trong đó ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển.

Nguồn: Theo Báo Đất Mũi
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết