Tôm sú bố mẹ.
Nghiên cứu này của Lê Quốc Việt và Trần Ngọc Hải 2018 nhằm xác định mô hình ương thích hợp cho sự tăng trưởng, tỷ lệ sống của ấu trùng và hậu ấu trùng tôm sú.
Nhằm hướng đến sự phát triển bền vững và đánh giá năng suất để tìm ra mô hình sản xuất giống đạt hiệu quả cao và chất lượng tôm giống được cải thiện, nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu nhằm xác định mô hình ương ấu trùng tôm sú thích hợp cho tăng trưởng, tỷ lệ sống và nâng cao chất lượng tôm giống.
Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần.
Các nghiệm thức thí nghiệm bao gồm:
(1) Ương ấu trùng theo mô hình tuần hoàn (MHTH)
(2) Ương ấu trùng theo mô hình thay nước (MHTN)
(3) Ương ấu trùng theo mô hình sử dụng chế phẩm yucca (CPY)
(4) Ương ấu trùng theo mô hình ứng dụng công nghệ biofloc (CNB).
Thí nghiệm được bố trí trong nhà kính có mái tole sáng và tole tối xen kẽ. Bể được sử dụng trong thí nghiệm là bể composite 0,5 m3; nước ương có độ mặn 30‰, độ kiềm 120 mg CaCO3/L và mật độ 150 con/L. Khi ấu trùng chuyển sang giai đoạn Mysis-1, thì bắt đầu vận hành hệ thống tuần hoàn và các nghiệm thức còn lại bắt đầu thay nước, đối với nghiệm thức biofloc thì bổ sung carbohydrate từ rỉ đường với tỷ lệ C:N = 30:1 và sử dụng Vimeyucca đối với nghiệm thức sử dụng CPY với lượng 10 mL/m3/3 ngày. Đối với nghiệm thức tuần hoàn, hệ thống tuần hoàn được sử dụng vật liệu lọc là các hạt giá thể nhựa, được rửa sạch và cho vào bể lọc. Bể lọc có thể tích 0,4 m3 (chứa 0,25 m3 giá thể lọc) và được kết nối với hệ thống ương gồm 3 bể (0,5 m3/bể).
Cho ấu trùng ăn:
• Thức ăn cho ấu trùng tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của ấu trùng, khi ấu trùng chuyển sang giai đoạn Zoea-1 khoảng 90% thì tiến hành cho ăn tảo Chaetoceros sp với mật độ 70.000-100.000 tế bào/mL (cho ăn 8 lần/ngày: 6, 9, 12, 15, 18, 21, 24 và 3h).
• Trong lần cho ăn đầu tiên (giai đoạn Zoea-1) tiến hành bổ sung men tiêu hóa Antibio-pro cho ấu trùng sau khi cho ăn tảo tươi lần đầu tiên với lượng 1g/m3/lần.
• Giai đoạn Zoea-2 cho ăn thức ăn tổng hợp (50% Lansy ZM + 50% Frippak-1), với lượng từ 1-2 g/m3/ngày. Giai đoạn Mysis cho ăn thức ăn tổng hợp (50% Lansy ZM + 50% Frippak-2) và Artemia bung dù (lượng thức ăn tổng hợp từ 3-4 g/m3/ngày và Artemia bung dù là 2 g/m3/lần).
• Giai đoạn PL thì cho ăn thức ăn tổng hợp (Frippak-150) với lượng 5-6 g/m3/ngày và Artemia mới nở với lượng 2 g/m3/lần.
Trong tất cả các nghiệm thức, ấu trùng được cho ăn với lượng thức ăn và số lần cho ăn giống nhau (8 lần/ngày). Khi ấu trùng chuyển sang Mysis, cho ăn 4 lần/ngày đối với thức ăn tổng hợp (6, 12, 18 và 24h) và 4 lần/ngày đối với Artemia (3, 9, 15 và 21h). Đối với nghiệm thức ương tuần hoàn, tắt hệ thống tuần hoàn trước và sau khi cho ăn 30 phút thì cho hệ thống tuần hoàn hoạt động trở lại. Định kỳ 3 ngày/lần, thay nước 30% lượng nước trong bể ương (nghiệm thức thay nước), sử dụng Vime-Yucca với liều 10 mL/m3 (nghiệm thức CPY), bón rỉ đường (nghiệm thức biofloc) và đối với nghiệm thức tuần hoàn thì không thay nước trong suốt quá trình ương.
Cách tạo biofloc:
Bổ sung nguồn carbohydrate từ mật rỉ đường và được bổ sung trực tiếp vào bể ương từ giai đoạn Mysis 1. Phương thức bổ sung mật rỉ đường dựa theo hàm lượng protein trong thức ăn tổng hợp, rỉ đường được bổ sung 3 ngày/lần, lượng carbohydrate trong mật rỉ đường là 46,7%. Cách tính hàm lượng carbon cần bổ sung để đạt được tỷ lệ C:N = 30:1 như sau:
CTA = 50% x lượng thức ăn bổ sung vào
NTA = % Protein x 16% x lượng thức ăn bổ sung vào
CBS = 30 x NTA- CTA
Trong rỉ đường có 46,7% lượng carbon
Lượng rỉ đường cần bón = CBS x 100/46,7
Trong đó:
CTA : là lượng carbon có trong thức ăn
CBS : là lượng carbon cần bổ sung vào hệ thống
NTA : là lượng nitrogen có trong thức ăn
50% : là lượng carbon có trong thức ăn chiếm 50%
0,16 : là lượng nitrogen chiếm 16% trong protein
30 : là tỉ lệ C:N cần cung cấp
Kết quả:
Trong suốt quá trình thí nghiệm, các yếu tố môi trường như nhiệt độ, pH, độ kiềm, TAN, nitrite và mật độ vi khuẩn ở các nghiệm thức đều nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của ấu trùng và tôm post. Ương ấu trùng tôm sú trong các hệ thống như: tuần hoàn, CPY, thay nước và biofloc, chất lượng của tôm PL thu được đều đạt kết quả tốt như nhau. Tuy nhiên ương ấu trùng tôm sú trong hệ thống tuần hoàn và mô hình sử dụng chế phẩm yucca CPY thì tôm tăng trưởng nhanh (PL10: 9,58 – 9,60 mm), đạt tỷ lệ sống (43,9 – 51,8%) và năng suất cao (77.089 – 86.746 PL10/m3).
Từ nghiên cứu trên cung cấp cho người nuôi những hệ thống ương ấu trùng tôm sú hiệu quả có thể áp dụng vào thực tiễn.
Nguồn: Theo tepbac.com Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết