Từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4 sẽ là thời điểm nắng nóng, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn. Do đó, để đảm bảo tiến độ lịch thả nuôi tôm cũng như bảo vệ diện tích tôm nuôi nước lợ đã và đang xuống giống, nhiều địa phương đã đưa ra những khuyến cáo cần thiết cho người nuôi tôm.
Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau khuyến cáo, với các hộ nuôi không chủ động được nguồn nước và hạ tầng không đảm bảo, thì không nên thả nuôi trong giai đoạn này để tránh thiệt hại, cần tuân thủ theo lịch thời vụ của địa phương. Ở những vùng có độ mặn cao trên 30‰, khi thả giống cần lưu ý tình trạng tôm chậm phát triển và dễ mắc bệnh.
Cần cải tạo ao thật kỹ, đúng quy trình, sao cho có thể loại bỏ được mầm bệnh còn tồn đọng, cần lắng, lọc, diệt khuẩn và xử lý nước trước khi lấy vào ao/vuông nuôi. Nên chủ động nguồn nước sạch và có nơi trữ nước để cung cấp, thay nước cho ao/vuông nuôi khi cần thiết. Hạn chế trao đổi nước trực tiếp với môi trường bên ngoài sông, rạch khi chưa qua xử lý. Thường xuyên theo dõi các yếu tố thủy lý hóa trong ao nuôi như: pH, nhiệt độ, độ kiềm, ôxy hòa tan để kịp thời điều chỉnh, tránh hiện tượng tôm bị sốc do môi trường, sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát huy tác dụng và gây bùng phát dịch bệnh.
Trong những ngày nắng nóng cần duy trì mực nước trong ao/vuông nuôi từ 1,2 – 1,5 m, tăng cường quạt nước và nâng mực nước ao/vuông nhằm giảm chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm và giảm sốc cho tôm nuôi. Đối với khu vực ương giống nuôi 2 giai đoạn, cũng cần có hệ thống lưới che làm giảm chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm.
Nắng nóng kéo dài cũng dễ làm bùng phát bệnh hoại tử gan tụy cấp. Để phòng bệnh này, cần diệt khuẩn kỹ nước trong ao lắng trước khi cấp vào ao nuôi, tăng cường bổ sung các chất tăng sức đề kháng, sử dụng chế phẩm vi sinh định kỳ giúp ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao nuôi. Điều chỉnh quạt nước và sục khí để ôxy hòa tan trong ao không dưới 5 mg/l. Thờng xuyên kiểm tra sàng ăn, để tránh trường hợp cho ăn dư làm ảnh hưởng đến chất lượng nước, ở những thời điểm nhiệt độ <26°C hoặc >34°C nên giảm 50% lượng thức ăn trong ngày. Đối với
trường hợp tôm ăn ít và biểu hiện gan tụy xấu hoặc xiphong thấy lượng thức ăn dư thừa nhiều, cần kiểm tra tình trạng sức khỏe tôm nuôi và giảm lượng thức ăn. Hộ nuôi lưu ý chọn con giống tốt, đã qua xét nghiệm để thả nuôi, thả tôm với mật độ vừa phải. Đối với TTCT nuôi ao đất mật độ 60 – 70 con/m2, ao lót bạt 100 – 120 con/m2, đối với tôm sú 15 – 20 con/m2.
Còn theo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, để hạn chế bệnh đối với những ao chưa thả nuôi, thì hộ nuôi cần diệt giáp xác kỹ khi cải tạo và chuẩn bị nuôi nước, chọn giống ở những nơi uy tín, chất lượng, sạch bệnh. Đối với những ao đã thả nuôi, thường xuyên theo dõi hoạt động của tôm, tình hình thời tiết, chế độ cho ăn phù hợp, tăng cường sức đề kháng cho tôm (sử dụng chế phẩm sinh học, Vitamin C), nhất là vào những thời điểm giao mùa hoặc có mưa nắng thất thường kéo dài; quản lý tốt các yếu tố môi trường (nhiệt độ, pH, khí độc, độ kiềm); sử dụng các biện pháp sinh học như: rào lưới, lưới ngăn dịch hại (chim, cua…) xâm nhập vào ao nuôi, khiến lây lan dịch bệnh từ vùng này đến vùng khác.
Mộc Lan
Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết