Không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản

Adv thuysan247
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, sản xuất nông nghiệp sáu tháng đầu năm trên địa bàn thành phố phát triển khá. Các chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp cơ bản đạt kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu tăng cao.

Nông dân huyện Phúc Thọ trồng nhiều loại rau đặc sản ngắn ngày.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, sản xuất nông nghiệp sáu tháng đầu năm trên địa bàn thành phố phát triển khá. Các chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp cơ bản đạt kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu tăng cao.

thuysan247.com

Cụ thể, năng suất lúa xuân ước đạt 61,74 tạ/ha, trong khi năm 2020 là 59,67 tạ/ha; rau các loại đạt 226,89 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt gần 530 nghìn tấn… Thành phố duy trì hiệu quả 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chăn nuôi tăng trưởng cả số lượng và sản lượng gia súc, gia cầm, dịch bệnh được kiểm soát tốt và không có dịch lớn xảy ra. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt gần 109 nghìn tấn, thịt gia cầm 81 nghìn tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản là 22.800 ha, với tổng sản lượng thủy sản ước đạt 53.590 tấn. Sản xuất nông nghiệp được mùa đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm ổn định nguồn cung hàng hóa nông sản cho người tiêu dùng Thủ đô trong bối cảnh dịch bệnh.

Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới quý II/2021 gần 11.465 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố chiếm 43,07%. Đến nay, thành phố có 12 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, tất cả các xã của huyện Đan Phượng đã hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Đan Phượng đang phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2021. Trong sáu huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét; các huyện Chương Mỹ, Mê Linh và Ứng Hòa đang hoàn thiện hồ sơ. Hai huyện Ba Vì và Mỹ Đức phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Đối với cấp xã, có 368/382 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong 14 xã còn lại, có hai xã của huyện Ba Vì đã đạt điều kiện trình UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 12 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 55 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn dưới 0,37%, có bốn huyện gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức không còn hộ nghèo.

Bên cạnh kết quả đạt được, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn ít, chưa có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ quy mô lớn… 

Mới đây, tại hội nghị giao ban quý II/2021, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được thời gian qua. Đồng thời, đồng chí cũng chỉ đạo, các huyện, thị xã cần sớm ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình số 04/CTr-TU của Thành ủy cụ thể theo từng năm để chủ động thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ. 

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, việc tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với bảo đảm đời sống cho người dân, nhất là lương thực, thực phẩm hết sức quan trọng. Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU cần bổ sung đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến việc thực hiện các mục tiêu của chương trình, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp cũng như việc lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu để chủ động có các giải pháp phù hợp. Các sở, ban, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai có hiệu quả các phương án đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Tuyệt đối không để đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, hàng hóa nhằm bảo đảm ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn Thủ đô.

Nguồn: Theo Báo Nhân Dân
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết