Khai thác tiềm năng nuôi ngao ở vùng nam đồng bằng sông Hồng

Adv thuysan247
Vùng nam đồng bằng sông Hồng có diện tích bãi bồi, mặt nước ven biển lớn rất phù hợp nuôi trồng thủy sản. Giá trị nhất là nuôi nhuyễn thể 2 vỏ, trong đó, nghề nuôi ngao đem lại nhiều lợi nhuận cho nông dân vùng biển, điển hình ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình.

Thu hoạch ngao ở vùng biển Kim Sơn, Ninh Bình. (Ảnh: NGUYỄN LỰU)

Vùng nam đồng bằng sông Hồng có diện tích bãi bồi, mặt nước ven biển lớn rất phù hợp nuôi trồng thủy sản. Giá trị nhất là nuôi nhuyễn thể 2 vỏ, trong đó, nghề nuôi ngao đem lại nhiều lợi nhuận cho nông dân vùng biển, điển hình ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình.

thuysan247.com

Những “triệu phú ngao”

Nhắc đến ông Phan Văn Tuyến, ở xã Đông Minh, huyện Tiền Hải (Thái Bình), nhiều người dân hóm hỉnh gọi ông là “vua ngao”. Hiện, ông Tuyến có khoảng 30 ha đầm nuôi ngao, chủ yếu là nuôi thả tự nhiên. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ông Tuyến thu hoạch khoảng 1.500 tấn ngao thịt, vài trăm tấn ngao giống. Theo ông Tuyến giá bán ngao hiện nay tại thị trường các tỉnh phía nam là 12.600 đồng/ 1 kg; loại ngao to (50 con/1 kg), giá bán tới 25 nghìn đồng/1 kg, đem lại lợi nhuận không nhỏ cho người nuôi ngao.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Minh, Bùi Duy Khánh, cho biết: “Đông Minh có khoảng 450 ha nuôi ngao. Hiện, chi phí nuôi ngao thấp vì con giống rẻ, thức ăn của ngao chủ yếu là phù du ở đầm bãi; người nuôi ngao chỉ mất công làm chòi, thuê mướn người canh coi bảo vệ, nên nuôi ngao lãi rất lớn”.

Hiện, nhiều hộ nông dân ở xã Đông Minh chuyển sang nuôi ngao thương phẩm, xuất bán hàng nghìn tấn ngao cho Công ty TNHH nghêu Thái Bình, ở cụm công nghiệp Cửa Lân, huyện Tiền Hải (Thái Bình) để chế biến sản phẩm ngao đông lạnh xuất khẩu sang các nước: Bỉ, Italia, Tây Ban Nha. Do vậy, chỉ sau vài vụ nuôi ngao thuận lợi, nhiều nông dân ở xã Đông Minh trở thành “triệu phú”.

Tương tự, vùng bãi bồi ven biển tỉnh Ninh Bình, Nam Định cũng có nhiều “triệu phú ngao” thu nhập tiền tỷ. Anh Phạm Văn Hinh, ở xã Kim Trung, huyện Kim Sơn cho biết, hơn chục năm nuôi ngao, chưa năm nào anh bị lỗ. Năm 2021, với 10 ha nuôi ngao, trừ hết chi phí mua giống, tiền trông coi bảo vệ anh vẫn lãi hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, nghề nuôi ngao cũng có rủi ro.

Anh Nguyễn Văn Tâm, ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, có hơn 10 ha nuôi ngao ở vùng bãi bồi chia sẻ: “Nuôi ngao như “đánh bạc với trời”. Chỉ một cơn bão to đi qua, hay một đợt dịch bệnh kéo dài là nhiều hộ có thể trắng tay. Bù lại, nuôi ngao lãi rất cao, có vụ lãi gấp 2 lần đến 3 lần so với vốn đầu tư.

Thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc thường mua ngao cỡ nhỏ, cho nên thời gian từ lúc thả ngao giống đến lúc thu hoạch rút ngắn còn 12 tháng, thay vì 15 tháng đến 18 tháng như trước, nên hạn chế được rủi ro”.

Trước nhu cầu nuôi ngao thương phẩm, vài năm qua, nhiều người dân ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình), mạnh dạn chuyển từ trồng lúa kém hiệu quả, sang nghề sản xuất ngao giống, hàu giống, với diện tích hơn 300 ha; sản lượng đạt 42,5 tỷ con giống ngao, giống hàu, phục vụ nhu cầu nuôi ngao ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, cho thu nhập từ 1 đến 2 tỷ đồng/ha/năm.

Đến xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy (Nam Định), nhiều ngôi nhà mới cao tầng to đẹp, bề thế của nông dân vùng biển Giao Xuân mọc lên san sát nhờ nuôi ngao. Đây là một trong 4 “vựa ngao” của huyện Giao Thủy.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giao Thủy, Trần Quang Hưng, thì xã Giao Xuân có hàng trăm hộ nuôi ngao, thu nhập đạt từ 300 triệu đến 400 triệu đồng/ha/năm. Những hộ có diện tích nuôi ngao lớn, thu nhập có thể tới hàng chục tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về thủy sản đánh giá, hình thức nuôi ngao tập trung ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình còn thấp. Nhiều hộ nuôi thả tự phát, chưa chủ động được nguồn con giống sản xuất nhân tạo, mà phần lớn dựa vào nguồn giống tự nhiên.

Về mật độ nuôi ngao thương phẩm ở các địa phương nêu trên chưa có sự thống nhất. Những hộ nuôi quảng canh, thu gom giống tự nhiên, thường thả mật độ thấp, trung bình 25 con/m2.

Có hộ lại thả nuôi mật độ cao, trung bình 500 đến 600 con/m2. Cá biệt có hộ nuôi hơn 1.000 con/m2, làm kéo dài thời gian nuôi từ 24 tháng đến 28 tháng (trong khi trung bình nuôi ngao chỉ có 18 tháng là thu hoạch).

Hơn nữa, nông dân một số xã ven biển nuôi ngao ngoài quy hoạch, nuôi ở những vùng chưa đủ điều kiện. Nguồn ngao giống nhập về không rõ nguồn gốc xuất xứ; có nơi chưa kiểm soát được ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn, trong khi thời tiết phức tạp, khó lường.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, Hoàng Thị Tố Nga cho biết: Năm 2019, do xâm nhập mặn cao, nhiều diện tích nuôi ngao ở huyện Giao Thủy (Nam Định) bị chết hàng loạt, ước tính thiệt hại đến 500 tỷ đồng.

Nâng cao kỹ thuật nuôi ngao

Được biết, các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình đang hướng tới việc phát triển nuôi ngao thương phẩm theo hướng bền vững.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình, Đinh Vĩnh Thụy cho biết: Thái Bình quy hoạch vùng nuôi ngao bãi triều giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 gồm 1.400 ha, tập trung ở các xã Thụy Trường, Thụy Xuân và Thái Đô (huyện Thái Thụy).

Tại tỉnh Ninh Bình có khoảng hơn 1.000 ha nuôi ngao tập trung ở vùng ngoài đê Bình Minh III đến Cồn Nổi, với sản lượng hằng năm đạt khoảng 17 nghìn tấn.

Còn tại tỉnh Nam Định, 2 huyện hình thành được vùng nuôi ngao lớn là huyện Giao Thủy nuôi 1.650 ha và Nghĩa Hưng nuôi 500 ha, có khả năng cung cấp khoảng 40.000 tấn ngao thương phẩm/năm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, Hoàng Thị Tố Nga cho biết: “Ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định quan tâm triển khai chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm từ năm 2004, cho nên các vùng nuôi ngao ở huyện Giao Thủy, huyện Nghĩa Hưng của tỉnh trở thành 2 trong số 13 vùng trên cả nước đạt tiêu chuẩn B châu Âu về an toàn sinh học. Sản phẩm ngao đủ điều kiện xuất khẩu.

Đặc biệt, vùng nuôi ngao 500 ha, có sản lượng 10 nghìn tấn/năm, ở xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC - tiêu chuẩn quốc tế về nuôi thủy sản bền vững trong đó có ngao. Đây là chứng nhận đầu tiên cho giống ngao Meretrix Lyrata nuôi ở Nam Định, được ví như “hộ chiếu VIP” để tiếp cận nhiều thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và hệ thống siêu thị cao cấp tại Trung Quốc.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam Nguyễn Hồ Nguyên, dù ảnh hưởng dịch Covid-19, năm qua, công ty vẫn xuất khẩu hơn 7.500 tấn ngao thương phẩm, trị giá 14,5 triệu USD.

Mới đây, công ty tổ chức xuất khẩu sang châu Âu một container thịt ngao đóng hộp đầu tiên trong đơn hàng 2 triệu hộp tương đương 2.000 tấn ngao thương phẩm. Đây là sự kiện tiếp nối đánh dấu nghề nuôi ngao ở Nam Định đã hình thành sự gắn kết giữa sản xuất, chế biến theo hướng hiện đại, an toàn, đáp ứng các thị trường “khó tính”.

Để mở rộng và phát triển nuôi ngao thương phẩm, theo nhiều chuyên gia về thủy sản, trước hết người nuôi ngao ở các vùng ven biển cần chú trọng liên kết diện tích nuôi ngao nhỏ lẻ thành các vùng nuôi ngao chuyên canh rộng lớn; trước vụ nuôi thả ngao cần khử trùng đầm bãi; theo dõi sự thay đổi đột ngột của thời tiết để có chế độ chăm sóc phù hợp.

Khi thủy triều rút, nên nhặt rác, vệ sinh đầm bãi, góp phần giảm ô nhiễm môi trường nước. Chính quyền các địa phương có bãi bồi ven biển cần triển khai mạnh mẽ việc thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích hợp tác, liên kết “bốn nhà” để hỗ trợ người nuôi.

Tăng cường định hướng, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ đăng ký bảo hộ sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm ngao OCOP phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với số lượng lớn, từ đó, nâng cao đời sống của người dân các vùng ven biển.

HỒNG KHÁNH TÚ

Nguồn: Theo Báo mơi
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết