Đưa nông sản Quảng Ninh xuất ngoại

Adv thuysan247
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển nông, lâm, thủy sản, mặc dù vậy, thời gian trước, lĩnh vực này chưa phát huy được thế mạnh.

Chế biến hàu tại Công ty TNHH sản xuất và Thương Mại Thủy sản Quảng Ninh.

Quảng Ninh là tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển nông, lâm, thủy sản, mặc dù vậy, thời gian trước, lĩnh vực này chưa phát huy được thế mạnh.

thuysan247.com

Để đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh vươn xa hơn, nhất là tiến đến thị trường nước ngoài, các ngành chức năng của tỉnh đang nỗ lực giúp các doanh nghiệp đổi mới, hoàn thiện sản phẩm và kết nối thị trường xuất khẩu.

Quảng Ninh có vùng sản xuất nông sản khá dồi dào, với 14 vùng trồng cây ăn quả với sản lượng khoảng 4.500 tấn/năm. Sản lượng khai thác thủy sản trung bình hằng năm đạt trên 145.000 tấn. Tỉnh cũng đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hiện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng các công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt, như: Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188, Công ty CP Đầu tư và xuất nhập khẩu Song Hành, Công ty CP Công nghệ Sơn Linh… Đối với năng lực cấp đông nông sản của các đơn vị trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 380 tấn/ngày; năng lực bảo quản đông lạnh đạt khoảng 12.000 tấn. Có 3 cơ sở đóng gói hoa quả tươi; 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Tháng 7/2019, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức được ký kết. Đây được coi là cơ hội rộng mở để nông sản Quảng Ninh mở rộng thị trường. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, các sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước đổi mới cách thức sản xuất, nuôi trồng, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Đồng thời, phát triển các sản phẩm OCOP và sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh để hướng tới người tiêu dùng và xuất khẩu. Tính đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được tổng số 500 sản phẩm OCOP, trong đó có 238 sản phẩm được phân hạng, cấp sao.

Từ năm 2020 đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ kết nối giới thiệu sản phẩm của 21 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến các tham tán Việt Nam tại nước ngoài như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Malaysia; Ấn Độ, Trung Quốc. Bên cạnh đó, Sở cũng có văn bản gửi các ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện chính sách mới sẽ được áp dụng bắt đầu từ năm 2022 quy định về “đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và “quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhằm tạo sự chủ động trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp sang thị trường tiềm năng này.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT cũng đã luôn đồng hành, ưu tiên nguồn lực và tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là các chính sách hỗ trợ về máy móc, thiết bị trong sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm và chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp. Qua đó, thúc đẩy việc chế biến sạch, chế biến sâu, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của tỉnh. Về lâu dài, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở nhà xưởng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu để được cấp phép bổ sung doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường lớn như Trung Quốc, châu Âu…

Hoạt động kiểm soát và khử khuẩn xe, hàng hóa trước khi xuất khẩu sang thị Trung Quốc tại Cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu).

Với việc phát huy lợi thế sẵn có và nỗ lực trong việc đáp ứng những yêu cầu của thị trường nước ngoài, nhiều sản phẩm nông sản, thủy sản của tỉnh đã được xuất khẩu sang các thị trường lớn, có tiềm năng. Điển hình như, đã kết nối được cho các sản phẩm nến, nước mắm, thủy sản… sang các thị trường Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc, Anh Quốc, Australia, Nga, Malaysia; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm tiến đối tác xuất khẩu sản phẩm miến dong Bình Liêu, thủy sản, sản phẩm OCOP,… sang thị trường Trung Quốc; sản phẩm dầu ăn của Công ty TNHH Dầu thực vật xuất sang thị trường Nhật Bản… Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Quảng Ninh đã thẩm tra cấp 17.598 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), trị giá hàng hóa được cấp C/O đạt 1.044 triệu USD. Trong đó, đã làm thủ tục xuất khẩu trên 1.600 tấn nông sản, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2020 và làm thủ tục xuất khẩu trên 3.200 tấn thủy sản, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhờ sự chủ động vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, nông sản Quảng Ninh đã có cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, trong đó có những thị trường vốn nổi tiếng về sự khắt khe, với những yêu cầu cao về chất lượng nông sản. Đáng chú ý, tháng 4/2021, sản phẩm Quế hữu cơ của Quảng Ninh đã lên đường xuất khẩu đi các nước châu Âu, mở ra những tín hiệu vui cho nông sản Quảng Ninh trong tương lai.

Mặc dù vậy, theo cơ quan chuyên môn, sản lượng xuất khẩu nông sản của Quảng Ninh ra thị trường quốc tế vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Chưa kể, sự cạnh tranh thị trường cũng sẽ diễn ra ngày càng khốc liệt hơn; yêu cầu nông sản xuất khẩu ở nhiều thị trường ngày càng khắt khe hơn. Điều này, đòi hỏi tỉnh tiếp tục phải có nhiều giải pháp để tăng cường cả về sản lượng và chất lượng nông sản; đi kèm với đó là chiến lược quảng bá hiệu quả hơn.

Được biết, Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực, giai đoạn 2020-2025 nhằm tiếp tục quan tâm dài hơi hơn đến việc nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản. Mục tiêu đề án không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, mà còn hướng tới xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới.

Minh Đức

Nguồn: Theo BÁO QUẢNG NINH
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết