Đồng Tháp: Làm giàu không khó từ mô hình hai lúa - một cá

Adv thuysan247
Trên cùng một diện tích sản xuất, thay vì chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất từ cây lúa như trước đây, nay nông dân vùng đầu nguồn Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) có thêm nguồn thu nhập khá từ con cá đồng tự nhiên. Đây chính là hiệu quả bước đầu và rõ nhất mà mô hình sinh kế của Tiểu dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười” mang lại cho người nông dân.

Trên cùng một diện tích sản xuất, thay vì chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất từ cây lúa như trước đây, nay nông dân vùng đầu nguồn Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) có thêm nguồn thu nhập khá từ con cá đồng tự nhiên. Đây chính là hiệu quả bước đầu và rõ nhất mà mô hình sinh kế của Tiểu dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười” mang lại cho người nông dân.

thuysan247.com

Mô hình sinh kế phù hợp

Năm 2020, Tiểu dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười (ICRSL Đồng Tháp) triển khai thực hiện được 12 mô hình, tổng diện tích là 113 ha, với 4 loại hình sinh kế (mô hình 2 lúa – 1 cá; 2 lúa – 1 tôm; 2 lúa + 1 vịt – cá và mô hình 2 màu – 1 cá) tại TP Hồng Ngự và các huyện: Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình. Tham gia mô hình, nông dân được tập huấn về quy trình sản xuất lúa, màu, nuôi thủy sản bảo đảm ATTP, giảm tác động biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…

Hình thức canh tác kết hợp lúa – cá thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: ST

Về hiệu quả kinh tế, mặc dù có một số mô hình bị lỗ trong hoạt động nuôi cá/tôm mùa lũ nhưng nhưng tổng lợi nhuận mô hình/năm đều tăng so ngoài mô hình từ 5 – 44 triệu đồng/ha/năm; nhờ giảm lượng giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Đa số nông dân tham gia mô hình đều rất phấn khởi bởi tính hiệu quả rất khả quan và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến

Anh Nguyễn Văn Vương ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông là một trong những nông dân được Dự án hỗ trợ thực hiện mô hình 2 lúa – 1 vịt – cá đồng. Anh chia sẻ, trước khi tham gia mô hình, anh sạ 20 kg giống/công, tuy nhiên khi tham gia mô hình sinh kế, được cán bộ kỹ thật hướng dẫn năm đầu (năm 2019), anh sạ theo hình thức kéo hàng 16 kg giống/công, thấy lúa cho hiệu quả cao nhờ ít sâu bệnh. Vụ sau (đông xuân 2020), anh tiếp tục giảm lượng giống xuống 10 kg/công, đồng thời kéo hàng cách 2 tấc/hàng để vịt đi giáp đất và cho vịt, cá ăn được sâu mò.

Một trường hợp khác vừa làm và dần rút kinh nghiệm, nên đến nay mô hình 2 lúa – trữ cá tự nhiên của ông Huỳnh Văn Kiểm, ngụ ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự đã đạt được lợi nhuận khá cao. Ông Kiểm cho biết: “Vụ đầu tiên (năm 2019), tôi sạ giống Ngọc đỏ hương dứa theo hình thức bón phân hữu cơ, kết hợp nuôi cá, qua tính toán, mỗi ha tôi thu được lợi nhuận khoảng 5 – 10 triệu đồng”. Năm 2020, tiến hành nhử cá đồng vào ở tại các hộc bờ bao lửng, đồng thời ông thả nuôi bổ sung 70.000 giống cá lăng. Sau 6 tháng thả nuôi, ông bắt đầu thu hoạch. Mặc dù chỉ mới thu hoạch một phần nhỏ diện tích thả nuôi nhưng số lượng cá thu được rất đáng phấn khởi. Với 150 kg cá lăng loại lớn bán với giá 85.000 đồng/kg, ông Kiểm có thêm thu nhập hơn 12 triệu đồng và những đợt thu hoạch tiếp theo hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận lớn, bởi lượng cá còn rất nhiều.

“Mô hình trữ cá tự nhiên so với cá nuôi bình thường thì hiệu quả kinh tế cao hơn, giá bán cao hơn và chủ động thời gian để bán, không bị đụng chợ. Trữ qua mùa hạn như thế này để bán thì giá thành cao hơn, lợi nhuận hơn”, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hồng Ngự cho biết.

Qua so sánh tính hiệu quả của mô hình 2 lúa – 1 cá đồng, cá tự nhiên với canh tác lúa truyền thống, cả hai vụ lúa sản xuất trong mô hình đều cho lợi nhuận cao hơn từ 1,6 – 2,3 triệu đồng/ha  và thêm nguồn thu nhập khá từ cá đồng, cá tự nhiên. Ngoài hiệu quả thấy rõ từ nguồn thu nhập đến từ lúa và cá, mô hình sinh kế 2 lúa 1 cá của Tiểu dự án còn giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất ở các vụ sau bởi diện tích đất trong mô hình được bồi đắp phù sa, các loại sinh vật gây hại cũng được cá ăn bớt nên chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng sẽ giảm xuống, lúa làm ra cũng sạch hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn nhận định, sinh kế mùa lũ nhưng cũng phải ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, không nên đơn thuần dựa vào tự nhiên. Sau khi dự án hoàn thành, cần đúc kết, xây dựng quy trình sản xuất thích ứng phổ biến cho nông dân áp dụng và thực hiện nhân rộng…

Anh Vũ

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết