Đồng bằng sông Cửu Long: Mùa nước nổi đang chìm

Adv thuysan247
Những ngày cuối tháng 9, nước thượng nguồn sông Mekong đổ về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhích lên, nhưng so với mọi năm vẫn thấp hơn nhiều.

Cá linh được thương lái thu mua với giá cao hơn mọi năm nhưng sản lượng đánh bắt được rất thấp. Ảnh: Hưng Thơ

Những ngày cuối tháng 9, nước thượng nguồn sông Mekong đổ về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhích lên, nhưng so với mọi năm vẫn thấp hơn nhiều.

thuysan247.com

Nước về muộn, lại ở mức thấp, kéo theo lượng phù sa và nguồn lợi thủy sản ít hơn trước. Đi dọc quốc lộ 91 từ TP.Cần Thơ đến tỉnh An Giang, gặp những người dân lâu nay gắn bó mưu sinh mùa nước nổi, ai cũng lo lắng.

Thủy sản ít, chuột nhiều

Vào thời điểm này những năm trước, chợ An Phú (thị trấn An Phú, huyện An Phú, tỉnh An Giang) là nơi bày bán nhiều sản vật của mùa nước nổi, nhưng bây giờ, đi hết chợ, chỉ lèo tèo vài người bán. Đi về vùng nước nổi, hỏi thăm tình hình đánh bắt thủy sản, chúng tôi ghé nhà ông Tám Ân (50 tuổi, trú tại ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú). Cách biên giới Campuchia chừng 1km, mùa khô phía trước nhà ông là cánh đồng trồng hoa màu, còn bây giờ nước ngập mênh mông.

Có báo trước, nên vợ chồng ông Tám Ân chuẩn bị bữa ăn trưa đãi khách. “Bà Tám ra chợ, tìm mua cá linh là đặc sản mùa nước nổi về nấu canh, nhưng mà chỉ có chuột” - ông Tám Ân giãi bày. Ông Tám Ân có 3 người con, cả gia đình chỉ có 12 công lúa, trước kia hết mùa hoa màu, nước tràn đồng thì hái điên điển, đánh bắt thủy sản mưu sinh. Nhưng rồi nguồn lợi thủy sản giảm dần, lúa làm chỉ đủ ăn, nên các con của ông Tám Ân đi nơi khác làm thuê.

Cách đó một quãng, ngôi nhà của ông Tư Cương (54 tuổi, trú tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu) cũng chỉ có 2 vợ chồng và đứa cháu nội. Mùa nước nổi, vợ chồng ông Tư Cương sống nhờ đánh bắt cá và hái bông điên điển trên cánh đồng Phú Hữu. “Nước lũ về muộn, cá đánh bắt ít quá. Chuột lại nhiều, đến đám điên điển cũng bị chuột phá, phải đến tháng 2 điên điển mới phục hồi lại” - ông Tư Cương nhìn ra cánh đồng mùa nước nổi, thở dài.

Cũng trên cánh đồng Phú Hữu, chúng tôi gặp những người thu mua cá linh, và không tránh được cái thở dài. Đến mùa nước nổi, năm nào bà Nguyễn Thị Diễm (45 tuổi, trú tại xã Phú Hữu) cũng ra đồng thu mua cá linh để bán lại cho thương lái. Năm nay giá cá linh cao hơn, nhưng mỗi ngày bà Diễm chỉ mua được khoảng gần 500kg cá, chưa bằng một nửa so với những năm trước. Nếu thu mua ngay tại đồng Phú Hữu, cá linh có giá khoảng 60.000 đồng/kg, cá được thương lái chuyển lên phố hoặc các khu chợ lớn để bán với giá gấp đôi, gấp ba. Vì vậy, để mua lẻ vài ký ở ngay vùng nước nổi rất khó.

“Tôi thu mua nhiều năm nên có các mối quen, Việt kiều bên Campuchia cũng qua đây bán. Nhưng năm nay cá linh nhỏ, cá bắt được giảm khoảng 50% so với năm trước” - bà Diễm cho hay.

Lũ ngắn, hệ lụy dài

Theo Ủy hội sông Mekong, nước lũ thượng nguồn đổ về ĐBSCL có nhích lên trong những ngày gần đây, tuy nhiên mực nước vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, ở trạm Tân Châu, dự báo đến ngày 25.9 đạt 3,46m. Còn ở trạm Châu Đốc, dự báo đến ngày 25.9 đạt 2,99m. Mực nước thấp, đồng nghĩa với việc lượng phù sa, nguồn lợi thủy sản từ sông Mekong mang về ĐBSCL thấp hơn nhiều so với những năm trước.

Còn theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - nhà nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, lũ năm nay về muộn và thấp, lũ xuất hiện tạm thời do những trận mưa lớn ở Nam Lào. Do vậy, dòng sông chỉ dâng lên một đoạn phía nam nên nước xuống phía Việt Nam không nhiều. Sắp tới, nếu mực nước Tân Châu, Châu Đốc có dao động thì đó là dao động theo kỳ nước rong, nước kém.

Thạc sĩ Thiện dự đoán, trong tháng 10, nếu có mưa lớn ở bắc Lào và nam Lào, nước có thể lên một lần nữa, còn nếu không thì coi như mùa lũ đã đi qua. Về vấn đề thủy sản, nước về muộn và thấp nên cá kích thước nhỏ. “Trong 2 - 3 năm tới, dù mùa nước có lớn trở lại bình thường thì thủy sản vẫn ít bởi vì đàn cá năm nay suy giảm vẫn chưa kịp phục hồi”, thạc sĩ Thiện nói.

Nguồn: Theo Lao động
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết