Doanh nghiệp gặp khó trong kiểm dịch

Adv thuysan247
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp về sự không rõ ràng trong các biện pháp kiểm soát ATTP và kiểm dịch với sản phẩm thủy sản chế biến sau khi liên tục được các doanh nghiệp trong nước phản ảnh.

Vẫn còn nhiều quy định đang gây khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản Ảnh: VS

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp về sự không rõ ràng trong các biện pháp kiểm soát ATTP và kiểm dịch với sản phẩm thủy sản chế biến sau khi liên tục được các doanh nghiệp trong nước phản ảnh.

thuysan247.com

Trước đó, ngày 19/2/2021, VASEP đã có công văn góp ý dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT (TT15/2018) gửi Bộ NN&PTNT khi danh mục hàng kiểm dịch ngày càng nhiều, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ranh giới giữa “dịch bệnh” và“an toàn thực phẩm”

Trong văn bản gửi Bộ NN&PTNT ngày 19/2/2021 để góp ý cho thông tư thay thế Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT, VASEP đã kiến nghị không đưa các sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật thủy sản vào Danh mục kiểm dịch theo Luật Thú y. Hiện tại, việc nhập khẩu các sản phẩm chế biến kể trên để dùng cho người, đã và đang được Cục Thú y kiểm tra nhập khẩu theo các chỉ tiêu ATTP. Theo VASEP, cách làm này là đúng cơ sở khoa học, pháp lý và thông lệ quốc tế.

Vấn đề phát sinh khi các hoạt động này đang bị mang tên là hoạt động kiểm dịch theo Luật Thú y. Đại diện VASEP giải thích: “Gọi đúng bản chất của hoạt động này, cũng như cách thức cơ quản lý đang làm với sản phẩm này là kiểm tra ATTP, thì căn cứ thực hiện là Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm 2010. Nhưng vì bị gọi là kiểm dịch, nên phải thực hiện quy trình, thủ tục theo các thông tư: 36/2018/TT-BNNPTNT, 26/2016/TT-BNNPTNT và 18/2018/TTBNNPTNT quy định về kiểm dịch, sản phẩm động vật thủy sản. Quy trình, thủ tục vì thế phức tạp hơn, nhiều sản phẩm đáng ra được miễn kiểm tra ATTP vẫn bị kiểm tra vì phải tuân theo quy định của kiểm dịch. Chúng tôi đề nghị gọi đúng tên của hoạt động này là kiểm tra ATTP”.

Trong văn bản gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp gửi Thủ tướng Chính phủ, VASEP cho rằng, việc chưa phân biệt được các chỉ tiêu về “dịch bệnh” và “an toàn thực phẩm”, khi mà sản phẩm là thực phẩm dùng cho người, thậm chí bị đánh tráo khái niệm, khiến quy mô hàng hóa và đối tượng chịu điều chỉnh là quá mức cần thiết.

Văn bản của VASEP kiến nghị:“Chúng tôi tiếp tục đề nghị Bộ NN&PTNT: không đưa các sản phẩm thủy sản chế biến từ động vật – sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” (hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh…) vào danh mục phải kiểm dịch (bệnh) theo Luật Thú y, trừ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh. Các sản phẩm chế biến kể trên chỉ chịu kiểm soát theo các quy định của Luật An toàn thực phẩm”.

Còn nhiều bất cập

Ngày 30/12/2019, Bộ NN&PTNT ra Quyết định số 5051/QĐ-BNNPC ban hành kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, trong đó giao Vụ Pháp chế của Bộ chủ trì xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2018 ban hành bảng mã số HS đối với danh mục hành hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ. Tháng 1/2021, VASEP nhận được Dự thảo Thông tư 15/2018 (mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNT). Ngày 25 – 26/1/2021, Bộ NN&PTNT tổ chức họp rà soát, thẩm định dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 15/2018, đại diện VASEP được mời tham dự và đã có ý kiến trao đổi, góp ý tại tại hội thảo. Ngày 19/2/2021, VASEP có công văn gửi Bộ NN&PTNT, Vụ Pháp chế và Cục Thú y góp ý về nội dung dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 15/2018. 

Tại công văn ngày 19/2/2021, VASEP nhấn mạnh rằng, nhiều sản phẩm chế biến là hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh…, vẫn tiếp tục thuộc danh mục phải kiểm dịch theo Luật Thú y là chưa phù hợp. Việc duy trì mở rộng các đối tượng/danh mục “hàng chế biến” phải kiểm dịch như Dự thảo là biện pháp quá mức và không cần thiết, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, với quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế hiện nay.

Cần phù hợp với quốc tế

Trong 10 năm qua (2010 – 2020), Bộ NN&PTNT đã có 4 Thông tư hướng dẫn, quy định về kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản. Đó là Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT ngày 2/2/2010, sau đó thay thế bởi Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016; Thông tư 26/2016 được sửa đổi, bổ sung một phần bởi Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 và Thông tư 11/2019/TT-BNNPTNT ngày 22/10/2019. 

Theo đó, càng về sau “danh mục hàng thủy sản” nhập khẩu phải kiểm dịch càng mở rộng hơn, mà không có bất cứ sự thay đổi nào về cơ sở pháp lý hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh. Giai đoạn 2015 – 2020, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, đa phần có quyết nghị phân công Bộ NN&PTNT về “cải cách, cắt giảm kiểm dịch thủy sản đông lạnh”. Nhưng chính giai đoạn này, Bộ NN&PTNT lại liên tiếp sửa đổi, bổ sung nội dung các Thông tư, khiến hàng hóa thủy sản nhập khẩu (đặc biệt là hàng thủy sản chế biến đông lạnh, khô, đồ hộp…) và/hoặc được “liệt kê” là có nguy cơ cao phải kiểm dịch tăng lên.

Trong 10 năm (2010 – 2020), còn có bất cập lớn nữa là chưa phân biệt được các chỉ tiêu về “dịch bệnh” và “an toàn thực phẩm”, khi mà sản phẩm là thực phẩm dùng cho người. Hầu hết các chỉ tiêu vi sinh đang quy định tại Thông tư 26/2016 và Thông tư 36/2018 đều là các chỉ tiêu ATTP, tác nhân gây bệnh cho người khi ăn phải, chứ không phải các chỉ tiêu dịch bệnh – tác nhân làm lây lan dịch bệnh cho đối tượng thủy sản/động vật nuôi. Nói cách khác, có sự đánh tráo khái niệm, trùng lắp nội dung và khiến quy mô hàng hóa và đối tượng chịu điều chỉnh quá mức cần thiết.

Theo nhiều doanh nghiệp thủy sản, các quy định của nước ta hiện chưa phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế. Thực tế hiện nay, nhiều nước không yêu cầu kiểm dịch (bệnh) đối với hàng thủy sản đông lạnh hoặc chế biến chín, đóng bao bì kín.

>> Trả lời vấn đề này, đại diện Cục Thú y cho biết, Bộ NN&PTNT thường xuyên rà soát các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành (kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP) thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ; thực hiện cắt giảm, thay đổi phương thức kiểm tra theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ. Với những nội dung VASEP đã nêu, cần chú ý theo khoa học về thú y, các vi sinh vật nói chung, bao gồm cả vi sinh vật gây bệnh, tồn tại lâu nếu hàng hóa được bảo quản lạnh sâu (đông lạnh). Do đó, đối với hàng hóa đông lạnh, vẫn thuộc nhóm có nguy cơ cao mang vi sinh vật gây bệnh so với hàng hóa được xử lý ở nhiệt độ cao khác. Cục Thú y rất trân trọng lắng nghe các ý kiến và sẽ có những tiếp thu phù hợp, để phối hợp cùng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) ban hành theo hướng đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người, vật nuôi nội địa và môi trường, nhưng cũng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Thanh Hải

Nguồn: Theo Thủy sản Viêt Nam
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết