Để sử dụng men vi sinh hiệu quả tiết kiệm
Tép bạc xin giới thiệu những biện 6 pháp kỹ thuật giúp người nuôi tôm cá sử dụng men vi sinh hiệu quả và tiết kiệm.
1. Sử dụng đúng mục đích của các chủng vi sinh
Men vi sinh hay còn gọi chế phẩm sinh học, có thành phần là các vi sinh vật sống có lợi, giúp tăng cường hệ vi sinh đường ruột, nâng cao sức đề kháng , giúp cơ thể vật chủ chống lại vi khuẩn gây bệnh. Các giống vi sinh vật được sử dụng phổ biến là: Lactobacillus sp, Bacillus sp, Enterococus, Saccharomyces… Tuy nhiên mỗi giống vi sinh vật sẽ có công dụng, vật chủ, và cách dùng khác nhau đo đó việc sử dụng đúng là lựa chọn loại probiotics phù hợp với công dụng của từng chủng vi sinh.
Sau đây là một số thông tin về các chủng vi sinh vật được sử dụng làm probiotics và chức năng của chúng trong nuôi trồng thủy sản.
Những chủng vi sinh vật được sử dụng làm probiotics trong nuôi tôm
2. Tăng sinh khối cho men vi sinh trước khi đưa xuống ao nuôi
Một trong những biện pháp kỹ thuật quan trọng là cần phải tăng sinh khối của men vi sinh trước khi đưa xuống ao nuôi nhưng người nuôi cần chú ý từng chủng men vi sinh sử dụng để có giải pháp tăng sinh hiệu quả. Men vi sinh sử dụng trong nuôi tôm thường là men vi sinh dạng bột dạng bào tử: dạng này để sử dụng hiệu quả cần ủ trước khi cho ăn hoặc trước khi tạt xuống ao.
Với những chế phẩm vi sinh dạng bột chứa các chủng: Bacillus subtilis, Bacillus cereus, Bacillus licheniformis nên dùng nước của ao nuôi hòa tan có thể bổ sung thêm mật rỉ đường, sục khí mạnh 3 – 6 giờ để tăng sinh khối trước khi sử dụng. Với men vi sinh có Nitrosomonas spp (Nitrosomonas marina) và Nitrobacter spp (Nitrobacter winogradskyi và Nitrobacter alcalicus) cũng nên tăng sinh khối trước khi tạt xuống ao.
Riêng các chế phẩm vi sinh EM nên ủ yếm khí tức là ủ kín không cho không khí vào để tránh tạp nhiễm.
3. Đảm bảo môi trường nước tốt khi sử dụng men vi sinh
Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng chế phẩm sinh học
- Thời gian đánh men vi sinh tốt nhất vào khoảng 8 – 10h sáng, lúc nắng ấm, trời trong và hàm lượng oxy hòa tan cao.
- Oxy hòa tan: Vi khuẩn hiếu khí phải đảm bảo lượng oxy hòa tan đầy đủ có hiệu quả sử dụng. Khi oxy hòa tan thấp sẽ sử dụng kém hiệu quả.
- Độ kiềm, độ mặn: Nước có độ kiềm từ 80-150mg/l CaCO3 thì pH ổn định, nước có độ kiềm ≤ 50mg/l CaCO3 khiến pH dao động dẫn tới hiệu quả sử dụng vi sinh thấp. Độ mặn quá cao có thể gây chết hoặc ức chế sinh trưởng của vi sinh.
4. Sử dụng đúng liều đúng lượng
Thời gian và tần suất sử dụng:
- Nên sử dụng vi sinh ngay từ đầu vụ sẽ mang lai hiệu quả cao nhất. Sử dụng định kỳ thường xuyên.
- Đầu vụ, 7-10 ngày sử dụng một lần, từ giữa đến cuối vụ 3-4 ngày sử dụng một lần.
* Liều lượng sử dụng:
- Sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Sử dụng quá nhiều liên tục sẽ gây mất cân bằng sinh thái, vật nuôi dễ bị kích ứng stress.
- Sử dụng quá ít, hiệu quả sẽ không cao hoặc không mang lại hiệu quả.
5. Không dùng kháng sinh, các chất diệt khuẩn khi sử dụng men vi sinh
Kháng sinh và hóa chất diệt khuẩn không những diệt vi khuẩn có hại mà còn diệt luôn vi khuẩn có lợi trong ao. Do đó nếu mô hình nuôi sử dụng men vi sinh định kỳ, cần hạn chế sử dụng kháng sinh, nếu sử dụng kháng sinh thì sau ít nhất 2 ngày mới cấy lại men vi sinh cho ao.
6. Sử dụng men vi sinh kết hợp với prebiotic
Prebiotic là thức ăn của các loài vi khuẩn, loài được coi là có lợi cho sức khỏe và miễn dịch của vật chủ - do đó prebiotics được bổ sung vào chế độ ăn để điều chỉnh sự tăng trưởng và hoạt động của các loài vi khuẩn cụ thể trong ruột.
Có thể sử dụng cùng lúc men vi sinh và các prebiotics thương mại như mannan oligosacarit (chiết xuất của nấm nem) hoặc ủ trước khi sử dụng như các dạng EM tỏi hoặc EM chuối.
Nguồn: Theo tepbac.com Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết