Đánh cược với trời đất

Adv thuysan247
Đợt mưa do ảnh hưởng bão vừa qua, đã làm cho cá lồng nuôi trên nhiều con sông chết hàng loạt. Tất nhiên là người nuôi bị thiệt hại rất nhiều.

Người dân xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) thu hoạch tỉa cá lồng

Đợt mưa do ảnh hưởng bão vừa qua, đã làm cho cá lồng nuôi trên nhiều con sông chết hàng loạt. Tất nhiên là người nuôi bị thiệt hại rất nhiều.

thuysan247.com

Nhiều hình ảnh cho thấy, cá chết là cá trắm cỏ, kích cỡ còn nhỏ, có thể là thời gian nuôi chưa dài. Cá trắm cỏ muốn bán được giá phải từ khoảng 2 kg trở lên. Lúc này thịt cá mới ngon.

Mặc dù bây giờ thời tiết không mưa thuận gió hòa như trước đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhưng có lẽ, kinh nghiệm dân gian đúc kết: “Tháng bảy nước nhảy lên bờ” ai cũng biết. Người nuôi cá lồng trên các sông có lẽ không “lách được khung thời tiết bất lợi”, hoặc là có thể quyết định “may rủi”. Và thật sự, rủi ro đã xảy ra.

Ở đầm phá những người nuôi tôm cá bán tự nhiên trong các hồ vây quanh bằng lưới (dân đầm phá gọi là ô) có một kinh nghiệm rất hay, qua tết, khi thời tiết thuận lợi họ bắt đầu thả giống. Và họ thu hoạch hết bằng mọi cách trước khi nước lũ có thể về. Vì cá tôm nước lợ, khi lũ về nhiều nếu không trôi đi thì cũng bị chết vì nước bạc) cho nên họ ít khi mất trắng vì lũ. Cách họ thu hoạch là dần dần chứ không đợi cá tôm lớn thu hoạch một lúc. Kinh nghiệm của người nuôi đầm phá có giúp được gì cho người nuôi cá trong việc lách thời tiết bất lợi?

Không nên “đánh cược với trời đất” vì rủi ro rất cao. Xin được kể một câu chuyện sau: Tại Vinh Xuân (huyện Phú Vang), thôn Kế Võ có một mô hình nuôi tôm cao triều mới triển khai thực hiện nhưng xem ra rất hay và lạ. Mỗi vuông nuôi tôm được xây bằng bê tông hình tròn (không bằng hình vuông như các hồ nuôi tôm chúng ta từng thấy) nổi trên mặt đất, có diện tích 300m2; trên mặt hồ được làm dàn che bằng lưới.

Đây chỉ mới là hồ nuôi, còn nhiều công trình phụ trợ khác như hồ xử lý nước trước khi đưa vào hồ nuôi; khu vực tôm sinh sản, khu vực cho trứng nở và ươm giống…

Vừa rồi là vụ thu hoạch lứa đầu tiên trên một hồ nuôi thử nghiệm. Kết quả thu hoạch được 2 tấn. Quy ra giá trị bằng tiền trên tổng doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng – chủ cơ sở này (anh không muốn nêu tên) nói rằng : “Năng suất như thế là quá đạt”.

Không thể so sánh với cách nuôi tôm công nghiệp khép kín hoàn toàn như Công ty CP đang làm. Nhưng nếu so sánh với cách nuôi tôm trong ao nuôi của bà con chúng ta đang làm phổ biến thì cách nuôi này có những ưu điểm vượt trội. Thứ nhất là kiểm soát được gần như tuyệt đối độ an toàn của nguồn nước. Nước trước khi đưa vào nuôi được kiểm nghiệm đạt chất lượng. Nuôi xong một vụ, nguồn nước được xả thải, bơm nước ngọt vào ngâm - anh cho biết, các loại vi khuẩn phát triển trong nước mặn rất kỵ với nước ngọt, sau đó xử lý bằng hóa chất một lần nữa, độ an toàn gần như tuyệt đối.

Thứ hai, tuy chưa khép kín nhưng cách nuôi này đã chủ động được hai công đoạn: giống và quy trình nuôi. Trong chăn nuôi có nhiều công đoạn: giống – thức ăn – khoa học kỹ thuật – chế biến – đưa sản phẩm ra thị trường. Chỉ có các tập đoàn lớn mới đủ nguồn lực tài chính và nhiều điều kiện khác để thực hiện mô hình nuôi công nghiệp khép kín, còn người dân chúng ta, kiểm soát được từ hai đến ba khâu trở lên đã là lợi thế. Sản xuất được con giống tại chỗ sẽ kiểm soát được chất lượng con giống. Kiểm soát được nguồn nước đã là một phần quan trọng trong các yếu tố kỹ thuật nuôi.

Như vậy chỉ còn hai khâu phụ thuộc là thức ăn và thị trường tiêu thụ. Soát xét lại, người dân chúng ta nuôi tôm trên các ao hồ (tạm gọi là truyền thống) hầu như không kiểm soát được khâu nào. Con giống thì phụ thuộc nơi cung cấp (mà nơi cung cấp giống tôm chủ yếu cho thị trường Thừa Thiên Huế ở rất xa, thường là ở Phú Yên, Khánh Hòa. Tỷ lệ hao hụt cao và vận chuyển tốn kém). Thức ăn thì phụ thuộc nhà cung cấp; nước cấp cũng không kiểm soát tốt được hoàn toàn; tiêu thụ thì phụ thuộc thị trường… Cho nên chúng ta thấy, có thể người nuôi trúng vài vụ, chỉ cần dịch bệnh một vụ là có thể lỗ, treo nợ. Không trách trong điều kiện của người nông dân chúng ta hiện tại, thiếu đủ điều, thậm chí là vốn… nhưng nếu cứ duy trì với cách làm hiện tại – “đánh cược với trời đất” thì có lẽ cần xem xét lại.

Theo người viết bài này, vì rủi ro quá cao, nên tốt nhất là không nên làm. Nếu muốn làm, có thể thông qua hình thức hợp tác để tăng nguồn lực, cải thiện điều kiện nuôi. Nếu không, người nuôi trồng thủy sản khó mà khá lên được.

Nguồn: Theo Báo Thừa Thiên Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết