Những chai chứa chất độc xyanua và súng, xung điện vừa bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận đã phát hiện nhiều vụ đánh bắt bằng chất độc xyanua và có đến 90% tàu, ghe, thúng sử dụng súng, xung kích điện, chất nổ để đánh bắt thủy hải sản.
“Thuốc cá" bằng chất độc
Những ngày cuối năm, chúng tôi theo đoàn lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận kiểm tra các tàu thuyền đánh bắt hải sản trên biển, đã phát hiện tàu cá của ngư dân đảo Phú Quý đang có hành vi đánh bắt cá bằng chất độc.
Khi tàu của lực lượng biên phòng và kiểm ngư vừa áp sát các tàu đánh bắt cá để kiểm tra, lập tức phát hiện những chai nước đen kịt chưa kịp cất giấu. Xác định đây chính là xyanua, một loại hóa chất kịch độc mà ngư dân dùng để đánh bắt cá, đoàn đã lập biên bản tịch thu.
Ông Trần Văn Đạo, một trong hai chủ tàu cá vừa bị bắt giữ đã thừa nhận, ông cùng bạn sử dụng độc chất xyanua để đánh bắt cá quanh khu vực đảo Phú Quý và ông chỉ biết gọi đây là loại “thuốc mê”.
Ông Đạo phân trần: “Đây đúng là chất độc nhưng tôi nghĩ mình chỉ pha với tỉ lệ rất ít như thế thì chẳng làm sao và lương tâm cũng không đến nỗi gì với việc làm sai trái đó”.
Theo miêu tả của ông Đạo, chỉ cần dùng một viên thuốc pha với 10 lít nước rồi đem sử dụng. Khi đổ chất này xuống mặt nước nơi đàn cá đang bơi, chờ vài phút cho cá bị “dính thuốc” sẽ hôn mê, lúc đó giăng lưới bắt rất dễ dàng.
Để chứng minh thực tế chất độc xyanua có tác dụng như thế nào khi ngư dân sử dụng để thuốc cá trên biển, một thực nghiệm tại chỗ trước sự quan sát của các nhà chuyên môn đã được tiến hành. Con cá khi vừa thả vào một bình nước, chỉ sau hơn 1 phút đã bất tỉnh bởi độc chất xyanua hòa tan trong nước.
Tuy nhiên, khi cá được vớt sang bình nước khác thì cũng chỉ sau vài phút nó đã nhanh chóng hồi tỉnh lại. Như vậy đồng nghĩa với việc cá đã được “hồi sinh” sau khi bị ngâm trong chất độc, điều mà ít ai có thể ngờ tới.
Ông Trần Ngọc Dũng, Tổ trưởng tuần tra kiểm tra trên biển đảo Phú Quý (Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Thuận) khẳng định: “Khi sử dụng độc chất xyanua để hỗ trợ đánh bắt cá, cho dù với liều lượng ít thì cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Đồng thời, chất độc này nếu sử dụng nhiều ngày sẽ khiến dãy san hô bị chết và hủy diệt nguồn lợi thủy sản”.
Theo đại diện Kiểm ngư tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện và xử lý ít nhất 3 vụ đánh bắt cá bằng chất độc xyanua. Các đơn vị thực thi pháp luật trên biển đang phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, ngăn chặn dứt điểm hình thức đánh bắt nguy hiểm này.
Dùng súng, xung điện tận diệt cá
Tiếp tục tiến hành tuần tra kiểm tra trên biển, lực lượng Biên phòng và Kiểm ngư Bình Thuận còn phát hiện và bắt giữ hàng trăm khẩu súng cùng hàng nghìn mét dây điện và thuốc nổ khi ngư dân đang tập trung đánh bắt gần bờ.
Khi nhận thấy có dấu hiệu khả nghi từ chiếc tàu cá mang số hiệu BTH 89955 TS, lực lượng Kiểm ngư Bình Thuận yêu cầu dừng để kiểm tra và phát hiện trên sàn tàu hàng loạt súng điện cùng hàng trăm mét dây chưa kịp cất giấu. Chủ tàu là anh Nguyễn Văn Tình, xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, người được xác định đã dùng loại súng này để săn cá quanh khu vực đảo. Toàn bộ tang vật bị thu giữ, chiếc tàu cùng chủ tàu cũng đã bị lai dắt vào bờ để làm rõ, xử lý.
Kiểm ngư Binh Thuận cho biết, từ đầu năm đến nay đã phát hiện bắt giữ nhiều trường hợp ngư dân sử dụng công cụ này để đánh bắt cá trên biển. Ngoài những chất độc, chất nổ, thiết bị súng điện có mức độ sát thương rất lớn có thể gây chết những con cá nặng cả chục kg trong phạm vi từ 1 - 2m.
Cùng với súng điện, chất độc, ở vùng đảo còn có tình trạng không ít người sử dụng thuốc nổ để đánh bắt. Hay chỉ cần bỏ ra số tiền từ 3 – 5 triệu đồng, ngư dân đã sở hữu ngay 1 bộ xung kích điện bao gồm 1 bình ắc-quy, 1 bộ kích điện có 2 đầu dây và 1 cây đi dò điện.
Theo quy định, bộ dụng cụ này từ lâu đã bị cấm sử dụng trong khai thác thủy hải sản, nhưng bất chấp quy định, ngư dân vẫn sử dụng tràn lan. Cứ tàu, thúng này dùng thì những tàu, thúng khác cũng dùng theo vì sự tiện lợi nhanh chóng, chỉ cần cắm 2 que xuống biển là các loại sò, ốc, nghêu… các loại đều tự bật lên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết: “Dùng xung điện để khai thác thủy hải sản, đến nay vẫn là thực trạng báo động. Công cụ đánh bắt hủy diệt này còn rất nguy hiểm đối với người lặn săn cá nếu không may điện bị rò rỉ”.
Theo ông Huy, trước đó cũng đã có nhiều trường hợp thương vong do thuốc nổ phát nổ trước khi quăng xuống biển. Mặc dù lực lượng chức năng đã liên tục tăng tần suất kiểm tra nhưng thực tế cũng chỉ như muối bỏ bể. Nếu tình trạng khai thác thủy hải sản bằng xung kích điện, hay gần đây là giã cào bay, hoặc thuốc nổ tiếp tục diễn biến tràn lan như hiện nay, sớm muộn, hệ sinh thái biển tại Bình Thuận nói riêng và cả nước ta nói chung sẽ sớm bị tận diệt.
Nguồn: Theo Nông nghiệp Việt Nam Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết