Chở tôm mướn: Những cuốc xe chuyên chở hy vọng

Adv thuysan247
Người ta thường nói: Trong xã hội thì nghề nào cũng đáng được trân trọng, miễn không trộm cắp của ai là được. Không biết các bạn có biết không? Có một nghề thương lắm! Nghề này thường hoạt động về đêm, kiểu như chạy xe ôm vậy đó, mà không phải chở người, họ chở theo ước mơ, chở theo hy vọng của những hộ nuôi tôm nhỏ lẻ. Đó là nghề “chở tôm mướn” – cũng nghề tay trái của cha tôi.

Người ta thường nói: Trong xã hội thì nghề nào cũng đáng được trân trọng, miễn không trộm cắp của ai là được. Không biết các bạn có biết không? Có một nghề thương lắm! Nghề này thường hoạt động về đêm, kiểu như chạy xe ôm vậy đó, mà không phải chở người, họ chở theo ước mơ, chở theo hy vọng của những hộ nuôi tôm nhỏ lẻ. Đó là nghề “chở tôm mướn” – cũng nghề tay trái của cha tôi.

thuysan247.com

Nghề này ở đâu mà ra?

Ở những hộ nuôi tôm nhỏ lẻ, khu vực gần Thành phố Hồ Chí Minh như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, …. Nghề chở tôm mướn này rất phát triển. Do những ao nuôi tôm với mật độ không cao, sản lượng thấp, nên người nuôi thường không bán cho xí nghiệp mà sẽ đưa thẳng lên chợ Bình Điền (TP HCM). Và cách mà người ta vận chuyển đó là mướn những chú, những anh, những bác chở đi bằng xe máy trong đêm, để bán cho kịp chợ lúc rạng sáng. Tôi cũng không biết nghề này xuất phát từ bao giờ, tuy nhiên trong ký ức non nớt còn sót lại, lúc tôi 3, 4 tuổi gì đó là cha tôi đã theo đoàn xe của các chú, chạy lên chợ hằng đêm rồi.

Công việc hằng ngày

Để kịp bán lúc 2, 3h sáng thì tùy theo cỡ tôm mà những chú chở tôm mướn này sẽ bắt đầu đi làm vào những khung giờ khác nhau. Thường là 9-11h, cha tôi sẽ bắt đầu soạn đồ nghề và gia nhập vào “hội”. Đồ nghề cơ bản sẽ bao gồm: 1 thùng xốp cỡ lớn đã tra vào khung sắt bên ngoài, đương nhiên là thùng này phải có nắp và có đục sẵn lỗ để bỏ vào trong dây oxy. Kế đến là 1 bình acquy nối với các dây có đá sủi oxy ở đầu kia, dây ràng loại cứng nhất. Người chở tôm thì cũng trang bị thêm nhiều phụ kiện, như đôi ủng, đôi bao tay để tránh bị nước “ăn”, nón bảo hiểm nè, ai thích thì đeo thêm mắt kính, ai lạnh đem theo áo khoác và thứ chắc chắn phải có là bằng lái xe. Vì công an giao thông cũng hay “dòm ngó” lắm.

Công việc này cũng đòi hỏi phải có sức lực và tay lái chắc lắm nha. 9h đêm xuất phát, các chú sẽ phân công nhau đi lấy nước đá cây, lấy muối bịt trước, rồi chạy vào ao tôm. Khúc này là uống nước trà trong chòi tôm của chủ ao nè. Xong xuôi, 3 điều 4 chuyện rồi thì mấy chú kéo cào tới, mấy chú này sẽ “phi thân” xuống ao để kéo tôm lên. Những con tôm đang kiếm ăn đêm sẽ bị cào lên đổ ra rổ cho ráo nước. Sau đó đổ vô thùng của mấy chú chở tôm để sẳn trên bờ ao, bơm thêm nước, đập nước đá, bỏ thêm muối, cắm acquy để chạy oxy cho tôm. Phải như vậy mới đảm bảo “tụi nó” còn sống khi lên tới chợ. Không thì lại mất giá, tội nghiệp ông chủ ao.

Rồi nha, đoạn này là mấy ông thường “nạnh” nhau khiên những thùng tôm đầy ắp để lên yên xe. Ràng cho chắc chắn, rồi thi nhau chạy nhanh lên chợ Bình Điền bán. Tay lái của mấy ông này thì khỏi nói. Chắc lắm! Tuy nhiên cũng xuất hiện một vài trường hợp hy hữu. Trời thì tối, đường bờ ao thì nhỏ, chở cái thùng tôm thì nặng, nên những pha lọt ao cả người lẫn xe thì cũng không ít. Lúc này thì mấy ông chở chung “hội” sẽ ra kéo lên, thùng tôm không bung nắp thì hên, lên sửa xe chạy tiếp, còn tôm ra hết thì đền cho chủ ao chứ sao giờ. Mà với kinh nghiệm và tay lái “lụa” thì vụ này cũng hiếm khi xảy ra lắm.

chợ bình điền
“Hội” đã lên tới chợ Bình Điền.

Nỗi vất vả trong nghề

Nói vui vậy đó, chứ thương lắm. Làm trái múi giờ mà, lúc đáng ra phải nghĩ ngơi thì các chú lại phải chạy xe ở ngoài đường, chở theo những thùng tôm nặng trĩu hơn 60kg. Cũng là chở theo những hy vọng của gia đình chủ ao. Sợ tôm chết giữa đường, sợ bán không được giá, biết bao nổi lo lắng theo những chuyến xe đó.

Nhiều chú lớn tuổi lắm rồi, nhưng vẫn bám trụ với nghề. Mấy chú nói: “Quen rồi, đêm nào không đi, ở nhà buồn lắm”. Nhiều chú một đêm “quay xe” 2, 3 lần, cũng xe đó mà quay về ao, rồi chở thêm vài chuyến nữa lên chợ. “Thiệt ra, làm nghề lâu rồi, giờ kêu làm nghề khác thì cũng không biết làm gì, rồi tiền đâu vợ đi chợ mỗi ngày, tiền đâu cho sắp nhỏ đi học. Vậy thì đành lấy cực làm vui, chứ biết sao giờ”. 

Luôn phải đụng vô nước nên tay chân của mấy ông bị nước “ăn” nhăn nheo hết trơn. Không những vậy, nước này còn lẫn thêm mùi tôm “thối’ nửa, nên da càng dễ bị hư hại hơn. Tội nhất là mấy chú tới 4, 5h sáng còn chạy ngoài đường, giờ đó sương xuống, lạnh cắt da cắt thịt chứ không phải chơi. Nghề nào thì cũng có khó khăn, nhưng nghề đã là nghiệp rồi thì khó mà bỏ được lắm!

Tương lai của nghề

Có thể ở mỗi địa phương khác thì công việc của mấy chú chở tôm mướn sẽ có chút khác nhau. Chứ ở quê tôi là vậy. Nghe thì cực đó, chứ ngày càng nhiều người sắm thùng, sắm bình acquy xin gia nhập “ hội”. Cha tôi ra nghề cũng mấy chục năm nay. Ngày nào cũng sạc bình, rửa thùng rồi ngủ lấy sức để tối đi. Thương lắm! Thương hết mấy chú trong “hội”. 

Nghề nuôi tôm thì càng ngày càng phát triển, xí nghiệp tôm đông lạnh cũng mở ra ngày càng nhiều, chắc rồi đây người nuôi cũng chuộng kiểu chở xe tải nhiều hơn. Mà đó chắc là tương lai xa lắm. Nên hiện tại nghề này vẫn sống được, vẫn ngày càng gia tăng số lượng thành viên. Và chắc rằng trên từng cây số mấy chú đi, mấy chú cũng tâm niệm rằng phải thật cẩn thận, thật chắc chắn. Vì sau lưng của mấy chú không chỉ là những thùng tôm, mà còn là những ước mơ, hy vọng của cả gia đình chủ ao, mong chờ một tương lai tươi sáng hơn.

Nguồn: Theo tepbac.com
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết