Chế biến thủy sản thiếu nguyên liệu trầm trọng

Adv thuysan247
Các nhà máy chế biến thủy sản (hơn 680 nhà máy trên cả nước) đang thiếu nguyên liệu một cách trầm trọng. Trong đó, các nhà máy hải sản thiếu khoảng 80% nguyên liệu cho chế biến, còn nguồn nhân lực cho nghề nuôi biển thì chất lượng cực thấp...

Cả nước hiện có hơn 680 nhà máy chế biến thủy sản. Trong ảnh là hoạt động của một doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản tại ĐBSCL

Các nhà máy chế biến thủy sản (hơn 680 nhà máy trên cả nước) đang thiếu nguyên liệu một cách trầm trọng. Trong đó, các nhà máy hải sản thiếu khoảng 80% nguyên liệu cho chế biến, còn nguồn nhân lực cho nghề nuôi biển thì chất lượng cực thấp...

thuysan247.com

Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) cho hay tại hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nuôi trồng thủy sản” do Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 13/11 tại Cần Thơ. 

Khái quát về ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam, TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng chúng ta đã có vị thế rất cao, đã đạt được những thành tựu mà cả thế giới ngưỡng mộ. “Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển, chúng ta thấy một điều là nó không ổn định, tốc độ tăng trưởng qua từng năm cứ nhảy nhót, đặc biệt là xu hướng tăng trưởng đang giảm đi” – ông Dũng nói.

Còn về xuất khẩu thủy sản, từ mức kim ngạch 386 triệu USD năm 1993, tăng lên vượt ngưỡng 1 tỷ USD năm 2000 và hiện là 9 tỷ USD, đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu thủy sản, đó là thành tựu đang ghi nhận. Tuy nhiên, sự biến động của xuất khẩu qua từng năm còn thăng trầm hơn cả tốc độ tăng trưởng của nuôi trồng.

Theo ông Dũng, lý do có nhiều, nhưng lý do chính là các nhà máy chế biến thủy sản (hơn 680 nhà máy trên cả nước) đang thiếu nguyên liệu một cách trầm trọng, đặc biệt là các nhà máy hải sản thiếu khoảng 80% nguyên liệu cho chế biến. “Chúng tôi đến thăm một số nhà máy thấy rằng chúng ta đang làm cái việc là phải moi thịt còn sót lại trong xương cá đã ướp muối, rồi xuất phần xương cá ra nước ngoài và hưởng phần thịt còn sót lại rất mặn đó như là thành quả của mình” – ông Dũng nêu thực trạng.

Thiếu nhân lực

Từ thực trạng trên, Chủ tịch VSA cho rằng cần phát triển nuôi biển để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Song, ngành nuôi biển nước ta hiện có không ít thách thức. Trong đó, phải kể đến là nguồn nhân lực chất lượng thấp, có thể nói cực thấp vì chưa được đào tạo, chưa có một trường lớp nào đào tạo công nhân nuôi biển cũng như người quản lý nuôi biển.

Hiện có khoảng 50.000 hộ gia đình nuôi biển, với trên dưới 200.000 lao động nhưng gần như tất cả chưa được đào tạo, chỉ truyền nghề theo kiểu truyền thống; trại nuôi quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, rủi ro môi trường cao…

Theo ông Dũng, nhu cầu phát triển nhân lực chất lượng cao cho nuôi biển là cực kỳ lớn. Theo đó, cần đào tạo 10.000 công nhân nuôi biển chuyên nghiệp và 1.000 quản lý trại nuôi công nghiệp, vì mục tiêu đề án phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đang trình Chính phủ phê duyệt thì cần có 600.000 tấn cá biển nuôi mỗi năm, chưa kể những loài khác.  

Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCC, Giám đốc VCCI TP Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2017, VCCI TP Hồ Chí Minh và Liên đoàn Giới chủ Na Uy cùng với các đối tác đã khởi động chương trình “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong ngành nuôi trồng thủy sản” với mong muốn bước đầu xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo ngắn hạn và cấp chứng chỉ cho kỹ thuật viên ngành nuôi trồng thủy sản dựa theo các tiêu chuẩn quốc tế và sự hợp tác, hỗ trợ chặt chẽ của các chuyên gia đến từ Na Uy – nơi có ngành nuôi trồng thủy sản phát triển và hiện đại bậc nhất trên thế giới…

Nguồn: Theo Tiền Phong
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết