Cà Mau lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong tình hình mới

Adv thuysan247
Chín tháng năm 2021, tình hình kinh tế-xã hội của Cà Mau cơ bản ổn định, kim ngạch xuất khẩu đạt 797,5 triệu USD; hơn 300 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 3.771 tỷ đồng.

Công nhân tại một doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau. (Nguồn: TTXVN)

Chín tháng năm 2021, tình hình kinh tế-xã hội của Cà Mau cơ bản ổn định, kim ngạch xuất khẩu đạt 797,5 triệu USD; hơn 300 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 3.771 tỷ đồng.

thuysan247.com

Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Nhiều lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, sản xuất và cung ứng hàng hóa bị đình trệ, các doanh nghiệp đã cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng hoạt động…; một số dự án đầu tư chậm tiến độ.

Khó khăn chung là vậy nhưng nền kinh tế của địa phương vẫn có nhiều “điểm sáng," đặc biệt vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân một lần nữa được phát huy tối đa.

Đối mặt với nhiều thách thức

Theo báo cáo từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, tính đến cuối tháng 9/2021, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản giảm; hoạt động sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng, sản lượng các sản phẩm công nghiệp giảm; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 12,3% so với cùng kỳ.

Tình hình tiêu thụ sản phẩm OCOP gặp rất nhiều khó khăn, tất cả sản phẩm đều giảm cả về sản lượng và doanh thu từ 20-40%. Ước tính thiệt hại đến lĩnh vực sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp khoảng trên 1.900 tỷ đồng; trong đó thủy sản chiếm tỷ trọng thiệt hại lớn khoảng trên 1.700 tỷ đồng.

Thực tế dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, chế biển thủy sản là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước đây, trong điều kiện sản xuất bình thường, Công ty cổ phần chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Hải luôn có gần 500 công nhân hoạt động thường xuyên tại xí nghiệp, xưởng sơ chế. Tuy nhiên, khi địa phương tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì cơ sở đã phải tạm dừng hoạt động.

Ông Huỳnh Hải Triều, Phó giám đốc Công ty cổ phần chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Hải cho biết khi trở lại trạng thái “bình thường mới," công ty đã nhanh chóng khôi phục nhiều hoạt động sản xuất nhằm thực hiện các đơn đặt hàng của đối tác trong và ngoài nước đã được ký kết, tuy nhiên, do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp đã làm cho lượng công nhân giảm rất nhiều so với trước.

Việc thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ," “1 cung đường, 2 điểm đến” đã vấp phải một số vấn đề phát sinh tại một số doanh nghiệp như: phát sinh các khoản chi phí duy trì phương án; thiếu cơ sở vật chất để bố trí chỗ ăn, nghỉ, sinh hoạt cho công nhân đúng quy định y tế.

Đồng thời, việc chỉ có thể huy động từ 30-50% số lượng lao động tham gia phương án, dẫn đến các nhà máy, xí nghiệp không thể vận hành hết công suất. Các doanh nghiệp thương mại gặp rất nhiều khó khăn trong lưu thông hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong sản xuất hoặc sản phẩm thiết yếu cho người dân, thậm chí đôi khi làm đứt gãy nguồn cung.

Theo thống kê từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, địa phương có trên 60 doanh nghiệp quy mô lớn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Nhiều doanh nghiệp cắt giảm, tạm ngừng việc khoảng 6.000 lao động, trong khi các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ tạm ngừng hoạt động nên vấn đề đứt gãy nguồn nhân lực hậu đại dịch là một trong những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau chia sẻ các doanh nghiệp hầu hết đều bị tác động bởi dịch COVID-19; trong đó, điển hình như thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là chi trả công lao động được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp thời điểm hiện nay.

Ðể ứng phó với dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã phải áp dụng các giải pháp liên quan đến lao động, như: nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động, đồng thời chuyển đổi sản phẩm chủ lực và tìm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống…

Lấy lại đà tăng trưởng

Thực tế cho thấy dù có nhiều bất lợi nhưng bức tranh kinh tế của tỉnh Cà Mau vẫn có nhiều gam màu sáng, một số lĩnh vực có chuyển biến đáng phấn khởi. Chín tháng năm 2021, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh cơ bản ổn định, kim ngạch xuất khẩu đạt 797,5 triệu USD; hơn 300 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 3.771 tỷ đồng, tăng 50,5% so với cùng kỳ.

Tín hiệu đáng mừng nữa là ở lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, vốn là mũi nhọn của nền kinh tế địa phương, thì hiện tại các nước châu Âu và Mỹ đang dần dỡ bỏ phong tỏa, cùng với việc chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu thụ vào dịp lễ, Tết cuối năm nên nhu cầu tôm đang phục hồi trở lại.

Bên cạnh đó, những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết, cùng với giá tôm xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, tiếp tục tạo nhiều lợi thế khi xuất khẩu qua các thị trường tăng cao.

Để thích ứng trong tình hình mới, hầu hết các công ty, xí nghiệp chế biến thủy sản ở Cà Mau khi mở cửa hoạt động trở lại đã có giải pháp thay đổi phương thức sản xuất cũng như trong việc phân phối, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, nhằm đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, các công ty chế biến thủy sản đã tổ chức hoạt động theo quy trình khép kín tất cả các khâu một cách nghiêm ngặt như: mọi công nhân trước khi vào nhà máy phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và test nhanh COVID-19 định kỳ.

Bên cạnh đó, các công ty tổ chức sản xuất theo từng khu vực, đồng thời phát huy tối đa dây chuyền công nghệ sản xuất để giảm bớt số lượng công nhân; từ sản xuất tập trung chuyển sang sản xuất theo từng cụm, từng ca với số lượng hạn chế và hầu hết các khâu sơ chế ban đầu đều được chế biến ngay tại các phân xưởng nhỏ lẻ.

Trung tâm thành phố Cà Mau. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định với những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lĩnh vực xuất khẩu thủy sản phục hồi và tăng trưởng đang là tín hiệu đáng phấn khởi. Do đó, từ nay đến cuối năm, các địa phương cần tuyên truyền để người dân lấp nhanh diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh nhằm chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu đáp ứng cho xuất khẩu.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thủy sản trong tỉnh đã có nhiều đề xuất đối với Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc tận dụng nguồn lực lao động ngoài tỉnh đang về tại tỉnh. Nếu việc chuẩn bị tốt thì đây sẽ là điều kiện để giải quyết việc làm cho lao động đạt hiệu quả.

“Trên tinh thần luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, xem sự phát triển của doanh nghiệp là mục tiêu trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, lãnh đạo tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa trong chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, kịp thời, hỗ trợ, tạo điều kiện để phục hồi sản xuất, kinh doanh, sớm đưa các hoạt động xã hội trở lại bình thường trong điều kiện mới; thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân, doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nhân, doanh nghiệp phát huy tối đa năng lực, tài năng, trí tuệ và sự cống hiến của mình," Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khẳng định./.

Huỳnh Anh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: Theo Báo TTXVN
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết