Bình Dương: Làm giàu từ nuôi cá nước ngọt

Adv thuysan247
Đến thăm mô hình nuôi cá nước ngọt của cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Kì, ở ấp 5, xã An Thái, huyện Phú Giáo, chúng tôi rất khâm phục với cách làm kinh tế của ông. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông có thu nhập hơn nửa tỷ đồng từ mô hình này.

Ông Kì (giữa) kiểm tra chất lượng cá trước khi đưa lên xe đi tiêu thụ Ảnh: Hoài Phương

Đến thăm mô hình nuôi cá nước ngọt của cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Kì, ở ấp 5, xã An Thái, huyện Phú Giáo, chúng tôi rất khâm phục với cách làm kinh tế của ông. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông có thu nhập hơn nửa tỷ đồng từ mô hình này.

thuysan247.com

Trên diện tích hơn 100ha được ông thầu lại của Trại giam An Phước, khi chúng tôi đến có 20 công nhân đang miệt mài đánh bắt cá. Trên bờ, 6 chiếc xe tải loại 5 tấn luôn sẳn sàng để đưa cá đi tiêu thụ. Thay vì đứng chỉ đạo, ông Kì xắn tay cùng anh em công nhân chuyển từng sọt cá lên xe.

Tiếp chúng tôi, ông tâm tình: “Tuổi tôi đáng ra đã nghỉ ngơi, không phải ra đồng như thế này. Con cháu cũng khuyên tôi nghỉ ngơi cho khỏe, chứ bao năm vất vả vì con nay lại phải lặn lội hàng ngày ở bờ ao. Nhưng tính tôi là nông dân quê lúa Thái Bình, lại từng là người lính nên ở nhà nghỉ ngơi, rong chơi thấy khó chịu lắm”. Vừa nói xong, ông nhanh tay cầm lên một con cá khoảng chừng 4 kg, rồi cho biết cá ông nuôi toàn bằng thức ăn thừa xin ở Trại giam An Phước. Nhờ vậy, thịt con cá rất thơm và ngon, cá lại nhanh lớn, ăn không phải sợ có chất không an toàn cho sức khỏe.

Năm nay là năm đầu tiên ông nuôi cá ở ao này. Trước đó ông gắn bó với nghề chăn nuôi heo nhiều năm liền. Đầu năm 2019, khi đàn heo của gia đình bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả heo châu Phi ông quyết định treo chuồng, chuyển sang thầu hơn 100ha mặt nước để nuôi cá.

Ông chia sẻ, do không có công sức để nuôi nên ông mua lưới về ngăn khoảng hơn 20ha để thả các loại cá, còn lại chừng 80ha để trống. Khu vực này nước ra vào thường xuyên nên cá nhanh lớn, lại ít bị chết, tỷ lệ đạt rất cao. Hiện ông chủ yếu nuôi cá chim, cá trắm, cá chép, cá rô phi, cá mè… Mỗi lứa ông thu về 50 tấn cá. Với giá bán hiện nay trung bình 12.000/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm ông có thu nhập 450 - 500 triệu đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá, ông cho biết một ao cá không nên nuôi duy nhất một loại cá, trừ những loại cá cao cấp như sặc rằn hoặc nuôi chuyên biệt như cá tra, cá ba sa. Bởi nuôi nhiều loại cá trong một ao không những phòng ngừa tốt các rủi ro, mà còn tận dụng được thức ăn giữa các loại cá với nhau, giúp người nuôi đỡ tốn kém chi phí.

Điều quan trọng, cá ông nuôi có đầu ra ổn định; thương lái thường đưa nhân công vào ao đánh bắt. Ông nhận thấy những loại cá này, cá càng to càng có giá trị, vì thịt thơm ngon nên dễ bán.

Ông Kì cho hay từ khi chuyển sang nuôi cá, không còn nuôi heo ông có nhiều thời gian dành cho gia đình, tham gia các hoạt động của địa phương, của Hội Cựu chiến binh. “Niềm vui nữa đối với tôi khi nuôi cá đó là vào những lúc cho cá ăn mình ngồi ngắm cá thi nhau đớp mồi cảm thấy tâm hồn tĩnh lặng, nhẹ nhàng, thư thái. Thật sự, sau khi chuyển sang nuôi cá tôi thấy nhàn hơn so với nuôi heo, mà thu nhập cũng khá nên tôi rất an tâm”, ông nói.

Ông Đặng Đức Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Thái, cho biết cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Kì là một trong những điển hình về phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, luôn nỗ lực vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi. Nhờ chăm chỉ làm ăn ông đã nuôi dạy các con ăn hoc đàng hoàng và có công việc ổn định, trong đó có 2 con đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân, một đang công tác tại UBND xã. Ông cũng đóng góp tích cực vào hoạt động của hội; hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình.

Nguồn: Theo Báo Bình Dương
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết