Một góc các lồng bè trên sông Chà Và sau khi đã được sắp xếp, quy hoạch.
Thời gian qua, việc nuôi trồng thủy sản lồng bè trên các sông phát triển ồ ạt, phá vỡ quy hoạch và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường nuôi trồng và gia tăng mức độ rủi ro cho chính người nuôi. Chính vì vậy, quy hoạch, sắp xếp lại lồng bè đang được tỉnh quyết liệt thực hiện.
Nuôi trồng dày đặc, tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo phản ánh của một số hộ dân nuôi cá lồng bè tại khu vực sông Chà Và, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu cho biết, 2 tuần nay, cá lồng bè tại một số hộ trên khu vực sông Chà Và xảy ra hiện tượng bỏ ăn, nổi đầu dạt bám lưới lồng, tuột nhớt, tróc da và bắt đầu chết. Các loại cá chết chủ yếu là cá bớp, cá chim… tất cả đều là cá giống. Thậm chí, các loại cá từ 0,3-5kg/con cũng bị chết. Ông Lê Minh Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Sơn cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, lượng cá chết khoảng 130.000 con cá chim, 15.000 con cá bớp, tổng thiệt hại ước tính hơn 3,1 tỷ đồng.
Sau khi ghi nhận tình hình, địa phương đã phối hợp cùng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) tiến hành lấy mẫu tại 2 hộ nuôi cá lồng bè bị chết để tìm nguyên nhân và hướng khắc phục.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng cá nuôi lồng bè bị chết. Trong 2 năm 2015, 2016, tình trạng cá chết trên khu vực sông Chà Và liên tục xảy ra gây thiệt hại cho kinh tế của người dân. Cụ thể, vào tháng 8/2016, nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè tại khu vực 8, sông Chà Và ngậm ngùi chứng kiến hàng ngàn con cá chim, cá bớp chết không rõ nguyên nhân. Gần đây nhất là 7 tháng đầu năm 2019, 24 hộ nuôi cá lồng bè liên tục bị chết với số lượng cá chết lên đến hơn 490.000 con…
Nuôi trồng thủy sản (NTTS) lồng bè hình thành vào năm 2007 trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu). Sau hơn 10 năm hình thành, số lồng nuôi trên sông đã tăng lên khoảng 50 lần. Việc phát triển ồ ạt NTTS trên sông dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường, ảnh hưởng đến môi trường, làm giảm năng suất và mất an toàn hành lang đường thủy…
Với lợi thế vị trí gần cửa biển, kín gió, môi trường nước trong lành, cửa sông Chà Và và sông Rạng đã trở thành nơi lý tưởng phát triển nghề nuôi cá lồng bè. Năm 2000, tỉnh cho phép 20 DN Đài Loan vào đầu tư, khai thác, NTTS tại địa phương. Năm 2006, sau cơn bão số 9, hàng trăm bè cá trên sông Chà Và, sông Rạng bị sập, các DN Đài Loan bị tổn thất nặng nề nên bỏ nuôi gần hết. Cũng từ đây, người dân Long Sơn bắt đầu tiếp quản mô hình nuôi cá lồng bè. Ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, khu NTTS trên sông Chà Và của địa phương có tổng diện tích 511.610m2 mặt nước, bao gồm 5.037 lồng nuôi. Trong đó, 7 vùng nuôi cá biển lồng bè, 9 vùng nuôi các đối tượng nhuyễn thể. NTTS vẫn là ngành kinh tế quan trọng chủ yếu của địa phương để phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, ổn định cuộc sống của người dân.
Tình trạng phát triển ồ ạt, vượt quy hoạch cả về số lồng lẫn diện tích mặt nước đã dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường, giao thông đường thủy và hiệu quả kinh tế của nghề giảm sút nghiêm trọng. Dòng chảy bị cản trở, rác thải sinh hoạt tăng, lượng thức ăn tồn phát sinh ngày càng nhiều khiến môi trường nuôi trồng bị ô nhiễm, thủy sản chậm phát triển và hao hụt lớn vì các mầm bệnh. Anh Nguyễn Văn Long, chủ hơn 100 chiếc lồng nuôi cá chim vây vàng, cá bớp, tôm hùm ở khúc sông Chà Và thông tin, có những thời điểm nuôi tôm cá ngày càng khó khăn, chi phí thức ăn ngày một tăng, bệnh dịch nhiều, sản lượng đến khi thu hoạch hao hụt từ 40%-60% so với trước đây. Nhiều hộ dân NTTS cũng thừa nhận, mật độ nuôi trong lồng dày và khoảng cách giữa các bè quá gần nhau đã hạn chế sự phát triển của thủy sản.
Phát triển theo hướng bền vững
Hộ ông Nguyễn Đăng Minh nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) trong vùng quy hoạch
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, trước đà tăng nóng của nghề NTTS lồng bè trên sông, năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/2.000 khu nuôi lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 (Quyết định số 167/QĐ-UBND) với diện tích 75ha mặt nước. Sau đó, UBND tỉnh đã 2 lần điều chỉnh quy hoạch: lần 1 là tháng 7/2017 và lần 2 là tháng 1/2019. Việc sắp xếp các cơ sở NTTS lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên sông cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng quản lý việc lấn chiếm luồng lạch, quản lý tốt sức khỏe động vật thủy sản và phòng chống dịch bệnh. Thực hiện quy hoạch này, từ năm 2019, Sở NN-PTNT phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương sắp xếp lại lồng bè theo hướng cắt giảm 50% mật độ lồng nuôi, sắp xếp bè nuôi ổn định, trật tự, tạo khoảng cách phù hợp giữa các bè, bảo đảm an toàn về luồng lạch và mỹ quan toàn khu vực. Hiện các đơn vị đã phối hợp cùng các đơn vị thi công hoàn thành công tác thả 88 phao nhận dạng tại các vùng quy hoạch NTTS. Đồng thời tiến hành tổ chức kiểm tra và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi có thời hạn cho 198 cơ sở NTTS trên sông tại các vùng quy hoạch. Thông tin từ Sở NN-PTNT cho thấy, thời gian vừa qua chính quyền địa phương đã mạnh tay xử phạt nhiều trường hợp vi phạm, trong đó TP. Vũng Tàu, TX. Phú Mỹ và huyện Long Điền đã kiểm tra và lập biên bản xử phạt hành chính đối với 274 cơ sở NTTS lồng bè trái phép, nằm ngoài vùng quy hoạch; chấm dứt hoạt động của 87 cơ sở.
Tháng 5/2020, HĐND tỉnh có đợt khảo sát việc sắp xếp lồng bè NTTS trên sông vào vùng quy hoạch. Qua khảo sát cho thấy, sau 5 năm triển khai, hiện công tác sắp xếp quy hoạch vùng nuôi cá lồng bè trên địa bàn tỉnh đã bước đầu mang lại hiệu quả. Đây được xem là cơ sở bảo đảm phát triển NTTS bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm soát và phòng chống dịch bệnh. Theo ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT), đến nay đơn vị đã hoàn thiện công tác cắm phao nhận dạng vùng nuôi tại các khu quy hoạch NTTS lồng bè trên toàn tỉnh. Căn cứ vào giới hạn phao nhận dạng vùng nuôi, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức công tác sắp xếp lồng bè.
TP. Vũng Tàu là địa phương có số lượng lồng bè nuôi thủy sản chiếm khoảng 2/3 số lồng bè trên địa bàn tỉnh với hơn 270 cơ sở/6.650 lồng bè, trong đó khoảng 209 cơ sở/5.800 lồng bè thuộc vùng quy hoạch, số còn lại là ngoài vùng quy hoạch. “Đối với các hộ nằm ngoài quy hoạch này, thành phố đã tổ chức tuyên truyền vận động để người dân tự tháo dỡ. Trong trường hợp không tháo dỡ, chính quyền sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định trong tháng 8 này”, ông Hoàng Vũ Thảnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu thông tin thêm.
Ngoài ra, để ngăn chặn việc lấn chiếm mặt nước NTTS trái phép, Sở NN-PTNT tỉnh đã chỉ đạo tập trung triển khai giải tỏa những trường hợp bè nuôi trái phép có ảnh hưởng đến luồng lạch, an toàn giao thông đường thủy và những trường hợp bè nuôi trái phép ở những khu vực đang triển khai các công trình, dự án đầu tư, xây dựng. Riêng đối với những cơ sở bè nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch, không ảnh hưởng đến luồng lạch, an toàn giao thông thủy, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương giãn tiến độ giải tỏa đến cuối năm 2020.
Hiện nay, Sở NN-PTNT đang đẩy nhanh việc xây dựng quy hoạch khu nuôi lồng bè và nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trên toàn địa bàn tỉnh đến năm 2020. Ngoài khu nuôi trên sông Chà Và, tỉnh đã bổ sung thêm trên sông Dinh và sông Mỏ Nhát với tổng diện tích nuôi 125ha, tăng 50ha so với quy hoạch trước đây để đáp ứng nhu cầu nuôi ngày càng tăng của người dân.
Nguồn: Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết