Thu hoạch cá tra từ vùng nuôi được kiểm soát tốt.
Xuất khẩu cá tra chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đặt ra các điều kiện mới, trong đó có việc cấp mã số để có thể truy xuất nguồn gốc. Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, trong 2 năm qua ở ĐBSCL hoàn tất cấp mã số ao nuôi cá tra.
Theo người nuôi cá tra và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL, việc mã hóa ao nuôi cá tra là điều kiện bắt buộc cần có trước khi ký hợp đồng liên kết sản xuất.
Điều kiện cần
Đến tháng 8/2019, theo số liệu Tổng cục Thủy sản, việc tiến hành xác định cấp mã số ao nuôi cá tra tại ở các tỉnh ĐBSCL đạt hơn 5.200/5.400 ha ao nuôi.
Ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, đến nay Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố trong vùng hoàn tất cấp mã số ao nuôi cá.
Hoạt động nghề nuôi cá tra bắt đầu SX theo kế hoạch. Vào đầu mỗi vụ nuôi được cập nhật, kiểm soát chặt chẽ từng ao nuôi về tiến độ thả giống cho đến cuối vụ số ao nuôi cá sắp thu hoạch. Mỗi tháng nhu cầu số lượng con giống, sản lượng cá sắp thu hoạch được thống kê và điều tiết nhịp độ SX cung cầu theo thị trường để có dự báo tốt hơn. Đặc biệt qua truy xuất nguồn gốc cá tra được nuôi trong môi trường có kiểm soát tốt càng tạo thêm niềm tin và uy tín với khách hàng.
Ông Trần Văn Hai nuôi cá tra ở Cù lao Tân Lộc và ao cá 1 ha đã cấp mã số ao nuôi. Ảnh: DQT.
Theo chuỗi giá trị SX, khâu đầu tiên là con giống. Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ cơ sở SX giống thủy sản, chuyên ương dưỡng cá tra giống cá giống tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: Điều kiện trước nhất là cơ sở SX phải có giấy phép kinh doanh và vùng ao nuôi đạt điều kiện tiểu chuẩn, được Chi cục Thủy sản địa phương cấp mã số ao. Quá trình kiểm tra nếu SX đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ cấp giấy chứng nhận.
Đối với các cơ sở ương dưỡng giống nhập cá bột, nguồn gốc từ cơ sở nào cũng phải có giấy chứng nhận. Hồ sơ ghi nhận từng đợt SX cá giống sẽ được các hộ nuôi cá hay DN thu mua cá giống SX cá tra thương phẩm sau này căn cứ vào đó để biết rõ sản phẩm đạt chất lượng hoặc truy nguyên nếu phát hiện sự cố xảy ra ở khâu nào.
Cung cách làm ăn mới
Nhiều năm qua cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản chủ lực quốc gia. Ở ĐBSCL ngành hàng cá tra hình thành chuỗi giá trị sản xuất từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến, đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh thưc phẩm tới bàn ăn. Mối liên kết SX định hình cung cách làm ăn mới. Hiện có hàng ngàn hộ nuôi cá tra theo hợp đồng liên kết với nhà máy chế biến.
Theo các hộ nuôi cá tra thương phẩm hợp đồng liên kết với công ty Sao Mai-IDI kèm theo yêu cầu bắt buộc SX theo tiêu chuẩn VietGAP: Ao nuôi cá phải nằm trong quy hoạch vùng nuôi thủy sản và đã cấp mã số. Nếu không đáp ứng các điều kiện trên, phía công ty sẽ không ký hợp đồng.
Ông Út Anh, chủ hộ nuôi cá tra ở Cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, nói: "Tôi có 5 ao nuôi cá ký kết hợp đồng liên kết với công ty Sao Mai-IDI.
Mỗi ao nuôi cá phải áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật, từ loại thức ăn đến cách dùng thuốc phòng ngừa bệnh cá phải đúng theo hướng dẫn của công ty.
Hơn một năm qua cán bộ thủy sản địa phương đến khảo sát và cấp mã số gắn thẻ cho mỗi ao với tên chủ hộ nuôi cá. Tôi cho đây là điều kiện tốt để hướng tới làm ăn bài bản hơn, không chỉ đáp ứng yêu cầu từ phía công ty mà bảo vệ quyền lợi cho cho người nuôi cá.
Qua mã số định vị và công nghệ số là phương thức kiểm soát từng ao nuôi, cốt yếu bảo vệ uy tín sản phẩm và danh tiếng cá tra trên thị trường xuất khẩu thế giới".
Thu hoạch cá tra. Ảnh: NVC.
Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Từ năm 2018 Chi cục bắt đầu tiến hành khảo sát, kiểm tra cấp mã số ao nuôi cá tra và đến nay đã hoàn tất gần 600 ha ao nuôi cá tra trên địa bàn thành phố.
Đa số các hộ nuôi về thủy sản có hiểu biết luật, chấp hành quy định quản lý nhà nước và đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi cá tra trong ao - điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và ATTP.
Khi đã chuẩn hóa vùng nuôi sẽ kiểm soát, quản lý và theo dõi tình hình dịch bệnh ở vùng nuôi tốt hơn. Các DN chế biết thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL cũng thừa nhận: Trên thực tế việc cấp mã số, chuẩn hóa vùng nuôi không khó thực hiện để đáp ứng theo yêu cầu và hiện đã có nhiều DN đáp ứng đủ điều kiện XK cá tra chính ngạch vào TQ.
Nguồn: Theo Nông nghiệp Việt Nam Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết