Săn cáy trên sông Mã

Adv thuysan247
Cáy thường được gọi là cua càng đỏ, có quanh năm và sống ở các bờ sông, bờ mương nước ngọt. Người dân sinh sống dọc sông Mã như các xã: Hoằng Phượng, Hoằng Xuân, Hoằng Khê (huyện Hoằng Hóa)... thường tranh thủ những ngày nông nhàn đi “săn” cáy để kiếm thêm thu nhập. Công việc vất vả nhưng nhiều người kiếm được tiền triệu từ cáy

Niềm vui của người dân sau những giờ làm việc vất vả.

Cáy thường được gọi là cua càng đỏ, có quanh năm và sống ở các bờ sông, bờ mương nước ngọt. Người dân sinh sống dọc sông Mã như các xã: Hoằng Phượng, Hoằng Xuân, Hoằng Khê (huyện Hoằng Hóa)... thường tranh thủ những ngày nông nhàn đi “săn” cáy để kiếm thêm thu nhập. Công việc vất vả nhưng nhiều người kiếm được tiền triệu từ cáy

thuysan247.com

Vất vả đi kiếm “lộc trời”

Chúng tôi có mặt tại thôn Vĩnh Gia 1, xã Hoằng Phượng khi trời mới tờ mờ sáng. Đây là thôn có nhiều người đi bắt cáy nhất trong xã. Toàn thôn có khoảng hơn 20 người theo công việc này, chủ yếu là phụ nữ tranh thủ thời gian đi làm để kiếm thêm thu nhập.

Đến đầu thôn, chúng tôi đã thấy “các thợ săn cáy” đang gọi, chờ nhau. Dụng cụ đi bắt cáy của người dân nơi đây rất đơn giản, gồm thùng đựng cáy, đôi găng tay và tất chân. Chị Đào Thị Tình, một người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc bắt cáy cho biết: Cáy sông Mã thường lên kiếm ăn vào buổi tối và sáng sớm mai. Khi có nắng lên là chúng chui xuống hang. Vì vậy, người đi bắt cáy phải tranh thủ soi đèn săn vào ban đêm hoặc sáng sớm. Chị Tình và những người dân trong thôn thường đi bắt vào lúc 19h đến 21h hoặc từ 5h - 7h sáng là về. Việc bắt cáy cũng phụ thuộc vào con nước, cáy thường sống ở bờ sông. Khi nước xuống, cáy mới ra khỏi hang đi kiếm ăn, lúc đó mới bắt được chúng.

Cũng theo chị Tình, săn cáy phải có kinh nghiệm bởi không dễ mà bắt được loài “nhát như cáy” này. Đặc trưng của loài cáy là chỉ cần thấy tiếng động nhẹ sẽ lao ngay xuống hang lẩn trốn, vì vậy người đi bắt phải bước đi thật nhẹ nhàng, nhanh mắt, nhanh tay mới bắt được.

“Thông thường chúng tôi rủ nhau cùng đi theo từng tốp khoảng 5-6 người trở lên rồi quây theo vòng tròn để cáy chạy tập trung lại và bắt, như vậy sẽ bắt được nhiều hơn. Cáy có nhiều nhất là sau những ngày mưa, nước sông rút xuống. Những ngày thường, mỗi ngày tôi bắt được từ 4-5kg cáy, nhưng vào những ngày sau mưa, có những hôm bắt được hàng chục kg cáy” – chị Tình cho biết.

Khu vực cáy sống là đất bùn lầy, phải lội xuống bùn sâu mới bắt được cáy. Tay thoăn thoắt bắt từng con cáy đang bò nhanh trên mặt đất, chị Nguyễn Thị Sen chia sẻ: Tôi đã có 3 năm kinh nghiệm đi “săn” cáy trên sông Mã. Việc bắt cáy không phải dễ dàng, nơi cáy sống là vùng đất bùn phù sa lầy lội, người đi bắt cáy phải lội xuống bùn đến bắp chân, có những khu vực sâu đến quá đầu gối. Bờ sông là khu vực rậm rạp vì vậy cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như: Rắn, gai nhọn, hoặc các vật sắc nhọn khác… có thể gây thương tích cho người đi bắt cáy. Do đất bùn lầy, dính, người đi bắt cáy lại không thể sử dụng ủng bởi mỗi lần nhấc chân lên là ủng dính cứng lại. Vì vậy, chúng tôi thường đi tất vào chân rồi lội bùn. Thế nhưng, tất chân mỏng cũng không thể bảo vệ hết được nên chuyện bị thương do gai nhọn, mảnh chai vỡ khi đi bắt cáy là chuyện thường tình. Vất vả, nhưng bù lại, mỗi tối hoặc sáng mai, chúng tôi tranh thủ 2-3 giờ đồng hồ cũng kiếm được vài trăm nghìn để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Chị Sen cho biết thêm: Cũng như cua đồng, cáy là loại thực phẩm có tính mát thường được dùng để nấu canh ăn vào mùa hè, các mùa khác thì người dân thường làm mắm cáy. Cáy ngon, nhiều thịt và lành nên người tiêu dùng rất yêu thích và sử dụng nhiều. Những năm trước, cáy trên sông Mã rất nhiều nhưng do chưa có thị trường tiêu thụ nên người dân chỉ bắt về ăn và làm mắm cáy. Khoảng 5-6 năm trở lại đây, cáy được người dân ưa chuộng nên thương lái đến thu mua nhiều. Người dân bắt đến đâu bán hết đến đó.

Thu nhập tiền triệu

Canh cáy hoặc mắm cáy có vị đặc trưng, ngon và nhiều thịt hơn cua, lại là loài phát triển tự nhiên nên ngày càng được nhiều người dân tìm mua. Nghề bắt cáy cũng nhờ vậy mà phát triển và nhiều người dân cũng có cơ hội tăng thêm thu nhập từ công việc này.

Bà Lê Thị Bắc, xã Hoằng Phượng, cho biết: Vài năm trước, khi người dân đi bắt cáy còn ít, cáy trên sông nhiều lắm. Trên địa bàn xã, có gia đình mỗi ngày bắt được trên dưới 1 tạ cáy, giá cáy dao động từ 45-50 nghìn đồng/kg, thu nhập 4-5 triệu đồng/ngày. Năm nay, nhiều người đi bắt nên thu hoạch cũng giảm đi. Mỗi lần đi, tôi chỉ bắt được khoảng vài kg. Tuy nhiên, nếu đi đều, mỗi tháng tôi cũng kiếm thêm được 4-5 triệu đồng.

Khác với cách bắt bằng phương pháp truyền thống của nhiều người dân ở xã Hoằng Phượng, nhiều người thợ chuyên đi “săn” cáy ở xã Hoằng Khê lại bẫy cáy bằng các chai nhựa được cắt phần miệng rồi dùng mồi nhử cáy chui vào chai. Với cách làm này, cáy bắt được nhiều hơn, có người kiếm được cả chục kg cáy/ngày.

Một người dân chuyên bắt cáy xã Hoằng Khê, cho biết: Gia đình tôi có 3 lao động chuyên đi bắt cáy. Trước đây, tôi thường đi bắt bằng phương pháp truyền thống là chờ cáy lên kiếm ăn để bắt hoặc câu bằng mồi. Tuy nhiên, 2 năm nay, tôi chuyển sang đặt bẫy bằng ống nhựa, bắt được nhiều cáy hơn. Thường tôi đặt ống từ sáng hôm trước, đến sáng hôm sau thì đổ ống, mỗi ngày thu hoạch được vài chục kg cáy, thu nhập khoảng 1 triệu đồng.

Là hộ gia đình đã có 25 năm làm nghề mắm cáy và thu mua cáy để bán cho các lái buôn khác, ông Trịnh Văn Tứ, xã Hoằng Khê cho biết: Gia đình ông không chỉ thu mua cáy của người dân trên địa bàn xã mà còn thu mua cáy của người dân các xã dọc sông Mã như: Hoằng Xuân, Hoằng Phượng, Hoằng Long… Mỗi ngày, ông Tứ thu mua khoảng 2 tạ cáy nhưng cũng không đủ cấp cho thị trường. Mùa hè, cáy được người dân tiêu thụ mạnh, nên thương lái thu mua với số lượng lớn. Hàng ngày, có 2 chuyến xe của thương lái đến mua cáy vào buổi sáng và buổi chiều, chủ yếu là thương lái đến từ các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng…

Cũng theo ông Tứ, cáy có quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào tháng 4 đến tháng 7 âm lịch, tháng 11, 12 ít hơn và cũng ít người đi bắt vì vào mùa rét. Trước đây, cáy có nhiều hơn, mỗi ngày ông Tứ thu mua khoảng 5 tạ cáy, vài năm trở lại đây cáy ngày càng ít đi, người đi bắt cáy cũng giảm dần. Nguyên nhân một phần là do việc khai thác cát trên sông gây sạt lở bờ sông; việc đắp bờ sông nuôi cá, tôm cũng làm mất môi trường sống của con cáy, khiến cáy không còn dồi dào như trước.

Không chỉ thu mua cáy bán cho thương lái trong và ngoài tỉnh, gia đình ông Tứ còn làm mắm cáy bán ra thị trường. Thường cáy sau khi thu mua sẽ chọn lọc, những con cáy nhỏ sẽ được để lại làm mắm. Cáy được rửa sạch, bóc yếm, bỏ hoi để không còn mùi hôi rồi đem xay nhỏ, sau đó trộn muối cho vào vại rồi đem phơi nắng. Cáy muối khoảng một tháng là chín, nhưng ngon nhất là mắm phải ủ được khoảng 6 tháng, càng được nắng, mắm càng nhanh chín và thơm ngon. Mắm cáy chín có màu đỏ au, mới ngửi có mùi nồng nồng, ngai ngái, ăn vào lại có vị thơm, ngọt và giàu đạm được nhiều người yêu thích. Mỗi năm gia đình ông Tứ tiêu thụ được trên dưới 5 tấn mắm cáy.

“Ngoài những công việc đồng áng hàng ngày lúc rảnh rỗi người dân tham gia đi bắt cáy và nhập lại cho gia đình tôi. Mỗi người đi bắt cáy thu nhập được từ vài trăm nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng mỗi ngày. Con cáy phát triển tự nhiên, người dân chỉ cần bỏ công sức là có thu nhập. Chính vì vậy mà chúng tôi gọi con cáy là “lộc” của thiên nhiên ban tặng cho người dân nghèo ven bờ sông Mã” – ông Tứ chia sẻ.

Nguồn: Theo Báo Thanh Hóa
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết