Phòng và trị bệnh do TiLV trên cá rô phi

Adv thuysan247
Kết quả giám sát của Cục Thú y cho thấy, tỉ lệ mẫu cá rô phi (có biểu hiện bệnh hoặc bị chết) tại các tỉnh phía Bắc dương tính với virus Tilapia lake (TiLV) là 26,6%. Mặc dù chưa bùng phát thành các ổ dịch, nhưng nguy cơ là rất cao.

Kết quả giám sát của Cục Thú y cho thấy, tỉ lệ mẫu cá rô phi (có biểu hiện bệnh hoặc bị chết) tại các tỉnh phía Bắc dương tính với virus Tilapia lake (TiLV) là 26,6%. Mặc dù chưa bùng phát thành các ổ dịch, nhưng nguy cơ là rất cao.

thuysan247.com

Cảnh giác cao độ với bệnh do virus TiLV

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), đến hết năm 2016, diện tích nuôi cá rô phi cả nước đạt khoảng 25.000 ha, sản lượng khoảng 200.000 tấn, kim ngạch XK khoảng 45 triệu USD và là mặt hàng thủy sản XK quan trọng, có nhiều triển vọng của Việt Nam. Những năm gần đây, kim ngạch XK cá rô phi của Việt Nam liên tục tăng rất mạnh, với mức tăng hàng năm trên 30%, có năm lên tới 60-70%.

Hiện các sản phẩm cá rô phi của Việt Nam đã được XK sang gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các thị trường XK rô phi lớn nhất của Việt Nam là Mỹ (kim ngạch trên 6 triệu USD/năm), Tây Ban Nha (kim ngạch trên 3 triệu USD/năm) và Colombia (kim ngạch trên 3 triệu USD/năm)… Tại thị trường Mỹ, Việt Nam là nguồn cung cấp sản phẩm cá rô phi lớn thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Đài Loan, chiếm 10% thị phần. Đây cũng là mặt hàng đứng thứ 4 trong tốp 10 loại thủy sản được ưa chuộng tại Mỹ…

Với triển vọng rất lớn của mặt hàng này, việc đảm bảo an toàn dịch bệnh trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh do virus TiLV đang là nhiệm vụ hết sức cấp bách, đặc biệt đây là bệnh rất mới, hiện thế giới chưa có vacxin phòng bệnh.

Theo Cục Thú y, kết quả giám sát tiến hành trên 163 mẫu cá rô phi có hiện tượng bất thường (cá chết hoặc bệnh tích) tại một số tỉnh phía Bắc cho thấy, đã có 46 mẫu dương tính với bệnh TiLV, chiếm tỷ lệ 26,6%. Cá rô phi giống và cá thương phẩm đều phát hiện nhiễm TiLV. Hiện nguy cơ bùng phát dịch do virus TiLV là rất cao tại các tỉnh gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Ninh, Tiền Giang.

Những năm gần đây, tình hình nhập khẩu giống cá rô phi theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc về các tỉnh phía Bắc là rất phổ biến. Đây cũng là nguy cơ bùng phát dịch rất nguy hiểm bởi Đài Loan hiện đã công bố dịch, còn Trung Quốc mặc dù chưa công bố dịch, nhưng đã được các tổ chức quốc tế cảnh báo có nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Trước tình hình này, Cục đã có báo cáo với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về phòng chống buôn lậu đề nghị phối hợp kiểm soát chặt việc nhập khẩu giống cá rô phi qua các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu biên giới phía Bắc. Đồng thời, bắt buộc kiểm dịch chặt chẽ 100% đối với các lô giống cá rô phi khi vận chuyển vào địa bàn các tỉnh.

Cục Thú y cũng cho biết, hiện Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cũng đang xúc tiến việc đưa virus TiLV vào danh mục bệnh mới trên thủy sản. Theo đó trong thời gian tới, Cục sẽ sớm trình Bộ NN-PTNT đưa bệnh này vào danh mục thuộc diện bắt buộc kiểm dịch tại Việt Nam.

Hướng dẫn phòng, chống bệnh do TiLV trên cá rô phi.

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh do TiLV trên cá rô phi

a) Một số đặc điểm dịch tễ của bệnh

   - Vi rút TiLV gây bệnh ở các loài cá rô phi nuôi, gồm: Cá rô phi vằn (Nile tilapia, Oreochromis niloticus), cá rô phi lai tạo (O. niloticus × O. aureus hybrids) và cá rô phi đỏ/cá diêu hồng (Oreochromis sp.). Các loài cá rô phi hoang dã như cá rô phi xanh (Oreochromis aureus), cá rô phi Mango (Sarotherodon galilaeus), Tilapia zilli và Tristamellasimonis intermedia cũng mẫn cảm với vi rút này.

   - Tỷ lệ chết trong các ổ dịch tự nhiên từ 09-90%; bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu tập trung ở cá giống (cá con). Cá rô phi đỏ (cá diêu hồng) giống nuôi lồng bị nhiễm bệnh, tỷ lệ chết có thể lên tới 90% trong vòng một tháng sau thả.

   - Bệnh lây lan theo chiều ngang, từ cá bệnh sang cá khỏe trong cùng ao nuôi, trại nuôi, qua nguồn nước, dụng cụ, ….

b) Dấu hiệu bệnh lý

   - Bệnh gây tỷ lệ chết cao trong đàn cá nuôi, đặc biệt ở cá nhỏ, do đó khi thấy có hiện tượng cá rô phi nuôi chết nhiều, không rõ nguyên nhân thì có thể nghi đây là bệnh do vi rút TiLV gây ra.

   - Cá mắc bệnh có biểu hiện chán ăn, màu sắc cơ thể biến đổi (sẫm màu); thay đổi tập tính bơi lội (như tập trung ở trên bề mặt, bơi lờ đờ), ngừng kéo đàn, hôn mê trước khi chết.

   - Các dấu hiệu bên ngoài có thể có, gồm: Hiện tượng xung huyết, xuất huyết não; ăn mòn và lở loét từ dạng điểm đến mảng trên da; mang tái nhợt; mắt bị teo lại hoặc lồi ra, có hiện tượng đục thủy tinh thể; xoang bụng và hậu môn phình to; vẩy dựng lên, có thể bong tróc; đuôi bị ăn mòn (tham khảo một số hình ảnh cá mắc bệnh tại Phụ lục 1).

2. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

   Hiện nay, chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh này, vì vậy cần áp dụng các biện pháp sau khi nghi ngờ hoặc phát hiện bệnh do TiLV gây ra trên cá rô phi:

   - Thực hiện các biện pháp phòng chống được quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; trong đó lưu ý các biện pháp sau:

   + Nếu có hiện tượng cá rô phi chết nhiều bất thường, phải báo ngay cho cơ quan thú y nơi gần nhất để triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống; các Chi cục thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại khoản 1, 5 Điều 5 Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT và Công văn số 1245/TY-TS ngày 24/6/2016 của Cục Thú y về việc thống nhất sử dụng các biểu mẫu báo cáo dịch bệnh động vật thủy sản;

   + Tuyệt đối không vận chuyển cá rô phi sống từ các ao nuôi đã bị bệnh sang các ao/vùng nuôi không bị bệnh để hạn chế dịch bệnh lây lan;

   + Không vứt cá chết, cá bệnh, xả thải nước ao nuôi bị bệnh nhưng chưa qua xử lý ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh; xử lý cá chết và chất thải theo hướng dẫn tại Phụ lục VI Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT.

   - Cá rô phi giống trước khi thả nuôi cần được lấy mẫu gửi phòng thử nghiệm có đủ năng lực để xét nghiệm sàng lọc đối với mầm bệnh TiLV.

   - Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, tăng cường quản lý ao nuôi để hạn chế mầm bệnh lây lan qua dụng cụ, phương tiện và con người (sử dụng các biện pháp vệ sinh, tiêu độc sát trùng)

Bệnh Tivl trên cá rô phi, bênh TiVL trên cá, phòng bệnh TiVL trên cá rô phi

Cá rô phi đỏ (cá diêu hồng) giai đoạn giống nhiễm TiLV (bên trái); dấu hiệu lở loét, xuất huyết trên da của cá rô phi nhiễm TiLV (bên phải) (Jansen MD & Mohan CV, 2017)

Nguồn: Theo Trung tâm khuyến ngư Tp.HCM
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết